Bị chỉ trích nặng nề, Burberry ngừng đốt hàng tồn kho
Chỉ tháng trước, thương hiệu thời trang đình đám Anh quốc Burberry ra tuyên bố đã đốt sạch số hàng hóa tồn kho trị giá 10 triệu USD, với lời thanh minh nhằm duy trì giá trị thương hiệu. Nhưng hành động này của hãng gặp chỉ trích mạnh mẽ tới nỗi Burberry phải thay đổi truyền thống của mình.
Ngày 6/9/2018, Buberry bất ngờ đưa ra thông báo sẽ ngừng đốt những món đồ thời trang chưa bán được. Điều này đi ngược lại với những tuyên bố cứng rắn trước đó của hãng về việc xử lý hàng tồn kho với mục đích duy trì giá trị thương hiệu, mà thực chất là "thà đốt bỏ còn hơn bán giảm giá".
Trước đó, trong một báo cáo hàng năm vào tháng 7, thương hiệu thời trang nổi tiếng bậc nhất Anh quốc cho biết hãng đã đốt 28,6 triệu bảng Anh tiền quần áo và mỹ phẩm còn nằm trong kho.
Không chỉ có Burberry mà hai thương hiệu thời trang cao cấp khác là Richemont và Louis Vuitton cũng bị buộc tội hủy những chiếc đồng hồ và túi xách chưa bán được để không phải bán chúng với giá rẻ. Thậm chí, Nike cũng được cho là theo chân những hãng thời trang này.
Hiện tại, với tuyên bố mới nhất, Burberry giới hạn loại sản phẩm tiêu huỷ gồm hàng gắn mác Burberry và những mặt hàng mỹ phẩm liên quan tới điều khoản trong hợp đồng với công ty mỹ phẩm Coty. Hãng cũng sẽ ngừng bán các sản phẩm sử dụng da và lông thú. Người phát ngôn của Burberry cho biết khi hủy những sản phẩm của mình, hãng sẽ làm "một cách rất có trách nhiệm".
"Sự sang trọng hiện đại có nghĩa là phải có trách nhiệm với xã hội và môi trường", Marco Gobbetti, giám đốc điều hành Burberry tuyên bố.
Các chính trị gia và các chuyên gia xã hội cho rằng hành động của hãng thời trang danh tiếng Anh quốc cho thấy sự thiếu tôn trọng chính sản phẩm của mình và công sức lao động vất vả của nhân công, cũng như những nguồn tài nguyên thiên nhiên đã tiêu phí.
Với nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những khách hàng trẻ tuổi quan tâm tới môi trường và có đạo đức, hành động phá hủy hàng hóa của Burberry ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của hãng này.
Hồng Hạnh
Nguồn Nhịp sống kinh tế