Vận đỏ của Sendo

Sendo đã có thêm 51 triệu USD để tiếp tục trụ hạng trong cuộc chiến thương mại điện tử chưa có hồi kết.

Nhà đầu tư mới

Giữa tháng 8, Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (sendo.vn) công bố nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, trong đó có 3 nhà đầu tư mới là SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures.

Đây là tin vui đầu tiên của Sendo trong tháng 8 trước bối cảnh các đối thủ cùng lĩnh vực đều ồ ạt tăng vốn. Điển hình như Lazada Group, đầu tháng 3 năm nay, đã nhận thêm 2 tỉ USD từ Alibaba để gia tăng tốc độ phát triển ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, Tiki.vn cũng xác nhận gọi thêm 44 triệu USD, trong đó có sự tham gia của JD.com, đối thủ trực tiếp của Alibaba tại Trung Quốc. Rõ ràng, dù chưa biết số tiền thực đổ vào công ty này trong giai đoạn đầu là bao nhiêu, nhưng sự xuất hiện của các nhà đầu tư mới ít nhiều tạo thêm sự hứng khởi của người tiêu dùng và cả các nhà cung cấp đối với Sendo.

Vận đỏ của Sendo

Tin vui thứ 2 và cũng quan trọng không kém, đến từ việc giảm chính sách miễn phí giao nhận đối với các đơn hàng trên 100.000 đồng của Shopee Việt Nam. Chính sách này được Shopee Việt Nam hạn chế từ cách đây vài tháng và người mua hàng chỉ được miễn phí 6 lần một tháng thay vì hoàn toàn so với trước đó. Đây là chính sách giành thị phần của Shopee Việt Nam đối với Lazada Việt Nam.

Dù không nói ra nhưng trong ngành ai cũng biết thiệt hại nhiều nhất chính là Sendo.vn vì đơn vị này có cùng tập khách hàng là người bán và người mua với Shopee Việt Nam. 8 tháng đầu năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam không có nhiều biến động lớn cũng như không có doanh nghiệp mới tham gia.

Thứ tự 4 doanh nghiệp dẫn đầu vẫn là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo. Ước tính đại diện khối ngoại bao gồm Shopee Việt Nam và Lazada Việt Nam hiện đã vượt ngưỡng 100.000 đơn hàng/ngày. Trong khi đó, nhóm nội như Tiki và Sendo chỉ bằng khoảng 1/3 của nhóm ngoại. Trong đó, Shopee Việt Nam nhỉnh hơn Lazada Việt Nam về số lượng đơn hàng trung bình vì doanh nghiệp liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi và Lazada Việt Nam vẫn trong giai đoạn tái cơ cấu nhân sự.

Vẫn khó tạo đột biến

Chính vì thế, với nguồn vốn mới, Sendo sẽ khó có thể tạo đột biến về thứ hạng trong tương lai gần vì khoảng cách với nhóm ngoại hiện khá xa. Thứ đến, chiến lược thả lỏng điều kiện đăng ký kinh doanh cho người bán để tăng trưởng nóng đang bị Chính phủ “tuýt còi”.

Vận đỏ của SendoĐiển hình như Shopee Việt Nam, việc thả lỏng điều kiện đăng ký kinh doanh giúp doanh nghiệp này thu hút rất nhiều người bán trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc thả lỏng dẫn đến hành vi buôn bán hàng nhạy cảm buộc Shopee Việt Nam phải rà soát lại chính sách này.

“Với các biện pháp rà soát mới được áp dụng trên toàn sàn, cũng như những động thái thu hồi sản phẩm và bồi thường cho khách hàng bị ảnh hưởng, chúng tôi hy vọng đã hạn chế tối đa các nội dung không phù hợp trong sản phẩm bị lan truyền”, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee, cho biết.

Lazada Việt Nam cũng tăng cường chiến dịch hậu kiểm sau khi đăng ký gian hàng trong bối cảnh cơ quan chức năng của Việt Nam quyết liệt ngăn chặn hàng giả, hàng cấm.

Ông Max Zhang, Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam, cho biết chiến dịch đã được thực hiện 6 tháng qua và mỗi tháng có vài trăm doanh nghiệp vi phạm bị cấm kinh doanh trên nền tảng này.

“Vấn đề hàng kém chất lượng, giả và nhà bán hàng không đạt chuẩn không thể nào giải quyết chỉ trong một ngày, nhưng chúng tôi tin rằng vấn đề sẽ được Lazada.vn cải thiện”, ông Max Zhang nói.

Do đó, không khó hiểu khi ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm nhà sáng lập Sendo, thông báo với nguồn vốn mới Công ty sẽ tăng cường thu hút các nhãn hàng tham gia bằng SenMall. Đây là dịch vụ Sendo còn thiếu so với các đối thủ trên thị trường. Thứ đến, ông Dũng khẳng định Công ty sẽ dành nguồn lực để đầu tư thế mạnh là thanh toán điện tử và ví điện tử.

Vận đỏ của Sendo

Dù 4 doanh nghiệp thương mại điện tử hiện nay đều định nghĩa là nền tảng mua sắm nhưng Sendo khác với các doanh nghiệp còn lại khi thời gian qua chỉ đầu tư vào hạ tầng công nghệ, không đầu tư vào hạ tầng và kho bãi. Khoản Sendo đầu tư nhiều nhất trong thời gian qua là tối ưu công cụ tìm kiếm (SEO) để đón lượt truy cập từ nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng của người sử dụng từ Google.

“Chúng tôi không đầu tư vào các công đoạn mà đối tác đang làm tốt. Như hệ thống hậu cần thương mại điện tử, hiện các doanh nghiệp trong nước đang làm khá tốt so với các nước trong khu vực”, ông Dũng nói.

Thanh toán trực tuyến cũng là mảng đang cần đẩy mạnh của Sendo, vì hầu như các đối thủ đều đã có công cụ này như Shopee Việt Nam có AirPay, Lazada Việt Nam nhiều khả năng sẽ tích hợp Alipay, Tiki sử dụng ZaloPay của nhà đầu tư VNG. Càng cần thiết hơn khi công cụ này đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút người sử dụng thương mại điện tử ở giai đoạn tiếp theo.

“Với việc đạt được tổng giá trị giao dịch qua sàn hàng năm 330 triệu USD, Công ty đang đi đúng hướng để vượt qua mốc 1 tỉ USD tổng giá trị giao dịch vào năm 2020”, ông Dũng cho biết.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư