Anh em nhà Albrecht và mô hình siêu thị hỗ trợ nhà cung cấp nhỏ
Khi thế giới chú ý đến những thương hiệu quốc tế và nhãn hiệu nổi tiếng, kể cả khi là những nhãn hiệu nhái hay sao chép, thì vẫn có những mô hình kinh doanh siêu thị trung thực hỗ trợ những nhà sản xuất, nhà cung ứng nhỏ không tiếng tăm tại các địa phương.
Aldi là một chuỗi siêu thị như thế và anh em nhà Albrecht – Karl và Theo – đã trở thành những người giàu nhất nước Đức nhờ việc mang những thứ hàng nhỏ lẻ tại các địa phương ra thị trường lớn.
Tuy những người sáng lập Aldi nay không còn nhưng mô hình siêu thị giá rẻ của họ đang nổi lên, phát triển mạnh tại nhiều nước như một đối kháng với siêu thị hạng sang.
Nhà Albrecht đang định nghĩa lại siêu thị
Trên thực tế sự thành công của những chuỗi siêu thị giá rẻ như Aldi hay Lidl tại Đức cũng như tại hàng chục quốc gia khác đang định nghĩa lại siêu thị. Điều này lại rất có ý nghĩa với giới bình dân và tầng lớp trung lưu khi chính họ đang mua hàng của họ – vốn là những nhà sản xuất nhỏ, những trang trại, những đơn vị kinh tế hộ gia đình hay các hợp tác xã. Người ta sẽ rất ngạc nhiên khi một mô hình siêu thị như thế lại có thể phát triển và chiếm lĩnh thị trường kể cả ở những quốc gia công nghiệp, từ Đức sang Anh rồi Mỹ và hàng chục nước khác. Nhưng quá trình hình thành và phát triển Aldi của anh em nhà Albrecht cho thấy siêu thị giá rẻ chưa bao giờ lạc hậu, kể cả khi con người mỗi ngày một giàu lên. Mô hình này đang tỏ rõ năng lực thay thế các khu chợ nhằm tạo nên nền nếp văn minh đô thị mới, nhất là nơi các nước đang phát triển như Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, bất cứ sự thành công nào cũng có những nguyên tắc của nó.
Năm 1913, bà Siepmann mở một tiệm tạp hóa nhỏ tại khu phố Schonnebeck trong vùng ngoại ô thành phố Essen ở Đức, gọi là “tiệm tạp hóa dì Emma”. Thế chiến I rồi II nổ ra sau đó làm cho nền kinh tế Đức kiệt quệ. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, những đứa con sống sót của mẹ từ các chiến trường khác nhau đã tìm về gia đình. Cả Karl và Theo hợp lực nhau biến tiệm tạp hóa dì Emma thành chuỗi siêu thị theo đúng tinh thần phục vụ của mẹ, đầu tiên là cho những người nghèo, người hàng xóm. Sức sống của tinh thần phục vụ xem ra còn mạnh hơn cả mãnh lực đồng tiền. Mô hình kinh doanh hay triết lý phục vụ của Karl (qua đời 2014, 94 tuổi) và Theo (qua đời 2010, 88 tuổi) nhắm đến cả hai đối tượng là người tiêu dùng và nhà sản xuất. Sức bành trướng của Aldi mạnh đến cơ hồ muốn lấn át cả các siêu thị hạng sang ở Đức và ở Anh, và đang mở rộng toàn cầu với hơn 10.000 siêu thị, sắp tới là ở các thị trường Trung Quốc và châu Á.
Từ tiệm tạp hóa của mẹ, năm 1946 nghĩa là một năm sau Thế chiến II, anh em nhà Albrecht phát triển thành chuỗi siêu thị Aldi, viết tắt từ Albrecht-Diskont và ý niệm về siêu thị giá rẻ ra đời. Năm 1960 khi Aldi đã lớn mạnh, nhà Albrecht tách công ty thành hai khu vực, phía Bắc nước Đức do Theo quản lý, đặt căn cứ tại Essen; phía Nam do Karl quản lý, đặt căn cứ tại Mülheim. Lúc đầu, cả hai nhóm riêng rẻ vẫn đặt dưới sự quản trị chung, và đến 1962 thì thống nhất gọi cùng tên, Aldi Nord cho khu vực phía Bắc và Aldi Süd cho khu vực phía Nam. Mãi đến năm 1966, Aldi mới trở thành hai công ty độc lập nhưng cùng mô hình, cùng chí hướng, kể cả khi hoạt động ở trong nước và khi kinh doanh ở nước ngoài. Hiện nay tại Đức, Aldi Nord có 35 chi nhánh với 2.500 siêu thị, đồng thời phát triển ra Đan Mạch, Pháp, vùng Benelux, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan; trong khi Aldi Süd hình thành 32 công ty chi nhánh với 1.600 siêu thị tại Đức, và phát triển sang Ireland, Anh Quốc, Hungary, Thụy Sĩ, Úc, Trung Quốc, Ý, riêng tại Áo và Slovenia hoạt động dưới thương hiệu Hofer, và cả hai cùng hoạt động tại Mỹ với tổng cộng 1.600 siêu thị.
Aldi không chỉ quan tâm đến bán hàng mà bắt đầu quy trình kinh doanh của mình bằng việc chọn lựa và hỗ trợ những nhà sản xuất ngay tại địa phương.
Sức cạnh tranh cao
Kể cả nơi các nước đã có nền nếp văn minh siêu thị, sự xâm nhập của mô hình siêu thị giá rẻ Aldi không gặp khó khăn từ phía các nhà cung cấp lẫn người tiêu dùng. Một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2002 bởi công ty nghiên cứu thị trường Forsa tại Đức cho thấy 95% số công nhân, 88% số nhân viên văn phòng, 84% số công chức, và 80% số người làm kinh tế gia đình bao gồm cả nông dân và chủ trang trại đến với Aldi, và tương tự sau này đến với cả mô hình siêu thị Lidl.
Tại Anh, người tiêu dùng hiện nay đổ một trên tám đồng bảng vào siêu thị giá rẻ Aldi và Lidl, trước đó 10 năm, tỷ lệ này mới chỉ là 1 trên 25 đồng bảng. Aldi - với chỉ 1.700 mặt hàng mà 94% đã là từ các nhà sản xuất nhỏ lẻ so với bình quân 20.000-30.000 mặt hàng của mỗi siêu thị tiêu chuẩn được cung ứng bởi những thương hiệu tên tuổi - đang làm cho bốn đại siêu thị nước Anh là Tesco, Asda, Sainsbury’s và Morrisons lo lắng vì không cạnh tranh nổi về giá, vốn thường rẻ hơn đến 30% cho cùng mặt hàng tương tự.
Matthew Barnes, Giám đốc điều hành 500 siêu thị Aldi tại Anh nói: “Chúng tôi đầu tư lớn nhằm giữ cho giá hàng luôn luôn rẻ, và cam kết với khách hàng rằng trong hoàn cảnh nào chúng tôi cũng duy trì mức giá rẻ đó”.
Có hai nguyên tắc mà anh em nhà Albrecht áp dụng triệt để để tạo nên chiến lược kinh doanh cho hệ thống Aldi.
Trước hết là thương thảo trực tiếp và nghiêm ngặt với các nhà sản xuất hay nhà cung cấp, không qua trung gian, và luôn giữ cho họ ở quy mô bán hàng không phải đóng thuế. Nguyên tắc thứ hai là tiết giảm tối đa những khoản đầu tư không cần thiết. Trên thực tế, Karl rất khó tính trong việc chọn lựa nhà cung cấp và đòi hỏi họ phải trung thành với chất lượng từng mặt hàng đã cam kết. Sự khó tính này không chỉ giữ cho chất lượng mỗi món hàng luôn ổn định mà còn giúp cho nhà cung cấp hay người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm không bị khống chế bởi các lớp trung gian như các siêu thị khác vẫn áp dụng. Nó cũng giúp cho những nhà quản lý tại các siêu thị biết chắc họ có những gì trong thời gian nào, bởi đây là mối quan hệ trực tiếp. Người ta đã thấy các siêu thị Aldi chỉ cấp hàng vào thùng mỗi khi một món hàng nào đó gần hết, và nhờ vậy hàng luôn luôn tươi mới, đặc biệt thích hợp với nhóm thực phẩm, tươi sống và rau quả.
Tạo nên những quy định và hỗ trợ trực tiếp cho nhà cung cấp là bước đi đầu tiên của siêu thị Aldi. Nói cách khác Aldi không chỉ quan tâm đến bán hàng mà bắt đầu quy trình kinh doanh của mình bằng việc chọn lựa và hỗ trợ những nhà sản xuất ngay tại địa phương. Trong trường hợp này chi phí cho việc sản xuất của nhà cung cấp sẽ rất nhỏ, nhất là trong các khâu vận chuyển và bảo quản, mặt khác nhà cung cấp cũng chủ động trong việc lên kế hoạch sản xuất, thu hái hay chế biến. Biên lợi nhuận của các nhà sản xuất địa phương, vì thế, sẽ rất khả dĩ giúp họ tự giải quyết những rủi ro hay sự hao hụt. Một bằng chứng rất rõ là trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ 2008, khi việc bán hàng tại các hệ thống siêu thị khác chậm lại thì Aldi vẫn phát triển và phát triển nhanh, mở rộng sang các nước khác. Với chủ trương bắt đầu kinh doanh bằng các nhóm hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, mỗi siêu thị Aldi thể hiện như một khu chợ truyền thống, gần gũi, thân thiện với mọi người, không xa hoa phung phí, nhưng văn minh và quy củ.
