Khi chợ trực tuyến và siêu thị “dòm ngó” sân nhà của nhau
Hai công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba và JD.com đang ồ ạt đầu tư vào hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tốc độ chóng mặt. Ở thị trường Mỹ, trong khi Amazon đang lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống thì người khổng lồ về siêu thị Walmart lại cố gắng chuyển sang bán hàng trực tuyến.
Năm ngoái, Alibaba thâu tóm công ty bất động sản bán lẻ Intime Retail sở hữu 30 khu mua sắm và 32 cửa hàng bách hóa ở Trung Quốc. Tập đoàn này cũng đã mua cổ phần trong các chuỗi bán lẻ lớn chẳng hạn như công ty bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng Suning Commerce Group, công ty kinh doanh nội thất và thiết bị xây dựng Beijing Easyhome. Để mở rộng mảng kinh doanh thực phẩm ở Trung Quốc, Alibaba đã thành lập và vận hành chuỗi siêu thị cao cấp Hema với 57 siêu thị. Tập đoàn thương mại điện tử này được cho là có kế hoạch mở hàng ngàn siêu thị Hema trong vòng năm năm tới. Alibaba cũng đã mua cổ phần ở các chuỗi siêu thị và cửa hàng thực phẩm như Lianhua Supermarket và Sun Art Retail đang quản lý ngàn siêu thị và cửa hàng.
“Trong lĩnh vực bán lẻ, chúng tôi dự báo thói quen mua sắm của khách hàng đang thay đổi, đồng thời, các kỳ vọng về chất lượng phục vụ và tính tiện lợi trong việc mua sắm ngày càng tăng dù người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hay ở các cửa hàng trực tiếp”, Joseph Tsai, Phó chủ tịch Alibaba, nói vào hồi tháng 5.
Đầu tư mạnh vào kênh bán hàng trực tiếp
Trong khi đó, JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến và trực tiếp lớn nhất Trung Quốc xét theo doanh thu, đã khai trương hàng ngàn cửa hàng tiện lợi nhượng quyền trong hai năm qua và hợp tác với các chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart, 7-Eleven và Lawson. “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng cửa hàng tiện lợi JD.com với mật độ 300m một cửa hàng (ở các thành phố)”, Giám đốc điều hành JD.com Richard Liu nói tại một hội nghị công nghệ ở Trùng Khánh hồi tháng 4. JD.com đang mở cửa hàng tiện lợi nhượng quyền với tốc độ 1.000 cửa hàng mỗi tuần. Ông nói: “Mục tiêu của chúng tôi là mở 1.000 cửa hàng mới mỗi ngày vào cuối năm 2018”.
Cuối năm ngoái, JD.com công bố kế hoạch đầy tham vọng mở một triệu cửa hàng tiện lợi nhượng quyền trong năm năm tới. 50% trong số này sẽ nằm ở các khu vực hẻo lánh và nông thôn. Những người muốn mở cửa hàng tiện lợi nhượng quyền của JD.com có thể xin vay tiền từ đơn vị tài chính của tập đoàn này. Ngoài ra, JD.com cũng khuyến khích các cửa hàng tạp hóa chuyển sang sử dụng thương hiệu của họ để được tiếp cận mạng lưới kho vận khổng lồ và hàng trăm ngàn sản phẩm từ các đối tác cũng như kinh nghiệm quản lý của JD.com. JD.com cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào một hệ thống siêu thị thực phẩm tươi có tên gọi 7Fresh. Tập đoàn này đang lên kế hoạch khai trương 100 siêu thị 7Fresh vào cuối năm nay. Không chỉ dừng lại ở đó, JD.com đang muốn nâng số cửa hàng đồ gia dụng nhượng quyền thương hiệu JD.com từ 8.000 hồi tháng 4 lên 15.000 vào cuối năm nay.
