Câu chuyện về các cột mốc vốn hóa lịch sử của các công ty Mỹ

Apple đã trở thành công ty niêm yết đại chúng Mỹ đầu tiên trong lịch sử đạt mốc vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD vào hôm 2/8.

Lợi nhuận khổng lồ của các công ty công nghệ lớn đã dẫn dắt thị trường tăng trưởng liên tục và lâu dài. Và thành quả lịch sử của Apple, mặc dù chỉ là một con số khác được ghi lại trong sử sách, nhưng cũng có thể xem như là biểu tượng của việc các công ty công nghệ lớn đã vượt lên các tượng đài cũ của Mỹ như U.S. Steel, General Electric, Exxon, Wal-Mart.

Trong số các tượng đài trên, U.S. Steel chính là công ty niêm yết Mỹ đầu tiên đạt mốc vốn hóa 1 tỷ USD. Công ty đạt đến cột mốc này gần như ngay lập tức sau khi phát hành cổ phiếu.

Lịch sử của các cột mốc vốn hóa thị trường này, theo thời gian, cũng đã vẽ nên bức tranh bao quát về lịch sử thay đổi của các tập đoàn Mỹ - từ sự thống trị của các ngành công nghiệp nặng trong phần lớn thế kỷ 20, cho đến bình minh của kỷ nguyên công nghệ trong thập niên cuối cùng của thế kỷ, và đến nay là sự thống trị của các công ty công nghệ.

Công ty Mỹ đạt mốc 100 tỷ USD đầu tiên

IBM được xác định là công ty Mỹ đầu tiên đạt mốc 100 tỷ USD ngày 20/8/1987. Tuy nhiên, theo các phân tích dữ liệu của tổ chức FactSet, IBM chưa bao giờ vượt được mốc trên.

Câu chuyện về các cột mốc vốn hóa lịch sử của các công ty Mỹ

Trong khi đó, tập đoàn AT&T cũ (trước khi bị mua lại bởi SBC Communications năm 2005), đã có lần vượt quá 100 tỷ USD ở kết thúc phiên giao dịch của một ngày tháng 11/1992, theo dữ liệu theo dõi vốn hóa thị trường của FactSet.

Tuy nhiên Dow Jones Market Data Group đã không thể kiểm chứng độc lập con số này khi tính toán vốn hóa thị trường một cách thủ công bằng số cổ phiếu và giá cổ phiếu của ngày hôm đó. Đây có thể là kết quả của các quyết sách cổ đông của công ty được thực hiện hồi năm 2005, nhưng với các dữ liệu sẵn có thì có thể thấy còn nhiều nghi ngờ về cột mốc này.

Vì thế, chúng ta lại phải nhắc tới General Electric (GE), vào khoảng năm 1995. Lúc này chứng khoán Mỹ đang ở vào giữa giai đoạn tăng trưởng kéo dài từ đầu những năm 1990 đến khi vỡ bong bóng dot-com hồi năm 2000. Vào ngày 14/9/1995, General Electric vượt mốc 100 tỷ USD, biến công ty này thành công ty đầu tiên chính thức được ghi nhận đạt được điều này. Tập đoàn công nghiệp này ở thế kỷ 20 sở hữu câu chuyện thành công có nhiều điểm giống với Apple ở thế kỷ 21.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cổ phiếu GE đã gặp nhiều khó khăn. Vào tháng 6 vừa qua, GE đã không còn nằm trong Chỉ số công nghiệp Dow Jones DJIA, bị thay thế bởi Walgreens Boots Alliance. GE đã là một thành phần của DJIA ngay từ khi chỉ số này được đưa ra năm 1896 và nằm trong danh sách này liên tục 111 năm qua.

