Thị trường M&A Việt Nam 2017: Lập kỷ lục 10,2 tỉ USD

Chỉ riêng năm 2017, giá trị thị trường M&A (mua bán và sáp nhập) ở Việt Nam đã lập kỷ lục 10,2 tỉ USD.

Trong giai đoạn từ năm 2009-2018, có tổng cộng hơn 4.000 giao dịch M&A được thực hiện nâng quy mô thị trường lên hơn 48,8 tỉ USD. M&A trở thành kênh dẫn dắt dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ những khu vực co hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn.

Mặc dù có những con số phát triển rất ấn tượng trong 10 năm qua. Tuy nhiên Việt Nam vẫn cần những chính sách để hỗ trợ các hoạt động M&A diễn ra hiệu quả hơn. Phát biểu tại diễn đàn M&A Việt Nam 2018, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, có chưa tới 2 thương vụ trong số 5 thương vụ được thực hiện trong giai đoạn tìm kiếm.

Theo ông Warrick Cleine, tỷ lệ các thương vụ thành công quyết định mức độ năng động của thị trường M&A từng quốc gia do đó cần phải cải thiện tỷ lệ này ở Việt Nam cao hơn trong thời gian tới.

“Tôi nghĩ Việt Nam cần giảm bớt các thủ thục hành chính trong quá trình chấp thuận một giao dịch. Có nhiều giao dịch không cần đến sự can thiệp của cơ quan nhà nước.”, ông Warrick Cleine nói.

Thị trường M&A Việt Nam 2017: Lập kỷ lục 10,2 tỉ USD

Trong kỷ nguyên mới, thị trường có quy mô 100 triệu dân của Việt Nam vẫn là lực hút cho dòng vốn trên toàn cầu. Cùng với đó là những chuyển động chính sách mới của Chính phủ Việt Nam để tạo thuận lợi cho hoạt động M&A.

“Hoạt động M&A đang thực sự trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn,đồng thời là yếu tố quan trọng thúc đẩy tái cấu trúc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Chính phủ đang nỗ lực hành động vì một môi trường đầu tư thực sự minh bạch, thuận lợi, khuyến khích hoạt động M&A phát triển cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế.”, ông Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Chính phủ, cho biết.

Trên thực tế, theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn M&A, cho biết sự bùng nổ các thượng vụ M&A lớn trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018 được châm ngòi bởi chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế…

“Những yếu tố đó đang thực sự tạo ra bước ngoặt mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam, với kỳ vọng lớn hơn giá trị và số lượng thương vụ”, ông Minh nói.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư