Cả 3 hãng hàng không đều tăng trưởng tốt

Trong quý II/2018, cả 3 hãng hàng không đều có con số doanh thu và lợi nhuận ấn tượng. Đây là một năm nhiều thăng hoa với ngành hàng không.

Doanh thu: 3 nhà cùng tiến

Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa thông báo lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 1.920 tỉ đồng, tăng trưởng tới 87% so với cùng kỳ và vượt gấp đôi so với kế hoạch. Đây là con số khá ấn tượng. Năm ngoái cũng được coi là một năm thành công của hãng Vietnam Airline.

Nửa đầu năm 2018, thị trường vận tải hàng không có xu hướng tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là thị trường nội địa. Thêm vào đó là giá nhiên liệu liên tục tăng cao từ đầu năm, bình quân 6 tháng khoảng 82 USD/thùng gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh hàng không.

Tuy nhiên, Vietnam Airline vẫn đạt được những kết quả rất tích cực. Doanh thu hợp nhất của Tổng công ty ước đạt gần 49.800 tỉ đồng. Trong đó doanh thu của Công ty mẹ là 36.330 tỉ đồng. Công ty mẹ ước đạt 1.392 tỉ đồng, vượt gần 2,5 lần so với kế hoạch.

Cả 3 hãng hàng không đều tăng trưởng tốt

Vietjet Air nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của đội bay, bao gồm cả máy bay hiện đại Airbus A321 NEO và việc mở rộng các đường bay dài hơn tới các nước Đông Bắc Á, các chuyến bay quốc tế thúc đẩy hoạt động bán suất ăn, đồ lưu niệm, hành lý… trên các chuyến bay, khiến doanh thu hoạt động phụ trợ trong nửa đầu năm 2018 đạt 3.807 tỉ đồng, tăng 50% so với nửa đầu năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Vietjet tiếp tục dẫn đầu về lượng khách vận chuyển nội địa và là hãng hàng không có tổng số chuyến bay khai thác tăng trưởng tốt nhất với 59.944 chuyến bay, tăng gần 22%. Độ tin cậy kỹ thuật 99,66% cùng các chỉ số an toàn khai thác bay, khai thác mặt đất đều thuộc nhóm cao hàng đầu khu vực. Tỷ lệ đúng giờ đạt 83%.

Theo báo cáo của hãng, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 21.197 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của Vietjet nửa đầu năm đạt hơn 2.378 tỉ đồng, tăng 26%.

Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cho hay lợi nhuận trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt kết quả ấn tượng là 523 tỉ đồng. Doanh thu trong 7 tháng vượt 35% so với cùng kỳ, và vượt 3% so với kế hoạch.

Tình hình kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tỷ giá USD cùng giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, nhưng tổng chi phí của Jetstar Pacific trong 7 tháng đầu năm 2018 không những không tăng, thậm chí còn giảm 1% so với kế hoạch.

Cả 3 hãng hàng không đều tăng trưởng tốt

Và cùng “tái cơ cấu”

Với chủ trương tái cơ cấu nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, Vietnam Airlines đã giảm dần tỷ lệ lực lượng lao động. Số lao động sử dụng tính đến tháng 6 là 6.685 người, thấp hơn 3% so với kế hoạch và thấp hơn 2% so với cùng kỳ 2017.

Từ tháng 7, Vietnam Airlines đang nghiên cứu đưa vào khai thác 2 tàu bay phản lực khu vực (Regional Jet) bay các chặng địa phương ngắn cùng với ATR72 như Hà Nội - Vinh/Điện Biên/Đồng Hới, Hà Nội - Côn Đảo – TP.HCM nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng và tăng cao của khách hàng.

Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2018, dự báo thị trường tiếp tục tăng trưởng chậm lại, giá nhiên liệu vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Vì thế, Vietnam Airline sẽ triển khai các giải pháp quan trọng nhằm tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao năng lực kỹ thuật.

Theo kế hoạch, trong năm 2018, Vietjet sẽ nhận 17 tàu bay Airbus. 6 tháng đầu năm Vietjet đã nhận 4 tàu bay Airbus A321. 6 tháng cuối năm, Vietjet sẽ nhận tiếp 13 tàu bay. Từ đó, nửa cuối năm Vietjet sẽ ghi nhận thêm doanh thu từ hoạt động chuyển giao tàu bay này.

Giữa tháng 7, Vietjet ký kết hợp đồng mua 100 tàu bay Boeing B737MAX trị giá 12,7 tỉ USD và 50 máy bay Airbus A321 NEO trị giá 7 tỉ USD, đảm bảo đến năm 2025 đội tàu bay mới của hãng đồng bộ, tiện nghi và tiết kiệm nhiên liệu, phục vụ cho kế hoạch thành lập liên minh hàng không trong khu vực và trên thị trường quốc tế .

Với việc bắt đầu khai thác đội tàu bay mới, hiện đại có khả năng tiết kiệm tới 15% nhiên liệu cùng kế hoạch đẩy mạnh phát triển mạng bay quốc tế, Vietjet tiếp tục tăng tiền bán vé bằng ngoại tệ, tăng tỷ lệ doanh thu phụ trội và giảm chi phí nhiên liệu khi giá nhiên liệu tại nước ngoài thấp hơn tại thị trường nội địa khoảng 30% do các loại thuế, phí. Đồng thời, với việc điều hành tải cung ứng linh hoạt ở các đường nội địa mùa thấp điểm, tập trung cho các đường bay quốc tế và thuê ướt ở nước ngoài, giúp tăng hiệu quả, tăng nguồn thu ngoại tệ, ổn định doanh thu.

Cả 3 hãng hàng không đều tăng trưởng tốt

Theo lãnh đạo hãng hàng không Jetstar Pacifc, việc phối hợp ngày càng chặt chẽ với cổ đông Vietnam Airlines tại thị trường nội địa cũng giúp Jetstar Pacifc cung cấp nhiều sản phẩm với lịch bay đa dạng, phục vụ chu đáo cho nhu cầu di chuyển của khách hàng.

Theo số liệu từ nghiên cứu gần đây, tính đến cuối tháng 6, Jetstar Pacific là hãng hàng không có chỉ số yêu thích từ người dùng là 80,7%, cao thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (88,3%). Riêng trong tháng 6, chỉ số yêu thích thương hiệu của Jetstar Pacific đạt 93%.

Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam “Trong năm 2018, Jetstar đã đạt các chỉ số khai thác ấn tượng, chất lượng dịch vụ tốt, mang lại sự hài lòng cao cho khách hàng". Tháng 7 này, Jetstar Pacific cũng đã trở thành hãng hàng không thứ 2 của Việt Nam (sau Vietnam Airlines) công bố triển khai thanh toán bằng QR Code, phương thức thanh toán điện tử hiện đại đang có xu hướng tăng mạnh trên thế giới.

Với những thay đổi cơ cấu và dịch vụ từ 3 nhà, khách hàng sẽ tiếp tục là người được hưởng lợi cuối cùng từ những nỗ lực cạnh tranh của các hãng hàng không tại Việt Nam trong thời gian tới.

Mai Hân
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư