Bên trong Google
Hóa ra bên trong cỗ máy tìm kiếm khổng lồ Google không quá phức tạp như nhiều người nghĩ. Chuyến thăm trụ sở của Google khu vực Đông Nam Á của phóng viên Doanh Nhân cho thấy, ý tưởng sáng tạo và nhân viên là các tài sản lớn nhất của công ty này.
Đó là một buổi sáng giữa tháng 4 ngập tràn nắng khi cánh nhà báo đặt chân vào tòa nhà Asia Square 1, Singapore. Nơi đây có văn phòng trụ sở của Google Đông Nam Á.
Nếu ở sảnh chính dẫn vào tòa cao ốc văn phòng này nghiêm trang, kín đáo bao nhiêu thì “lãnh thổ” Google chiếm trọn hai tầng bên trên lại vui tươi bấy nhiêu, với những cánh cửa sơn xanh, đỏ, vàng hết sức vui mắt.
Một khu bếp xinh xắn với đầy đủ thực phẩm và đồ uống, gần đó là những góc nhỏ ấm cúng với những… gối ôm đầy màu sắc để nhân viên thư giãn ngay trong giờ làm việc. Sự trẻ trung toát ra bên trong văn phòng này xóa tan ấn tượng nhàm chán thường thấy ở các công ty công nghệ, nơi chỉ có máy tính và những con người cặm cụi làm việc với bàn phím.
Google khai trương một văn phòng nhỏ tại Singapore năm 2007 và sau đó đã chuyển văn phòng tới một địa điểm rộng lớn hơn vào tháng 1/2012, nằm trong tòa nhà Asia Square 1 này.
Làm việc sướng hơn chơi
Amy Kunrojpanya, Trưởng bộ phận Truyền thông và Quan hệ đối ngoại, Khu vực Đông Dương của Google hôm nay đóng vai hướng dẫn viên cho đoàn nhà báo Việt Nam. Cũng như hình ảnh tươi trẻ của Google, Amy lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và vui vẻ. “Googlers (nhân viên Google – PV) chúng tôi cực kỳ thoải mái trong trang phục như các bạn thấy (quần jeans, áo thun), có thể tự do “tám” trong giờ làm hay nhâm nhi cà phê, nằm võng, đọc sách trong thư viện tùy thích. Google coi trọng sự tự do tinh thần của nhân viên hơn các quy tắc làm việc cứng nhắc”, Amy giải thích.
Thật vậy, đi hết một vòng toàn bộ khu văn phòng mênh mông của Google, nói chuyện với Googlers mới hiểu tại sao trong nhiều năm liền công ty có trụ sở tại Mountain View, California (Mỹ) này luôn dẫn đầu bảng xếp hạng “100 Best Companies to Work for” (100 công ty tốt nhất để làm việc) của Tạp chí Fortune. Đây là một xếp hạng uy tín nhằm tôn vinh những công ty có môi trường làm việc lý tưởng, văn hóa công ty rõ nét và luôn hướng đến nhân viên.
Tại sao Google duy trì được vị trí này dù các công ty lớn khác của Mỹ cũng đầu tư rất nhiều cho môi trường làm việc của nhân viên? Fortune giải thích: “Điều gì tạo nên thứ hạng số 1 của Google? Đó là vì công ty Internet này không chỉ dành 100.000 giờ cho nhân viên của mình mát-xa (trong giờ làm việc) trong năm 2012.
Điểm mới là Google cho xây dựng ba trung tâm tập luyện và một khu phức hợp thể thao rộng lớn, trong đó có cả sân khúc côn cầu trên băng, các sân bóng rổ, bocce (môn thể thao giống bowling chơi trên cỏ)… tại đại bản doanh ở Mountain View”. Tại Google Singapore, các nhân viên trẻ trung của Google vô tư như ở nhà, từ trang phục, đầu tóc cho đến cách họ làm việc mà như chơi và chơi giữa giờ làm.
Trái với nhiều công ty khác, khu văn phòng của Google không chia ô mà tạo ra các không gian mở, nơi nhân viên có thể trò chuyện với nhau, đùa nghịch và vẽ cả lên tường những hình thù ngộ nghĩnh. Một nhân viên có thể viết ngay lên tường một sáng kiến chợt nảy ra.
Mỗi khu vực lại được trang trí và đặt tên theo chủ đề rất châu Á (nơi Google có văn phòng), ví dụ Georgetown (Malaysia). Các phòng họp nhỏ có những bức tường với đầy hình vẽ vui nhộn, chẳng hạn, nguyên một mảng tường toàn các loại gia vị châu Á. Thậm chí, người Việt Nam hẳn sẽ bật cười khi nhìn thấy mái tôn lợp trên một căn phòng ở đây.
Và bất cứ Googler nào cũng rất yêu các sáng kiến riêng rất Google. Đó là Moderator để quản lý các cuộc họp hay trao đổi công việc giữa các bộ phận bằng công nghệ.
Công cụ này giúp mỗi người nêu lên bất cứ thắc mắc nào trước khi tổ chức một sự kiện, rồi cả nhóm bỏ phiếu chọn câu hỏi hay nhất. Đây là một bộ phận thuộc “Dự án 20%” – nghĩa là sáng kiến cho phép Googlers dành 20% thời gian làm việc của mình để tham gia vào bất cứ dự án nào họ thấy hứng thú ở bất cứ khu vực nào Google có mặt trên thế giới.
Ý tưởng tuyệt vời này trên thực tế đã giải phóng hoàn toàn nhân viên khỏi các ràng buộc cứng nhắc về quy định hay quy chế, khơi mạch sáng tạo vô giới hạn của nhân viên. Rất nhiều công cụ Internet thay đổi cách thế giới giao tiếp, kết nối và làm việc được hình thành từ “Dự án 20%”, trong đó có Gmail, Google Earth.
Một điểm khác biệt nữa của Google là họ không tuyển người chỉ dựa vào những kiến thức về công nghệ thông tin của ứng viên. Vũ là một ví dụ. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, chàng trai trẻ từng làm cho một công ty quảng cáo quốc tế tại TP.HCM, có hai năm làm việc trong ngành quảng cáo ở Thái Lan trước khi bắt đầu hành trình mới với Google.
“Em không giỏi về Internet hay máy tính. Em cũng không có ai “dắt tay” giới thiệu với Google. Tình cờ thấy họ đăng thông báo tuyển nhân viên làm việc tại Singapore, em nộp đơn và trải qua khá nhiều vòng phỏng vấn trước khi được tuyển mộ.
Thật ra, Google luôn đánh giá cao ý tưởng sáng tạo mới mẻ của ứng viên”. Hiện Vũ đang phụ trách mảng hỗ trợ quảng cáo của Google Singapore cho các công ty tại Việt Nam. Từ những gì được mắt thấy, tai nghe, có thể kết luận: làm việc sướng hơn chơi là văn hóa công ty ở Google, bởi nhân viên vừa được làm công việc yêu thích, lại vừa được thư giãn khi mệt mỏi hay cạn kiệt ý tưởng.
Giúp doanh nghiệp nhỏ nghĩ lớn
Khi Karim Temsamani, Chủ tịch Google khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bước lên thuyết trình trong hội thảo “Giúp doanh nghiệp nhỏ nghĩ lớn”, do Google tổ chức tại Singapore ngày 17/4 vừa qua, cô bạn đồng nghiệp của Forbes Việt Nam thầm thì, “ông ấy đẹp trai quá!”
Thật vậy, người đàn ông Pháp nắm chức vụ cao nhất của Google tại thị trường rộng lớn này trông hệt như một tài tử điện ảnh. Ông mở đầu bài thuyết trình bằng câu hỏi:
“Những doanh nghiệp nhỏ trở nên lớn như thế nào?” Và rồi tuyên bố: “Đây là thời điểm thật tuyệt vời để được là một doanh nghiệp nhỏ. Tôi muốn các bạn hãy thử tưởng tượng chỉ 10 năm trước, một công ty nhỏ bé hoạt động tại một thị trường đang phát triển ở phương Tây như Pháp, quê hương tôi.
Bạn mới chỉ bắt đầu khởi nghiệp và bạn cần có khách hàng. Nhưng để có khách hàng thì chi phí bỏ ra rất đắt. Bạn đăng một mẩu quảng cáo cho công ty trên báo, nhưng bạn không thể biết liệu bạn đã tiếp cận được mọi người hay chưa. Bạn có danh sách các công ty trong cuốn niên giám điện thoại, rồi bạn ngồi giở nó ra và chờ cho đến khi chuông điện thoại reo hay chuông cửa công ty bạn reo.