Những động thái mới từ Walmart, Amazon
Tại Mỹ, Amazon đã khai trương cửa hàng không quầy thu ngân đầu tiên có tên gọi Amazon Go, như là một phần của chiến lược mở rộng vào ngành kinh doanh thực phẩm. Các camera và cảm biến sẽ tự động ghi nhận các món hàng là người mua lấy ra khỏi kệ và tính tiền thông qua smartphone khi họ bước ra khỏi cửa hàng.
Cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt nhất trên thị trường bán lẻ Mỹ là giữa hai “người khổng lồ” Walmart – bán lẻ truyền thống và Amazon – thương mại điện tử. Xét về doanh thu bán lẻ truyền thống tại Mỹ, Walmart vẫn là công ty thống trị, trong khi đó Amazon đứng đầu về doanh thu bán hàng trực tuyến. Trong bối cảnh ngành bán lẻ đang trải qua sự chuyển mình sâu sắc, cả Walmart và Amazon đều trở thành bản sao của nhau.
Walmart đang cố gắng chuyển sang bán hàng trực tuyến, còn Amazon lại đang lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống. Năm 2017, Amazon chi 13,7 tỉ đô la thâu tóm chuỗi 450 cửa hàng thực phẩm Whole Foods trên toàn nước Mỹ. Đây là thương vụ chấn động ngành bán lẻ, và đánh dấu sự hiện diện của Amazon tại cửa hàng truyền thống.
Đến đầu năm 2018 này, Amazon khai trương cửa hàng Amazon Go đầu tiên tại trụ sở tại Seattle, và chuẩn bị mở thêm sáu cửa hàng trên khắp nước Mỹ. Các cửa hàng này ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo với các thuật toán nhận diện khuôn mặt, hình ảnh và đồ vật của Amazon, để theo dõi hàng hóa khách hàng lựa chọn, tự động tính tiền khi họ đi ra khỏi cửa.
Trong khi đó, Walmart đã bắt đầu thử nghiệm mô hình cửa hàng giảm số lượng nhân viên thu ngân từ cuối năm 2017. Trang web bán hàng của hãng này cũng được tích hợp giải pháp điện toán đám mây Azure của Microsoft, để tăng cường trải nghiệm mua sắm cho khách hàng. Ngoài ra, hãng này cũng xây dựng nền tảng Internet vạn vật (IoT) trên nền tảng Azure, để định tuyến hàng nghìn xe tải trong chuỗi vận chuyển, tối đa hóa hệ thống điều hoà nhiệt độ và tủ đá, nhằm tiết kiệm năng lượng. Để bắt kịp Amazon trong thương mại điện tử, chỉ trong năm 2017, Walmart đã tăng gấp ba lần số mặt hàng trên trang web trực tuyến, từ 8 triệu lên 23 triệu. Nhờ đó, doanh số bán hàng trực tuyến của hãng này đã tăng vọt và ổn định.
Kết hợp bán lẻ trực tuyến và trực tiếp
Các chuyên gia bán lẻ ghi nhận bán lẻ trực tiếp và bán lẻ ở cửa hàng truyền thông không nhất thiết phải loại trừ nhau. Nhiều nhà bán lẻ cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc vừa cung cấp cho khách hàng tính tiện lợi của thương mại điện tử vừa mang lại cho họ sự hài lòng ngay lập tức và những trải nghiệm mua sắm nâng cao mà các cửa hàng tạo ra. Chẳng hạn như tại siêu thị Hema của Alibaba, khách hàng có thể mua thực phẩm bằng cách dùng điện thoại scan các mã vạch trên sản phẩm và thanh toán bằng ví điện tử Alipay.
Các công ty thương mại điện tử Trung Quốc cũng đang thử nghiệm các công nghệ mới để nâng cao các chiến lược kết hợp bán lẻ trực tuyến và trực tiếp. JD.com đã triển khai thiết bị bay không người lái giao hàng ở các vùng nông thôn tại các tỉnh Giang Tô, Thiểm Tây và Tứ Xuyên, giúp mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng và tìm ra những những địa điểm mới để đặt các cửa hàng trực tiếp trong tương lai. Alibaba và JD.com cũng đang cung cấp cho khách hàng ở một số cửa hàng của họ phương thức thanh toán thông qua nhận diện khuôn mặt.