Chiến lược kinh doanh thân thiện, dân sinh
Karl Albrecht và Theo Albrecht nổi lên như một trong những câu chuyện thành công kinh tế lớn nhất tại Đức khi phương châm của họ là ‘chất lượng tốt nhất với giá thấp nhất’. Tạo nên một biên lợi nhuận cần thiết cho mô hình kinh doanh này thật không dễ chút nào, nhưng nhà Albrecht đã thành công nhờ vào chiến lược thiên về dân sinh của mình. Một lần nữa cần nói rằng cuộc suy thoái kinh tế năm 2007 - 2008 không gây ảnh hưởng đến đế chế nhà Albrecht mà còn tạo điều kiện cho chuỗi siêu thị giá rẻ này lên ngôi vì người dân phương Tây cũng đa phần chọn cách thắt lưng buộc bụng khi mua sắm nhu yếu phẩm.
Thực ra cuộc bành trướng của nhà Albrecht đã bắt đầu từ năm 1967 khi Aldi Süd mua lại chuỗi cửa hàng thực phẩm Hofer ở Áo và năm 1973 khi Aldi Nord tiến sang Hà Lan. Đến năm 1976, Aldi ghi dấu với việc tiến vào đất Mỹ, và năm 1979, Aldi Nord mua lại thương hiệu Trader Joe’s. Trong hoàn cảnh lịch sử sau ngày thống nhất, cả miền Tây dồn sức xây dựng miền Đông, dân Đức thắt lưng buộc bụng càng làm cho các siêu thị giá rẻ Aldi mọc nhanh như nấm.
Năm 1993, cả hai anh em rời khỏi chức vụ điều hành và quyền quản trị công ty giao cho những quỹ gia đình, Markus Foundation với Aldi Nord và Trader Joe’s; Siepmann Foundation với Aldi Süd và thương hiệu Hofer.
Nhưng Aldi vẫn phát triển theo mô hình mà Karl và Theo đã đặt ra. Họ không tìm chọn những vị trí đắc địa mà là vị trí tiện lợi để xây dựng siêu thị; họ chuộng xây dựng cách đơn giản, tiện nghi chứ không đầu tư vào cái xa hoa; họ tổ chức kinh doanh một cách thân thiện và đầy trách nhiệm, và nhất là khoản chi phí nào có thể cắt bỏ thì họ cắt bỏ hết. Các nhà cung cấp được yêu cầu khấu trừ đến mức tối đa theo luật định là 3% trước khi bán một món hàng, và dùng tiền đó để cấp phiếu giảm giá cho khách hàng nhằm nhắc họ trở lại mua những mặt hàng đã mua.
Trang vizologi.com cập nhật vào cuối năm 2017 cho biết thu nhập của Aldi lúc bấy giờ vào khoảng 50 tỉ euro mỗi năm từ hơn 10.000 siêu thị tại 18 quốc gia.
Vizologi là một trang chuyên về phân tích mô hình kinh doanh đã ghi nhận những điểm nhấn của hệ thống siêu thị Aldi. Trước hết, Aldi không chỉ bán chủ yếu những mặt hàng của các nhà sản xuất địa phương mà còn chỉ chấp nhận hai hay ba nhà sản xuất cho một mặt hàng, điều này làm cho công ty dễ quản lý và theo dõi chất lượng. Như đã nói, việc thương thảo trực tiếp giữa siêu thị với nhà cung cấp làm loại bỏ các chi phí trung gian đè lên khách hàng. Aldi cũng không cần những khâu quảng cáo tốn kém mà phương tiện quảng bá của họ là phát hành bản tin hàng tuần, đăng trên báo, hoặc đọc trên kênh truyền hình. Các siêu thị không thiết kế rườm rà với những dãy kệ, mà là vị trí để đặt những thùng chứa hàng.
Ở Aldi, những người mua hàng được khuyên xách theo giỏ của mình, trong trường hợp khác họ có thể mua túi xách và thuê xe đẩy tại đó. Với một mô hình kinh doanh như thế thì còn lâu các hệ thống siêu thị và thương mại điện tử mới chạy theo được về giá. Nhưng điều quan trọng là cách mua hàng thân thiện kiểu đi chợ này không chỉ được ưa chuộng bởi tầng lớp trung lưu mà nay thu hút cả những nhà giàu, những người đi xe hơi tới để mua hàng.
Hoàng Xuân Phương
Nguồn The Saigon Times