Nhưng giờ đây, thử tưởng tượng một công ty nhỏ khởi nghiệp ở Philippine năm 2013, công ty này có một vị trí lớn mạnh hơn so với bất cứ công ty nào của Pháp, bởi nó có thể quảng cáo không chỉ đến người dân bản địa mà còn đến với bất cứ người nào kết nối Internet. Đó là 2,5 tỷ người toàn cầu”.
Thông điệp mà Chủ tịch Google châu Á-Thái Bình Dương muốn đưa ra với đại diện các công ty nhỏ và vừa đang chăm chú lắng nghe là: một công ty nhỏ có thể quảng cáo thông qua vô số công cụ mà Internet mang lại, từ quảng cáo chữ, video, qua điện thoại di động… đều có thể kết nối đến hàng triệu người với chi phí ít hơn so với một chiến dịch marketing ngoại tuyến (offline) 10 năm trước.
Karim nhấn mạnh, các doanh nghiệp quy mô nhỏ tại châu Á đang trải qua thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ. Có nhiều doanh nghiệp nhỏ ở các nền kinh tế châu Á hơn là các doanh nghiệp tương tự tại các nền kinh tế phương Tây. Và chính những công ty nhỏ này sẽ dẫn dắt nền kinh tế của đất nước họ đến với Internet. “Các doanh nghiệp nhỏ thực sự là những thương vụ lớn. Các bạn có biết khách hàng đầu tiên của dịch vụ quảng cáo trực tuyến Google AdWord là một công ty rất nhỏ không”? Ông đặt câu hỏi trong sự ngạc nhiên của thính giả.
Kevin O’Kane, Giám đốc Phụ trách mảng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Google châu Á-Thái Bình Dương, giải thích thêm: năm 1999, Google đã từng chào mời các quảng cáo của họ trong bốn dòng chữ cạnh các yêu cầu tìm kiếm nổi tiếng của họ trên trang chủ Google. Lúc đầu, theo Kevin, có hai loại hình quảng cáo như vậy.
Đầu tiên là ở trên cùng trang chủ mà Google gọi là “AdWords Premium” (tức dịch vụ quảng cáo trực tuyến cao cấp của Google). Loại này bán các mẩu quảng cáo theo cách truyền thống, do một đội ngũ chuyên gia quảng cáo tại New York đảm trách.
Nhưng sau đó, Google quyết định thử đưa ra một lựa chọn khác cho phép doanh nghiệp mua quảng cáo trực tuyến trên mạng, do chính họ thực hiện. Năm 2000, các kỹ sư Google đã chạy một chương trình thử nghiệm trên một đường dẫn với lời giới thiệu “hãy nhìn quảng cáo của bạn ở đây” và gửi tới một tỷ lệ nhỏ những người dùng Google.
Sau khi đường dẫn này lên mạng, các kỹ sư mong chờ khách hàng đầu tiên đăng ký quảng cáo để tiếp tục dịch vụ trên trang chủ. Và chỉ trong vài phút, khách hàng đầu tiên đã lên mạng đăng ký.
Kevin O’Kane cho biết, khách hàng đầu tiên tại Hồng Kông là một doanh nghiệp bán ấm trà qua mạng. Ở Thái Lan, đó là một tiệm may quần áo cho đàn ông, thuộc một công ty gia đình có ba thế hệ. Một nhà thầu nhỏ tại Nhật chuyên sửa chữa các tòa nhà cũng tham gia cộng đồng ngày càng đông đảo của AdWords. Thậm chí, một cổng thông tin trực tuyến do sinh viên thành lập ở Singapore cũng nhận ra vai trò to lớn của dịch vụ này và đăng ký.
Theo Karim Temsamani, Internet đã đáp ứng tất cả nhu cầu quảng cáo của doanh nghiệp. Sự trỗi dậy của Internet với các dịch vụ của Google đã chứng minh rằng, làm việc chăm chỉ quan trọng hơn quy mô doanh nghiệp. Ý tưởng lớn cũng quan trọng hơn quy mô. Không có tài nguyên (ý nói tài sản công ty) nhiều khi hay hơn có tài nguyên. “Các trang web đang hỗ trợ những ý tưởng kinh doanh tốt, nó làm gia tăng phạm vi kinh doanh mà một công ty nhỏ có thể tự làm, ngay từ khi công ty đó khởi nghiệp”.