“Chúng tôi nghĩ rằng Alibaba và Tencent (cổ đông lớn nhất của JD.com) có ưu thế lớn về công nghệ, giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng đối với các chuỗi siêu thị” James Hawkey, Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ ở công ty quản lý đầu tư JLL China, nói.
Melina Cordero, Giám đốc mảng nghiên cứu bán lẻ ở công ty tư vấn bất động sản CBRE, nhận định các công ty thương mại điện tử có lợi thế về dữ liệu khách hàng, chẳng hạn, nhờ hoạt động giao hàng, họ biết khách hàng ở một khu vực cụ thể thích mua sắm loại sản phẩm nào. Vì vậy, họ biết nên mở cửa hàng ở khu vực nào và nên cung cấp những sản phẩm nào cho cửa hàng đó.
Công ty giao hàng tạp phẩm trực tuyến Dada-JD Daojia cho biết vừa huy động được 500 triệu đô la Mỹ từ “vua bán lẻ” Walmart và hãng thương mại điện tử lớn thứ nhì Trung Quốc JD.com trong vòng gọi vốn mới nhất. Dada-JD Daojia là sự kết hợp của nền tảng kinh doanh trực tuyến JD Daojia – một chi nhánh của JD.com – và Dada Nexus – nền tảng phân phối hoạt động tại hơn 400 thành phố lớn của Trung Quốc. JD Daojia cung cấp hàng hóa từ các siêu thị địa phương và các đối tác khác thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh có khoảng 20 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. “Bằng cách kết hợp với các đối tác lớn và đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số, chúng tôi sẽ tạo ra những trải nghiệm mua sắm dễ dàng và thuận tiện hơn cho khách hàng”, Chủ tịch kiêm CEO của Walmart China Wern-Yeun Tan cho biết.
Trước đó, hãng bán lẻ Walmart lần đầu hợp tác với Dada-JD Daojia vào năm 2016. Đầu năm 2018 này, Walmart đã mở một siêu thị công nghệ cao đầu tiên của hãng tại Trung Quốc, cho phép khách hàng sử dụng smartphone để thanh toán các mặt hàng có sẵn tại cửa hàng ảo trên nền tảng của JD Daojia. Bên cạnh Walmart, JD.com cũng có được sự hậu thuẫn từ các hãng công nghệ nổi tiếng trên toàn cầu và trong nước.
Hồi tháng 6, Google cho biết sẽ “rót” khoảng 550 triệu đô la vào JD.com như một phần của kế hoạch đầu tư chiến lược. Về phần mình, JD.com cho biết họ đã lên kế hoạch bán một số sản phẩm tại Mỹ và châu Âu thông qua Google Shopping, một dịch vụ cho phép người dùng tìm kiếm sản phẩm trên các trang web thương mại điện tử và so sánh giá cả giữa các người bán khác nhau. Sự hợp tác này sẽ mở ra một kênh bán hàng tới người tiêu dùng bên ngoài nền kinh tế đông dân nhất thế giới cho JD.com, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.
Ngoài ra, hãng thương mại điện tử này cũng đã có sự ủng hộ của ông lớn ngành công nghệ Trung Quốc, Tencent. Hiện tại Tencent, sở hữu nền tảng tin nhắn WeChat, đang hoạt động trong các lĩnh vực như mạng xã hội, thanh toán kỹ thuật số và trò chơi điện tử. Sự hợp tác với Tencent đã giúp JD.com có thể bán hàng trực tiếp tới khách hàng thông qua ứng dụng WeChat.
Minh Anh / AFP / Reuters / Bloomberg
Nguồn The Saigon Times