Triết lý YKK: "Không ai phồn vinh nếu không giúp ích cho người khác"

Do quá "bất bình" với các dây chuyền sản xuất dây khóa thời bấy giờ, Tadao Yoshida - một thợ cơ khí người Nhật đã tự mày mò một cỗ máy cho riêng mình và thành lập nên công ty YKK. YKK nay đã thành "gã khổng lồ" với 6,5 tỷ USD doanh thu, sở hữu hơn 42.154 nhân viên với nhà máy sản xuất khắp 71 nước trên toàn thế giới.

Thầm lặng và cầu toàn như người Nhật

Được thành lập bởi Tadao Yoshida tại Tokyo vào năm 1934, "YKK" là viết tắt của Yoshida Kogyo Kabushikikaisha (có thể được hiểu là Công ty TNHH Yoshida).

Nhưng trên thực tế, Yoshida không sáng tạo ra khóa kéo, vật phẩm tí hon này được đăng ký phát minh bởi một người Mỹ tên Whitcomb L. Judson từ những năm 1890, và công ty Talon do Whitcomb sáng lập vẫn còn hoạt động tích cực trong ngành với các đối tác lớn như Brooks Brothers hay Uniqlo.

Trái ngược với địa vị "danh giá" của cha đẻ khóa kéo, Yoshida xuất thân chỉ là một người thợ cơ khí với niềm đam mê sáng tạo và nỗi bất bình với phương thức sản xuất khóa kéo vào thời bấy giờ. Người thợ trẻ ấy đã mày mò tự chế tạo cho mình một chiếc máy sản xuất "vừa ý" và tạo cả một sự nghiệp để đời dựa trên sản phẩm này.

Triết lý YKK: Không ai phồn vinh nếu không giúp ích cho người khác

Sinh sau đẻ muộn là thế, nhưng YKK luôn sở hữu một chất lượng được đánh giá là hàng đầu trong ngành thời trang. Không tập trung vào quảng cáo, YKK mong muốn để sản phẩm và những khách hàng tự quảng bá cho mình.

Cam kết chất lượng khiến cho Yoshida là một trong những công ty hiếm hoi sở hữu và kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, một báo cáo năm 1998 của tờ Los Angeles Times kể về YKK như sau: "Công ty này tự đun chảy nguyên liệu, tự sản xuất sợi tổng hợp, tự đan từng miếng vải rồi sau đó tự tay nhuộm màu theo nhu cầu, và YKK cũng tự đúc và rèn từng cái răng dây khóa …"

Vẫn chưa đủ, YKK còn tự làm từng thùng đóng gói, nhưng điều làm cho các chuyên gia nước ngoài ngưỡng mộ nhất là YKK tự tay thiết kế và lắp ráp các dây chuyền sản xuất khóa cho riêng mình, vừa đảm bảo chất lượng đỉnh cao vừa "giấu" được bí mật sản xuất khỏi các đối thủ khác trên thị trường.

Với một chuỗi cung ứng được kiểm soát đến "từng milimet" như thế, sai sót trong sản xuất luôn bị YKK "triệt tiêu", chất lượng và tốc độ luôn được công ty này kiểm soát chặt chẽ. Đơn thuần như vụ động đất lớn đã "bẻ gãy" hàng loạt chuỗi cung ứng tại Nhật vào năm 2011, trong khi những tên tuổi lớn như Toyota hay Honda phải chật vật vì không tìm được sự hỗ trợ phù hợp, YKK vẫn bình tĩnh sản xuất và đảm bảo năng suất của mình.

Triết lý YKK: Không ai phồn vinh nếu không giúp ích cho người khác

Triết lý YKK

Và nhà sáng lập Yoshida đã đưa ra một triết lý "Chu kỳ tinh túy" như sau: "Không ai phồn vinh nếu không giúp ích cho người khác". Câu nói trên được giải thích rõ hơn trên website của YKK:

"Công ty là một nhân tố quan trọng của xã hội, và vì thế, công ty phải cùng chung sống với các yếu tố khác trong xã hội. Giá trị của công ty chỉ thật sự được công nhận bởi những lợi ích đem lại cho cộng đồng.

Trong công cuộc kinh doanh, YKK luôn dành hết khả năng của mình để tìm ra hướng đi mà tất cả đều được phồn vinh – và đó là lý do mà YKK phải liên tục tạo ra giá trị qua khả năng sáng tạo của mình. Tạo thêm giá trị sẽ là hướng phát triển của tập đoàn YKK, chúng ta sẽ đem lại phồn vinh cho cả khách hàng và đối tác, và đem lợi ích đến cho toàn xã hội."

