Google trước cuộc chiến quảng cáo với Facebook tại Ấn Độ
“Đại gia” công nghệ Google đang không mấy vui vẻ khi phải đối diện với một triển vọng không mấy khả quan: Dù hiện vẫn đứng trên Facebook về doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Ấn Độ, nhưng khoảng cách giữa hai ông lớn" này sẽ thu hẹp nhanh chóng nếu Google không tìm được hướng đi mới tại thị trường đầy tiềm năng này.
Facebook - đối thủ đáng gờm của Google tại Ấn Độ
Dù Google đã tiến vào thị trường Ấn Độ trước Facebook và tránh được những bê bối gây nhiều tranh cãi, thành công của Facebook vẫn khiến công ty mẹ của Google là Alphabet Inc tỏ ra khá e dè.
Các quản lý cấp cao của Google tại Ấn Độ hồi đầu năm nay đã rất lo lắng khi biết rằng Facebook có khả năng đạt doanh thu 980 triệu USD tại nước này vào năm 2018. Trong khi đó, doanh thu của Google tại Ấn Độ mới đạt 1 tỷ USD hồi năm ngoái.
“Cuộc chiến” với Facebook tại Ấn Độ phản ánh một thách thức vô cùng lớn đối với Google tại các thị trường đang phát triển trên toàn thế giới. Những thị trường này đóng vai trò rất quan trọng đối với triển vọng tăng trưởng dài hạn của Google, song nhiều người tiêu dùng đang bị hấp dẫn bởi Facebook và các ứng dụng “anh chị em” của nó, gồm Instagram và WhatsApp. Xu hướng này đã ảnh hưởng tới dịch vụ tìm kiếm Google và YouTube, đồng thời khiến dòng tiền chi có đầu tư trực tuyến nhanh chóng chuyển hướng sang các đối thủ của họ.
Theo các chuyên gia tại Ấn Độ, Facebook là một nền tảng thân thiện với người dùng hơn mặc dù họ chưa tạo ra các tính năng đặc biệt cho các nhà quảng cáo Ấn Độ. Một số công ty marketing cho rằng các quảng cáo trên Facebook, nhờ sử dụng nhiều yếu tố hình ảnh, có xu hướng vượt qua rào cản ngôn ngữ dễ dàng hơn so với các quảng cáo trên Google hoặc YouTube. Ngoài ra, việc nhắm vào người tiêu dùng trẻ tuổi và những cư dân khu vực nông thôn cũng tỏ ra thuận lợi hơn với Facebook và ứng dụng Instagram.
Một điều rõ ràng là Facebook đang thành công ở Ấn Độ, đất nước đang sở hữu thị trường quảng cáo điện tử có nhịp độ phát triển nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, bất chấp tình trạng hỗn loạn nội bộ và những tranh cãi chính trị. Một ước tính do công ty truyền thông GroupM đưa ra cho biết chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số tại Ấn Độ sẽ tăng 30% trong năm nay, trong khi Facebook và Google chiếm khoảng 68% thị trường quảng cáo điện tử của Ấn Độ vào năm ngoái.
Câu hỏi liệu Facebook có vượt qua Google về doanh thu quảng cáo tại Ấn Độ hay không đã được đưa ra, và giới chuyên gia cũng bị chia rẽ trong nhận định của họ. Điều này giải thích tại sao ông Sundar Pichai, Giám đốc điều hành (CEO) của Google, đã thúc đẩy sự thay đổi trong cách tiếp cận của công ty đối với các thị trường mới nổi như Ấn Độ.
Bên lề sự kiện “Google for India” (tạm dịch: Google dành cho Ấn Độ) diễn ra tại New Delhi hồi tuần trước, ông Caesar Sengupta - một quản lý cấp cao của Google - khẳng định Ấn Độ là thị trường quan trọng nhất trong sáng kiến “Next Billion Users” (tạm dịch: Một tỷ người dùng mới) của công ty này.
Chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số tại Ấn Độ sẽ tăng 30% trong năm nay, trong khi Facebook và Google chiếm khoảng 68% thị trường quảng cáo điện tử của Ấn Độ vào năm ngoái.