Tại hầu hết các thị trường quan trọng của Google ở khu vực châu Á, những
khách hàng quảng cáo trực tuyến thông qua AdWords đầu tiên đều thuộc
dạng doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa.
Các công ty nhỏ không cần tích trữ hàng hóa trong kho để đợi bán chúng, hay xây dựng nhà xưởng rồi hy vọng có người đến đặt hàng các sản phẩm. Ngày nay, họ có thể dễ dàng tìm kiếm khách hàng trước rồi mới nghĩ đến việc đáp ứng nhu cầu của khách.
Amy Kunrojpanya kể một câu chuyện thực tiễn tại Thái Lan, nơi cô là một trong những người mở văn phòng của Google cách đây 1,5 năm. Một người bán cá ở Thái Lan đặt cho điểm bán cá bé xíu của mình cái tên “Box of Fish”.
Cô Daengmo khởi nghiệp từ sở thích bán các loại cá tươi có chất lượng, song cô nhận ra rất khó tìm nơi bán hàng tại chợ, bởi cô quá bận rộn. Giải pháp của cô là mở một trang web cho phép người mua có được những mẻ cá tươi ngon nhất trong ngày, qua mạng, sau đó giao tận nhà cho khách.
Cô tạo trang web và sử dụng Google AdWords để giúp mọi người tìm kiếm thông tin về cá tươi ngon mà cô cung cấp. Sáng kiến này giúp cô kiếm được tới 40.000 Bạt Thái (tương đương hơn 1.400 USD) một ngày từ dịch vụ cung cấp cá trực tuyến mà các cửa hàng khác khó lòng đạt được.
Google vào Việt Nam, bao giờ?
Theo ông James McClure, Giám đốc Quốc gia, phụ trách các thị trường mới nổi của Google, Nam và Đông Nam Á, hiện có hơn 32,5 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, biến đất nước 90 triệu dân này trở thành một trong những nước có tỷ lệ dân dùng Internet phát triển nhất thế giới (số liệu từ VNPT).
Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Marketing số châu Á, cứ 2 người Việt Nam thì có 1 người tiếp cận Internet qua điện thoại di động và xu hướng sử dụng Internet qua điện thoại thông minh ngày càng tăng. Công ty tư vấn McKinsey cho biết, có mối liên hệ rõ ràng giữa Internet và phát triển kinh tế của Việt Nam, đó là Internet đóng góp 0,9% cho tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Tỷ lệ này sẽ còn tăng, bởi ngày càng nhiều người Việt lên mạng tìm thông tin, cũng như ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước coi Internet là công cụ hữu ích để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ. Với một quốc gia có tới hơn 90% tổng số doanh nghiệp thuộc quy mô nhỏ và vừa, việc tổ chức một hội thảo giúp doanh nghiệp nhỏ nghĩ lớn là rất quan trọng với Google.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Doanh Nhân tại trụ sở Google Singapore, ông James McClure cho biết, với công ty của ông thì một đất nước có số dân dùng Internet đang tăng nhanh như Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối từ sinh viên đến doanh nghiệp và chính phủ, qua mạng.
“Chúng tôi tin rằng sức mạnh của Internet sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam và chúng tôi rất vui khi biết Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực này”.
Tại châu Á, người khổng lồ công nghệ của Mỹ đang cung cấp các giải pháp và dịch vụ rất đa dạng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chẳng hạn: Google AdWords giúp doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm dịch vụ trên mạng ngay cạnh các kết quả tìm kiếm nổi tiếng của Google là Google Search.
Ngoài ra, hãng còn cung cấp miễn phí dịch vụ hỗ trợ điện thoại cho AdWords đến các khách hàng quảng cáo nhỏ. Hay Google Analytics, công cụ phân tích nổi tiếng giúp các công ty hiểu tường tận cách khách hàng tiếp cận với trang web của doanh nghiệp, căn cứ vào thống kê về số lượng thời gian thực tế.
