Sự thật “đắng” trên thị trường đường: Người tiêu dùng giảm tiêu thụ thực phẩm có đường
Nhu cầu đường toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy giảm trong dài hạn khi người tiêu dùng hạn chế tiêu thụ thực phẩm có nhiều đường và thích lựa chọn thực phẩm sử dụng các chất ngọt thay thế.
Giá đường giảm về mức thấp nhất trong 3 năm
Giá đường trên thị trường đường thế giới đang dao động ở gần mức thấp nhất trong ba năm trong bối cảnh các hãng thực phẩm giảm lượng đường và chuyển sang sử dụng các chất tạo ngọt thay thế trước những mối lo ngại về sức khỏe do đường gây ra bao gồm bệnh đái đường, bệnh béo phì và bệnh tim.
Thực tế này đang đặt ra nguy cơ suy giảm nhu cầu đường trong dài hạn ngay đúng lúc sản lượng đường của các nước sản xuất đường lớn nhất thế giới đạt các mức kỷ lục.
Xu hướng giảm giá của đường đi được lại lại với xu hướng của các hàng hóa nông nghiệp khác như ngô và lúa mì, vốn được dự báo suy giảm sản lượng trong vụ mùa năm nay do chịu đợt nắng hạn quét qua châu Âu và châu Á. Từ đầu năm đến nay, giá ngô và giá lúa mì tương lai lần lượt tăng 2% và 28% nhưng giá đường thô tương lai lại giảm đến 30,5% về mức 10,54 cent (2.450 đồng)/pound (0,45kg) trên sàn giao dịch tương lại ICE (Mỹ).
Đường là hàng hóa giao dịch kém hiệu quả nhất trong năm nay và các nhà đầu cơ đang đặt cược giá đường sẽ tiếp tục giảm.
Giá đường suy giảm gây ra những tác động khác nhau trên trên thế giới. Tại châu Âu, Canada và một số nơi ở Trung Đông, người tiêu dùng được hưởng lợi nhờ giá đường có xu hướng bám sát giá đường của thế giới. Song người tiêu dùng ở những nước như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn phải mua đường với giá cao hơn thị trường thế giới vì các chương trình trợ giá của chính phủ.
Những nước sản xuất đường hàng đầu thế giới như Brazil chịu ảnh hưởng nặng nhất do giá đường suy giảm. Các nhà sản xuất đường ở Brazil đang phải bán đường với giá thấp hơn giá thành sản xuất.
Thức uống không đường lên ngôi
Adam Sarhan, giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư 50 Park Investments (Mỹ) nhận định giá đường sẽ tiếp tục suy giảm do nhu cầu yếu. Nhu cầu đường ảm đạm do khẩu vị của người tiêu dùng đang thay đổi. Họ tránh xa những thức uống có đường và chuyển sang sử dụng các loại trà không đường cũng như các loại nước khoáng có gas với hương vị trái cây.
Theo công ty đầu tư Susquehanna Financial Group (Mỹ), trong 5 năm qua, doanh thu soda ở Mỹ suy giảm 1,2 tỉ đô la nhưng doanh thu nước khoáng tự nhiên tăng 1,4 tỉ đô la.
Trong năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, hãng Coca-Cola đã giới thiệu nhiều hương vị mới cho dòng sản phẩm Diet Coke, nước giải khát không đường của hãng này. Trong báo cáo tài chính quí 2 vừa qua, Coca-Cola ghi nhận dòng sản phẩm Coca-Cola Zero Sugar tăng trưởng ở mức hai con số so với mức tăng trưởng 3% ở ở các sản phẩm coca truyền thống. Sản phẩm Coca-Cola Zero Sugar không chứa đường nhưng có chứa các chất tạo ngọt thay thế.
Tại Tây Ban Nha, hãng nước giải khát PepsiCo đã giảm lượng đường trong các sản xuất của hãng này 29% so với năm 2006 và đang hướng đến mục tiêu giảm lượng đường xuống dưới 100 calo ở 2/3 sản phẩm của hãng này vào năm 2025.
Tháng trước, công ty Südzucker (Đức), nhà sản xuất đường lớn nhất châu Âu và công ty công nghệ thực phẩm DouxMatok, có trụ sở ở Tel Aviv (Israel) đã ký thỏa thuận hợp tác để sản xuất một loại đường có thể giúp giảm đến 40% hàm lượng đường ở các thực phẩm. Loại đường có các phân tử đường được gắn các hạt khoáng silica, làm tăng bề mặt tiếp xúc của các phân tử đường với các nụ vị giác ở lưỡi, giúp người tiêu dùng cảm nhận được nhiều vị ngọt hơn dù lượng đường không tăng.
Dư thừa đường tăng lên mức kỷ lục
Judith Ganes Chase, chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa J. Ganes Consulting ở New York, nhận định: “Tiêu thụ đường ở châu Âu và Mỹ không tăng trưởng trong nhiều năm và không có triển vọng tăng vì sự phổ biến của các chất tạo ngọt thay thế”.
Dù thực tế này báo hiệu sự thay đổi về nhu cầu đường trong thời gian tới, nguồn cung đường vẫn đang tăng.
Trong báo cáo cập nhật thị trường đường hàng tháng công bố hồi tháng 7, Tổ chức Đường quốc tế (ISO), một cơ quan liên chính phủ có trụ sở ở London (Anh) cho biết dư thừa đường trên toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục trong năm nay và tiếp tục dư thừa vào năm sau. Điều này có nghĩa là cần nhiều thời gian để thị trường hấp thụ hết lượng đường dư thừa trên toàn cầu.
Công ty tư vấn Green Pool Commodity Specialists (Úc) dự báo năm 2018, dư thừa đường toàn cầu sẽ lên mức 19 triệu tấn, mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, các nước sản xuất đường vẫn không thu hẹp diện tích trồng mía. Chẳng hạn, các nông dân trồng mía tại Ấn Độ đang mở rộng diện tích các vụ mía sau khi chính phủ Ấn Độ ban hành một loạt chính sách nhằm hỗ trợ xuất khẩu đường bao gồm xóa bỏ mức thuế xuất khẩu đường 20%.
Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, sản lượng đường của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng lên 31,5 triệu tấn trong niên vụ 2017-2018, cao hơn nhu cầu tiêu thụ đường năm của Ấn Độ khoảng 6,5 triệu tấn. Do vậy, Ấn Độ phải tìm cách “xả” đường ra thị trường quốc tế và điều này có thể khiến giá đường suy giảm thêm.
Lê Linh
Nguồn The Saigon Times