Thay đổi để bứt phá
Ông Nelson Mattos, người đã giám sát hoạt động của Google tại châu Âu và châu Phi trong vài năm, nói rằng Google nhiều năm liền đã quen việc thiết kế các dịch vụ hướng tới những đối tượng nhanh nhạy trong việc năm bắt công nghệ mới, những người thường hay ở Silicon Valley. Sau đó, các sản phẩm tốt nhất sẽ tìm kiếm được khách hàng trên quy mô toàn cầu.
Ông Mattos cho rằng theo thời gian, khi nhận thấy sự phát triển của Facebook, tầm quan trọng của những ứng dụng như WhatsApp cũng nhiều công cụ khác tại các thị trường mới, Google bắt đầu nhận ra rằng có lẽ họ phải thay đổi cách tiếp cận của mình.
Không lâu sau khi trở thành CEO của Google vào ba năm trước, ông Pichai đã vạch ra một chiến lược mới cho những thị trường đang phát triển như Ấn Độ. Dự định đó bao gồm phát triển thêm nhiều dịch vụ được thiết kế phù hợp với người dân địa phương; quảng cáo nhiều hơn trên đài phát thanh, biển quảng cáo và truyền hình; thuê thêm nhiều nhân viên địa phương và đầu tư vào nhiều start-up hơn.
Kể từ đó, nhân sự của Google tại Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi lên hơn 4.000 người, gấp tám lần so với Facebook. Các sản phẩm của họ cũng “lột xác,” trở nên dễ sử dụng hơn với các gói dữ liệu thấp. Các ứng dụng dành cho điện thoại thông minh như Files Go và Tez - được đổi tên thành Google Pay vào tuần trước - cũng được phát triển nhắm tới người dùng Ấn Độ.
Những nỗ lực trên đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Theo ước tính của công ty thống kê Comscore, người Ấn Độ trong nửa đầu năm nay đã dành nhiều thời gian hơn cho các dịch vụ của Google so với các dịch vụ của Facebook. Trong khi đó vào cùng giai đoạn này hồi năm 2017, Facebook đã “vượt mặt” Google.
Xong việc chuyển những kết quả tích cực đó vào hoạt động kinh doanh quảng cáo vẫn chưa hoàn tất. Một số giám đốc điều hành của Google, bao gồm các nhà lãnh đạo mảng quảng cáo hình ảnh và một số doanh nghiệp quảng cáo nhỏ, đã đến Ấn Độ vào đầu năm nay để hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng Ấn Độ. Chuyến thăm này thúc đẩy họ xem xét các ý tưởng như cho phép các nhà quảng cáo chỉ tiếp cận người dùng tại một số bang cụ thể, vì ngôn ngữ và trình độ đọc viết của dân cư tại mỗi khu vực thuộc Ấn Độ đều rất khác nhau.
Tại sự kiện “Google for India,” Google đã công bố một kế hoạch đưa nội dung các tờ báo của Ấn Độ lên mạng nhằm tăng nguồn cung cấp kết quả tìm kiếm và quảng cáo có sẵn bằng các ngôn ngữ của từng khu vực.
Tuy nhiên, Google vẫn phải tính đến nhiều vấn đề khác. Một trong số đó là việc các doanh nghiệp nhỏ tại các thị trường mới nổi ít có khả năng tự xây dựng trang điện tử riêng, trong khi đây là nền tảng cho hầu hết các chiến dịch quảng cáo trên Google nhưng không cần thiết đối với Facebook. Thậm chí, có những doanh nghiệp đăng video giới thiệu sản phẩm lên Youtube, rồi gửi đường link dẫn tới những video này đến các khách hàng tiềm năng thông qua ứng dụng Whatsapp.
Facebook đã tỏ ra nhanh nhạy hơn khi bắt đầu thương mại hóa những hoạt động như vậy. Chỉ vài tuần trước, Facebook đã bắt đầu tính phí cho các tính năng tiếp thị bằng văn bản trên WhatsApp, với quảng cáo bằng video dự kiến sẽ ra mắt vào năm tới.
H. Thủy
Nguồn VietnamPlus