Nghìn lẻ chiêu marketing ‘độc’ của doanh nghiệp Việt
Nếu như trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu dùng phương pháp marketing truyền thống như quảng cáo qua báo đài, truyền hình, tờ rơi… nhằm quảng bá sản phẩm thì hiện nay đã có nghìn lẻ chiêu thức hay ho, độc đáo để họ áp dụng.
Cách đây khoảng hơn một tháng, theo lời giới thiệu của nhiều thực khách tại TP HCM thì cứ khoảng 19h mỗi ngày, taị nhà hàng Cua Vàng trên đường Tiền Giang (quận Tân Bình), gần chục cô gái xinh đẹp lại tới tiếp thị một loại bia mới vừa xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Nhiều khách hàng trong quán thay vì thờ ơ với nhóm tiếp thị này bởi việc tiếp thị bia ở quán xá đã quá nhàm với họ, thì giờ nhiều người lại rất hào hứng chào đón họ. Lý do rất đơn giản, các cô gái này tiếp thị bia bằng máy tính bảng, chứ không phải bằng giấy và catalog như trước. Đến trước mặt khách, cô nhân viên tiếp thị chỉ cần lướt nhẹ trên chiếc máy tính bảng là thông tin và hình ảnh về sản phẩm đã hiện ra. Có khách hàng thích thú vì tiếp thị hiện đại và độc đáo quá, có người hào hứng xem bởi thích “nghịch” với chiếc máy tính bảng – một công nghệ mới mà họ chưa có.
Hình thức tiếp thị này cũng mới xuất hiện tại Hà Nội, ở một số “điểm nhậu” như nhà hàng bia hơi Hiếu Béo (phố Xã Đàn… Còn một số nhà hàng lớn khác như Dragon (quận Tây Hồ), Dynasty (quận Hoàn Kiếm), quyển menu (thực đơn) của nhà hàng đã được thay bằng máy tính bảng. Theo đó, khách tới ăn sẽ được nhân viên mang máy tính bảng có hiện sẵn thực đơn đồ ăn thức uống, giá cả, hình ảnh ra. Ngôn ngữ của menu cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Trung, Hàn, Nhật, Việt. Khách chọn món nào, chỉ việc nhấn nút OK, “lệnh” sẽ được chạy thẳng vào nhà bếp và quầy pha chế, thu ngân. Nhân viên phục vụ không phải đợi khách đọc món để ghi ra như trước, khiến cả 2 bên đều không thoải mái.
Thời điểm tháng 11/2010, giới kinh doanh xe tại TP HCM hết sức thú vị và ngạc nhiên với các chiêu quảng cáo xe mới của hãng BMW. Trong mẫu quảng cáo mới này, một chiếc gương thật đã được sắp đặt khéo léo để thay thế mặt kính chắn trước xe BMW. Khi đứng trước gương và soi mình vào mẫu quảng cáo BMW 3 Series, người xem sẽ thấy mình như đang ngồi sau tay lái và là chủ nhân thực sự của chiếc BMW 3 Series sang trọng đó.
Mô hình này đã được BMW Euro Auto triển khai tại các trục đường giao thông có mật độ cao ở TP HCM và Hà Nội.
Loại hình quảng cáo này có tên quảng cáo sắp đặt (Ambient), hoàn toàn mới ở Việt Nam và BMW gần như là hãng đầu tiên áp dụng chiêu thức này. Đây là ý tưởng quảng bá sáng tạo, đột phá do Công ty quảng cáo Riverorchid Việt Nam đề xuất và thực hiện.
Có những doanh nghiệp lại chọn hình thức marketing cho một dòng sản phẩm mới bằng việc tạo cơn sốt và biến thành làn sóng dư luận. Ðể đạt được mục tiêu này đòi hỏi sản phẩm được tung ra phải có sức mạnh nhất định trên thị trường dựa vào một thương hiệu vốn có.
Hãng Honda đã từng áp dụng chiêu thức này ở Việt Nam khi tung ra dòng xe Lead có kiểu dáng giống hệt SCR của Honda Trung Quốc lúc đó đang bán rất chạy tại thị trường Việt Nam. Và thực tế họ đã thành công với chiêu này, khi Lead sau đó được tiêu thụ khá mạnh nhiều năm liền, thay thế cả vị trí của SCR.
Trước đó, khi xe máy Trung Quốc với những kiểu dáng “hao hao” hàng Nhật xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường trong nước, vị trí của Honda trên thị trường Việt Nam có phần giảm sút. Honda lập tức cho tung ra sản phẩm mới, xe máy Wave Alpha. Sản phẩm này mới tung ra thị trường đã thu hút sự chú ý của người mua vì Wave Alpha có kiểu dáng đẹp, giá rẻ mà hơn nữa lại là của chính hãng Honda. Để tạo thành “cơn sốt Wave Alpha” trên thị trường, Honda đã có chính sách rất độc đáo, đó là bán với giá rẻ và lượng xe cung ra thị trường luôn nhỏ hơn rất nhiều so với nhu cầu người mua trong 1 thời gian tương đối dài. Vậy là cơn sốt Wave Alpha bắt đầu, từ đó dòng xe này tạo được vị thế vững chắc trên thị trường, mà chi phí quảng cáo lại rất thấp.
Theo chuyên gia về marketing, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM, việc tạo hình ảnh tương phản cũng là 1 chiêu marketing hiệu quả của những sản phẩm ra đời sau. Ông Dương phân tích, người ta nói “thương trường như chiến trường” quả không sai. Trên thị trường luôn có sự góp mặt của nhiều mặt hàng cùng đánh vào những thị trường giống nhau, từ đó tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt.
Khi một sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, nó sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ những sản phẩm truyền thống. Làm sao để chiếm lĩnh được thị trường truyền thống của đối thủ, làm sao để vươn lên vững mạnh trước sức ép của đối thủ? Pepsi ra đời sau Coca Cola nhưng đã làm được điều này nhờ chiêu marketing tương phản. Khi Pepsi ra đời thì Coca Cola đã là một “người khổng lồ” trên thị trường nước giải khát thế giới. Vậy mà tại thời điểm hiện nay, Pepsi đã trở thành một đối thủ tầm cỡ của Coca Cola. Khi mới ra mắt, là một sản phẩm mới toanh trên thị trường, Pepsi đề cao khẩu hiệu “Generation Next” (Thế hệ tiếp nối – Thế hệ mới). Chiến lược quảng bá của họ là sự góp mặt của hàng loạt các ngôi sao ca nhạc, bóng đá, phim ảnh trẻ trung.
Với chiêu bài quảng bá đó, Pepsi đã khẳng định mình là thức uống dành cho những thế hệ tiếp nối, những thế hệ năng động, trẻ trung. Việc quảng bá như vậy cũng đồng nghĩa với việc Pepsi “chê” Coca Cola là sản phẩm của thế hệ trước, thế hệ già cỗi. Lập tức Pepsi trở thành một hình ảnh tương phản của Coca Cola. Trong quảng cáo, được coi là đối thủ của một hãng lớn cũng đã là một thành công lớn vì nó gây được sự chú ý của mọi người. Cứ vậy Pepsi lớn mạnh và có vị thế rất ổn định trong ngành nước uống như hiện nay.