Giám đốc điều hành của ủy ban chỉ số tại S&P Dow Jones Indices đã phát biểu về động thái trên: “Nền kinh tế Mỹ đã thay đổi: người tiêu dùng, tài chính, chăm sóc sức khỏe và các công ty công nghệ hiện nay nổi bật hơn, và tầm quan trọng của các công ty công nghiệp đã giảm đi”. Vốn hóa thị trường của GE hiện nay vào khoảng 114,5 tỷ USD.

Công ty đạt 500 tỷ USD đầu tiên

Vào ngày 16/7/1999, tập đoàn Microsoft đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mốc 500 tỷ USD vốn hóa thị trường. Công ty này chỉ giữ mức trên 500 tỷ USD được 2 phiên giao dịch sau đó lại lùi xuống dưới.

Câu chuyện về các cột mốc vốn hóa lịch sử của các công ty Mỹ

Thời điểm đó là đỉnh cao của thời kỳ bong bóng dot-com. Các cổ phiếu đạt mức giá kỷ lục khi có các báo cáo tài chính theo quý mạnh mẽ, cộng với các dự báo thị trường cao chót vót.

Ngày Microsoft đạt mức 500 tỷ USD, chỉ số Nasdaq Composite Index cũng ghi nhận một kết thúc phiên giao dịch cao kỷ lục lần thứ ba liên tiếp. Cổ phiếu của Microsoft tăng 5,4%, đạt mức kỷ lục lúc đó là 99,44 USD, với kỳ vọng công ty này đang tiến gần tới việc tạo ra một cổ phiếu độc lập khác để phục vụ cho việc kinh doanh mới là Microsoft Network.

Sau đó Microsoft lại đạt mức 500 tỷ USD một lần nữa, rồi vượt qua mốc này để đạt tới con số 607 tỷ USD vào tháng 12/1999. Nhưng vào mùa xuân năm 2000, bong bóng dot-com vỡ, và Microsoft kết thúc năm 2000 với mức vốn hóa thị trường là 231 tỷ USD.

Hiện nay, cổ phiếu của Microsoft đang trải qua sự hồi sinh. Vốn hóa thị trường của công ty này đang ở mức 818 tỷ USD, đứng thứ tư trong các công ty Mỹ.

Công ty đạt mốc 1.000 tỷ USD đầu tiên

Cột mốc 1.000 tỷ USD của Apple đạt được sau khi công ty này có báo cáo lợi nhuận quý 2 tốt hơn mong đợi. Apple cũng đưa ra một dự báo lạc quan cho quý 3, thường là thời điểm mà Apple tung ra mẫu iPhone mới. Trong vòng 2 ngày sau khi công bố báo cáo tài chính, Apple đã được tăng thêm 82 tỷ USD vốn hóa thị trường để chạm mốc 1.000 tỷ.

Câu chuyện về các cột mốc vốn hóa lịch sử của các công ty Mỹ

Quá trình đạt đến mốc 1.000 tỷ USD cũng không thiếu sự kịch tính. Khi Amazon báo cáo lợi nhuận vào tuần trước và cổ phiếu của công ty này tăng giá. Một số người đã tin rằng Amazon sẽ đánh bại Apple trong cuộc đua 1.000 tỷ USD này. Vốn hóa thị trường của Amazon hiện vào khoảng 873 tỷ USD, đứng thứ hai nước Mỹ, đứng thứ ba là tập đoàn Alphabet (Google) với 849 tỷ USD.

Tuy nhiên, về phần Tim Cook, CEO của Apple, ông lại không đánh giá cao cột mốc 1.000 tỷ USD này khi cho rằng nó “không phải là thước đo quan trọng nhất cho sự thành công của chúng ta”. Chưa kể đến nhà đồng sáng lập Apple, ông Steve Wozniak, khi ông phát biểu rằng: “Tất nhiên tôi tự hào về Apple, nhưng tôi không đánh giá thế giới này bằng những con số đơn giản. Một công ty trở nên vĩ đại chỉ vì nó vốn vĩ đại”.

Đăng Quang / Market Watch
Nguồn Người đồng hành