FMCG Monitor 06/2018: Mô hình bán lẻ quy mô lớn, cơ hội tăng trưởng?
FMCG Monitor: 12 tuần kết thúc vào 17/06/2018
Điểm tin chính trong Báo cáo tháng 6 năm 2018:
Các chỉ số chính
Mặc dù ổn định trong 6 tháng đầu năm, chỉ số CPI tháng 6 đạt mức tăng cao nhất trong thời gian từ năm 2011 đến nay, phần lớn là do giá thực phẩm và giá dầu tăng. Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong Quý 2, dù vẫn chậm hơn so với Quý 1. Nhìn chung, với mức tăng trưởng GDP 7.08% trong 6 tháng đầu, triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 6.7% cho cả năm là hoàn toàn có thể. Kinh tế phát triển tốt cùng với nhu cầu tiêu dùng trong nước cao, làm gia tăng sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Xu hướng FMCG Tăng trưởng FMCG chững lại ở Thành thị (4 TP) trong khi vẫn giữ vững kết quả tích cực ở Nông thôn, dù thấp hơn so với Quý 1 do đã qua mùa cao điểm. Tổng mức tăng trưởng của thị trường FMCG dự kiến sẽ khó vượt quá mức +5-6% trong năm 2018.
Thị trường FMCG tăng trưởng chậm lại chủ yếu là do tăng trưởng âm của các ngành hàng Sữa và sản phẩm từ sữa (ở Thành thị 4 TP), Thực phẩm đóng gói (ở Thành thị 4 TP và cả Nông thôn) và Sản phẩm chăm sóc gia đình (ở Nông thôn). Thị trường hàng tiêu dung nhanh đang chứng kiến sự chững lại của một số mặt hàng nhu yếu phẩm có đóng góp lớn đến toàn bộ thị trường FMCG như Phụ gia nấu nướng, Xà bông cục, Nước rửa chén, Bột giặt, v.v. Những ngành hàng này đang bị giảm tỷ lệ hộ mua.
Ngành hàng tiêu biểu
Ngành hàng nổi bật nhất kỳ này là Tương ớt, ngày càng có nhiều người mua ở cả Thành thị (4 TP) và Nông thôn. Với độ phủ tới 80% số hộ gia đình ở Thành thị (4 TP) và 64% ở Nông thôn, ngành hàng này được xem là một trong những sản phẩm quen thuộc ở góc bếp của mỗi gia đình. Nhờ tính tiện lợi, Tương ớt có thể dễ dàng được dùng kèm với nhiều món ăn khác như khoai tây chiên, bún, mì, bánh mì... trong nhiều dịp. Do vậy, ngành hàng vẫn còn cơ hội để tăng trưởng bằng việc mở rộng thêm độ phủ và gia tăng sản lượng tiêu thụ.
Kênh mua sắm
Trong các kênh bán lẻ truyền thống, cửa hàng chuyên doanh là kênh duy nhất tăng trưởng tốt ở khu vực Thành thị. Ngày càng nhiều người Thành thị (4 TP) mua sắm tại kênh này cho những nhu cầu chuyên biệt cụ thể với lượng mặt hàng đa dạng, đặc biệt là các mặt hàng cho em bé và làm đẹp. Liên tục dẫn dắt tăng trưởng, kênh bán lẻ hiện đại tăng 3 điểm thị phần và giữ vững đà tăng trưởng ở mức 2 con số. Phần lớn là nhờ sự phục hồi của kênh đại siêu thị cùng với sự phát triển nhanh chóng của mô hình siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi và online.
Tiêu điểm của tháng – Mô hình bán lẻ quy mô lớn có còn thu hút người mua?
Trong khi nhu cầu về tiện lợi ngày càng tăng, mô hình đại siêu thị vẫn tăng trưởng tốt nhờ vào tần suất mua sắm và chi tiêu mỗi chuyến mua sắm tăng. Với sự đầu tư từ các nhà bán lẻ nước ngoài như Lotte, Aeon, Emart, các mô hình bán lẻ lớn được xem như những khu giải trí phức hợp với đa dạng sản phẩm và dịch vụ (bao gồm hàng nhập khẩu), chương trình khuyến mãi hấp dẫn, trang trí bắt mắt cùng nhiều dịch vụ tiện ích bổ sung. Tuy nhiên, vẫn có hơn 50% hộ gia đình Thành thị chưa mua sắm tại kênh này, liệu có phải là do địa điểm không thuận tiện? Các nhà bán lẻ đại siêu thị vẫn có thể thu hút người mua mới bằng việc hiểu rõ những động lực khiến người tiêu dùng chọn mua sắm tại đây và nâng cao thêm trải nghiệm mua sắm.
David Anjoubault - General Manager, Kantar Worldpanel Vietnam
Nguồn Kantar Worldpanel