Châu Á - chiến trường cạnh tranh của các công ty mì tôm thế giới
Năm 2017, thế giới đã tiêu thụ 100,1 tỷ gói mì tôm, mức tăng trưởng về nhu cầu như vậy tăng 10% so với năm 2008, theo Hiệp hội mì tôm thế giới.
Đã 60 năm kể từ khi công ty Nissin của Nhật bán gói mì gà đầu tiên, mì tôm đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có hơn 100 tỷ gói mì được bán ra trên thế giới.
Giờ đây, các nhà sản xuất lớn đang đổ xô vào những thị trường tăng trưởng tốt như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil để phục vụ thêm các thực khách, theo bài báo mới đây được Nikkei đăng tải.
Ngành sản xuất và kinh doanh mì tôm thậm chí còn có riêng Hội nghị thượng đỉnh mì tôm thế giới được tổ chức khoảng 2 hoặc 3 năm/lần. Hội nghị năm nay diễn ra tại Osaka vào ngày 22 và 23/8/2018 để bàn về xu thế tiêu thụ mì tôm của toàn cầu. Cũng chính tại Osaka, nhà sáng lập công ty Nissin, ông Momofuku Ando, đã phát minh ra mì tôm.
Một nghiên cứu công bố tại hội nghị đã nhấn mạnh: “Trung Quốc và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng tăng trưởng”; còn một nghiên cứu khác cho rằng: “Để cho nhu cầu mì tôm tại Indonesia có thể tăng, quan niệm cho rằng mì tôm thiếu dinh dưỡng cần phải bị loại bỏ”.
Năm 2017, thế giới đã tiêu thụ 100,1 tỷ gói mì tôm, mức tăng trưởng về nhu cầu như vậy tăng 10% so với năm 2008, theo Hiệp hội mì tôm thế giới. Dù 80% mì tôm được tiêu thụ ở châu Á, nhiều thị trường khác cũng đang tăng trưởng chóng mặt. Bắc Mỹ tiêu thụ hết 5 tỷ gói mì tôm, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi và châu Âu, mỗi khu vực này tiêu thụ hết 3 tỷ gói mì tôm.
Trong khi đó, tại chính đất nước phát minh ra mì tôm, nhu cầu tiêu thụ mì tôm đang giảm đi. Mỗi năm, người Nhật tiêu thụ 5,7 tỷ gói mì tôm, tương đương 6% tổng lượng tiêu thụ của toàn thế giới. 4 công ty sản xuất mì tôm hàng đầu Nhật chỉ kiểm soát được 20% tổng thị phần toàn thế giới.
Tập đoàn Ting Hsin International Group của Đài Loan, tập đoàn hiện đang sở hữu thương hiệu Master Kong phổ biến tại Trung Quốc đại lục, hiện đang là nhà sản xuất mì tôm số 1 thế giới. Tập đoàn nắm 15% thị phần, theo số liệu của Euromonitor International. Nissin Food Holdings đứng thứ 2 với 12% thị phần sau đó đến công ty Indofood Sukses Makmur của Indonesia với 7% thị phần.
Các công ty sản xuất mì tôm của Nhật đang vươn ra nước ngoài với hy vọng vươn lên được vị trí hàng đầu. Nissin đã mở nhà máy tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào năm 2017. Nhà máy hiện đang hoạt động hết công suất. Công ty đồng thời hiện đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
Đối với sản phẩm mì tôm bán ra thị trường ở khung giá cao, công ty sử dụng phần lớn hương liệu hải sản. Thế nhưng giờ đây, công ty đang sử dụng thêm cả hương liệu thịt lợn để sản xuất mì tôm. Vào tháng 4/2018, công ty tung ra thị trường thêm sản phẩm mì tôm cốc.
Trong khi đó tại thị trường Mexico, công ty đối thủ của Nissin, Toyo Suisan Kaisha hiện đang nắm đến 90% thị phần. Thương hiệu Maruchan của công ty đã trở nên phổ biến đến nỗi người địa phương dùng luôn từ đó để nói đến việc làm gì đó nhanh chóng. Công ty đã mở rộng được thị phần tại Mỹ, mở chi nhánh kinh doanh ở Brazil vào năm 2017 nhằm tiếp cận nhiều hơn với các thị trường châu Mỹ.
Acecook, sau khi chiếm được hơn 50% thị phần tại Việt Nam, hiện đang coi Myanmar như một thị trường mục tiêu để tiến tới. Acecook đã thành công ở Việt Nam nhờ bắt đúng thị hiếu với sản phẩm mì tôm chua cay. Giờ đây, công ty đang cố gắng đưa ra sản phẩm mì tôm có vị cay hơn nhằm phù hợp với thị hiếu của người Myanmar.
Những thị trường mới được nói đến ở trên mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng bởi dân số của nhóm nước này tăng nhanh cũng như tỷ lệ tiêu thụ mì tôm thấp. Lượng tiêu thụ mì tôm tại Myanmar và Brazil hiện mới chỉ bằng ¼ so với Nhật.
Tại Ấn Độ, người dân ăn mì tôm chỉ khoảng 4 lần/năm, chưa bằng 1/10 so với tần suất ăn mì tôm tại Nhật. Không chỉ mang đến những sản phẩm giá rẻ và tiện lợi, các doanh nghiệp đang cố gắng đưa ra hương vị mới để đáp ứng thị hiếu địa phương nhằm giành được thêm khách hàng.
Trung Mến
Nguồn BizLive