Nestle dùng AI, di truyền để cá nhân hóa chế độ ăn người dùng
Nestle, hãng thực phẩm lớn nhất thế giới, vừa tham gia xu hướng dinh dưỡng cá nhân hóa với sự kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thử nghiệm DNA và cơn sốt ảnh chụp món ăn trên Instagram.
Theo Bloomberg, chương trình của Nestle bắt đầu từ Nhật Bản và có thể giúp hãng này có nhiều dữ liệu về sức khỏe và chế độ ăn uống của người dùng. Nestle đang hướng về những người tiêu dùng muốn tìm cách cải thiện sức khỏe và tuổi thọ.
Tại Nhật Bản, khoảng 100.000 người dùng chương trình “Đại sứ khỏe mạnh Nestle” gửi hình ảnh thực phẩm của họ qua ứng dụng nhắn tin Line, sau đó nhận đề xuất thay đổi lối sống và bổ sung công thức đặc biệt. Chương trình có thể tốn 600 USD/năm để người dùng mua các viên làm trà, sinh tố giàu dinh dưỡng và nhiều sản phẩm khác như đồ ăn nhẹ bổ sung vitamin. Một bộ công cụ gia đình cung cấp xét nghiệm mẫu máu và DNA còn giúp xác định các bệnh thông thường như cholesterol cao hoặc tiểu đường.
“Hầu hết các phương pháp cá nhân hóa đều được thúc đẩy bởi những doanh nghiệp nhỏ hơn, đó là lý do vì sao nó khá hạn chế. Nestle đang tiến thêm một bước nữa”, đối tác Ray Fujii tại hãng L.E.K. Consulting ở Nhật Bản cho hay. Các xét nghiệm máu và DNA được thực hiện bên ngoài doanh nghiệp và đưa kết quả đầy đủ cho người tiêu dùng. Hãng Halmek Ventures cung cấp xét nghiệm máu, còn Genesis Healthcare thực hiện phân tích di truyền.
Từ snack đến thực phẩm bổ sung
Chương trình là một phần trong quá trình chuyển hướng của doanh nghiệp thực phẩm 152 năm tuổi. Nestle thực hiện một loạt các khoản đầu tư nhắm vào nhiều lựa chọn lành mạnh hơn, trong đó có công ty sản xuất bữa ăn chay Sweet Earth Foods và dịch vụ giao bữa ăn Freshly. Nestle còn mua nhà sản xuất thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn uống Atrium Innovations của Canada hồi tháng 3 với giá 2,3 tỉ USD. Đây là thương vụ lớn nhất trong mảng dinh dưỡng - y tế trong hơn một thập niên qua.
“Các vấn đề về sức khỏe liên quan đến thực phẩm và dinh dưỡng đang lớn hơn. Nestle cần giải quyết điều này trên toàn cầu, biến nó thành sứ mệnh doanh nghiệp trong thế kỷ 21”, người đứng đầu hoạt động kinh doanh của Nestle tại Nhật Bản, ông Kozo Takaoka, cho hay. Ông Takaoka cho rằng phân khúc sức khỏe cuối cùng có thể chiếm một nửa doanh số Nestle tại Nhật Bản.
Hiện doanh nghiệp Thụy Sĩ đang tuyển hàng trăm nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực từ sinh học tế bài, y học đường tiêu hóa và hệ gen tại Viện Khoa học Y tế Nestle. Hãng phát triển nhiều công cụ để đo lường, phân tích mức độ dinh dưỡng của con người.
Gen và AI
Một trong các hãng kết hợp sớm hai yếu tố này với nhau là công ty thực phẩm Mỹ Campbell Soup. Hãng đầu tư 32 triệu USD vào startup Habit ở San Francisco vào năm 2016. Habit sử dụng hồ sơ DNA và máu để đưa ra khuyến cáo về chế độ ăn uống, cung cấp dịch vụ huấn luyện về dinh dưỡng và bữa ăn thiết kế riêng. Big Food thì đang khai thác công nghệ AI và kiến thức di truyền để thay đổi cách người tiêu dùng lựa chọn.
“Trong thế kỷ 21, sự đổi mới đang dùng internet và AI để giải quyết nhiều vấn đề mà các khách hàng của chúng tôi không nhận ra là họ mắc phải, hoặc các vấn đề mà họ bỏ cuộc”, ông Takaoka cho hay. Ông cho biết các hãng tiêu dùng lớn không còn có thể dựa vào sức mạnh thương hiệu để thu hút thế hệ người tiêu dùng mới lớn lên trong thời đại thương mại điện tử.
Nhà khoa học dinh dưỡng Peter Jones tại Đại học Manitoba ở Canada cho biết: "Chúng ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ, thế giới kiểu mỗi người đặt bản thân mình lên hàng đầu. Đây sẽ là biểu hiện của tương lại. Nền tảng một sản phẩm, một kích thước phù hợp với mọi người là chuyện của quá khứ".
Thu Thảo
Nguồn Thanh Niên