Một công cụ khác là dịch vụ tìm kiếm thị trường toàn cầu của Google cũng rất hữu dụng, bởi nó tạo ra cơ hội cho các công ty tiếp xúc với hơn 1,9 tỷ khách hàng trên khắp thế giới. Các ứng dụng miễn phí dành cho kinh doanh khác mà công ty này cung cấp như Gmail, Docs hay Lịch và Địa điểm cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiết kiệm rất nhiều thời giờ và tiền bạc.
Thực tế đã có một số công ty nhỏ và vừa của Việt Nam ứng dụng các giải pháp Internet của Google và bước đầu mang lại kết quả khả quan trong kinh doanh. Điểm Sáng Việt, một nhà cung cấp điện thoại di động tại Việt Nam, đã đạt được mức tăng trưởng 100% doanh số thông qua Google AdWords. Đây là doanh nghiệp cung cấp điện thoại di động tại Hà Nội do một nhóm doanh nhân trẻ thành lập. Công ty này phục vụ nhiều tầng lớp khách hàng khác nhau, những người luôn cập nhật thông tin về những mẫu điện thoại di động mới nhất.
Theo Google, tại đất nước mà tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động ước tính lên đến 85,3% như Việt Nam thì mức độ cạnh tranh giữa những nhà cung cấp có tham vọng nắm giữ thị phần lớn là rất khốc liệt. Điểm Sáng Việt đã tạo ra điểm khác biệt bằng cách cho phép khách hàng đặt hàng trực tuyến và giao hàng đến toàn quốc.
Theo ông Trương Ngọc Tuấn, đại diện ban giám đốc công ty, Điểm Sáng Việt cần phải xây dựng một thương hiệu trực tuyến vững mạnh hơn nữa và mở rộng danh sách khách hàng một cách linh hoạt. Nhằm tối ưu hóa ngân sách marketing, công ty của ông Tuấn chọn marketing trực tuyến như một kênh tiếp thị chủ chốt để xây dựng hình ảnh thương hiệu và thu hút khách hàng mới.
“Chúng tôi bắt đầu với việc đăng ký quảng cáo banner, hình thức quảng cáo trực tuyến phổ biến nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí cho quảng cáo banner không hề rẻ. Một banner đặt tại trang chủ của các trang web được truy cập nhiều ở Việt Nam có giá khoảng 100 triệu đồng/tháng”.
Lúc đó, ông Tuấn được giới thiệu về dịch vụ Google AdWords thông qua CleverAds, một đơn vị trong nước là đối tác của Google, chuyên cung cấp giải pháp SEM (Search Engine Marketing-hình thức tiếp thị thông qua công cụ tìm kiếm). Sau khi quyết định hợp tác, Điểm Sáng Việt được CleverAds hỗ trợ khá nhiều, từ cài đặt chiến dịch quảng cáo đầu tiên, tư vấn bộ từ khóa và định giá từ khóa.
Sau một thời gian chạy quảng cáo AdWords, ông Tuấn và ban giám đốc rất ngạc nhiên trước kết quả thu được, doanh thu của công ty tăng 100% trong tháng đầu tiên sử dụng AdWords. Lượng truy cập vào trang web công ty tăng đến 40% và tỷ lệ bấm chuột/lượt xuất hiện là 12%, một tiến bộ vượt trội so với những gì thu được từ quảng cáo banner.
Ông nói: “Với mỗi đồng dành cho AdWords, chúng tôi thu lại 20 đồng ở doanh số bán hàng”. Ông cho biết, sự linh hoạt là yếu tố tiên quyết khiến công ty lựa chọn Google AdWords.
Trả lời câu hỏi của Doanh Nhân về việc mở văn phòng tại Việt Nam, ông James McClure cho biết, trước khi Google mở bất cứ văn phòng tại một quốc gia nào, họ cũng tìm hiểu rất kỹ nhiều yếu tố như một hình thức khảo sát minh bạch (due diligence). “Chúng tôi cần chắc chắn và chân thật với cam kết của mình là sẽ hỗ trợ người dùng những thông tin hữu ích nhờ dịch vụ Google. Đó là điều chúng tôi hết sức nghiêm túc và là lý do tại sao Google cần có thời gian trước khi quyết định đặt chân vào Việt Nam”.