Với triết lý này, các nhà quản trị tại YKK luôn được nhà sáng lập của mình dặn dò rằng: "Nhân công được chăm sóc tốt sẽ tạo ra sản phẩm tốt, sản phẩm tốt sẽ đem lại lợi ích cho khách hàng, và khách hài lòng sẽ đem về lợi nhuận cho công ty."

Nếu so triết lý này so với các "sứ mệnh" hay "tầm nhìn" mà hầu hết công ty đều có "na ná nhau" hiện nay, vai trò của nhân công được YKK đẩy lên một tầm cao mới, trở thành nhân vật trung tâm của cả tập đoàn, cũng giống như thương hiệu YKK, không phải là một "siêu anh hùng" giữa thị trường thời trang đầy hào nhoáng, mà là một nhân vật hỗ trợ "thầm lặng" với nhiệm vụ đem lại sự an tâm cho những người ngoài tiền tuyến.

Triết lý YKK: Không ai phồn vinh nếu không giúp ích cho người khác

Và trong sản xuất, Yoshida luôn mong muốn chuỗi cung ứng của mình liên tục sở hữu chất lượng cao với giá thành ngày càng rẻ. Nghe tưởng chừng như đơn giản, nhưng đó chính là một thế mạnh "bất hủ" khiến YKK chiếm trọn trái tim của biết bao thương hiệu thời trang.

Chọn YKK thì không thể sai được!

Rất đơn giản, YKK sản xuất những dây kéo chất lượng, luôn giao hàng đúng giờ, cung cấp hàng loạt mẫu mã với màu sắc, chất liệu và kiểu dáng phù hợp với tất cả nhu cầu của khách hàng. Cả ngành thời trang luôn an tâm vì không bao giờ sai nếu chọn YKK.

"Chúng tôi luôn gặp phải vấn đề về chất lượng đối với các mẫu dây kéo giá rẻ", Trina Turk – chủ hãng thời trang cùng tên cho hay: "Nên bây giờ chúng tôi chỉ sử dụng YKK. Khách hàng đã trả 200 USD cho một chiếc quần, điều ít nhất chúng tôi có thể làm là cung cấp cho họ một mẫu dây kéo chất lượng. Vì một khi dây kéo bị hư, tên tuổi của cả hãng thời trang sẽ là đối tượng bị "ném đá" nhiều nhất."

Không những có chất lượng đảm bảo, những mẫu dây kéo YKK phổ biến nhất cũng chỉ tốn từ 30-40 cent, một mức giá quá hợp lý đối với các nhà thiết kế với giá thành sản xuất trung bình từ 40 – 65 USD và có giá bán lẻ còn cao hơn gấp nhiều lần.

"Chúng tôi không muốn mạo hiểm tiết kiệm vài xu rồi để cho khách hàng của mình phàn nàn vì một sản phẩm bị lỗi", theo Steve Clima, giám đốc sản xuất của hãng thời trang Trina Turk. "Lợi nhuận từ việc cắt giảm đó sẽ không thể nào bù lại được chi phí đổi và trả hàng."

Triết lý YKK: Không ai phồn vinh nếu không giúp ích cho người khác

Kết quả

Đó là lý do khiến hàng trăm thương hiệu khóa kéo với giá thành rẻ và thiết kế linh hoạt khác tại Trung Quốc cho đến giờ này vẫn đang chật vật cạnh tranh với sự lựa chọn hàng đầu - YKK. Theo một số liệu thống kê gần đây, hiện YKK đang cung cấp ½ dây khóa khắp thế giới, tập trung chủ yếu tại thị trường Âu – Mỹ với một phòng trưng bày độc nhất vô nhị tại London.

YKK không phải là một công ty nhiều người biết tới, thậm chí YKK cũng rất ít khi công khai trả lời báo chí về những kế hoạch của mình. YKK chỉ nhắm tới một số lượng nhỏ các nhà quản lý sản xuất ở các hãng thời trang, vì đối với những người đó, "YKK" mới là một thương hiệu có giá trị thật sự.

Tính đến năm 2014, YKK là một "thương hiệu tỷ đô" với 6,5 tỷ USD danh thu, sở hữu hơn 42.154 nhân viên với nhà máy sản xuất khắp 71 nước trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

YKK tồn tại và phát triển dựa trên một nguyên lý: "Khách hàng sẽ không chọn quần áo vì dây khóa, nhưng khách hàng sẽ sẵn sàng vứt bỏ quần áo mới mua chỉ vì dây khóa hư".

Lê Thanh Sang
Nguồn Trí thức trẻ