Facebook có thể mãi trông đợi vào tăng trưởng lượng người dùng hàng tháng?
Facebook, cổ phiếu “con cưng của Wall Street” giảm giá 19% khiến vốn hoá công ty giảm 119 tỉ đô la Mỹ chỉ trong một phiên giao dịch. Cú giảm sốc nhất trong lịch sử chứng khoán toàn cầu đặt ra nhiều câu hỏi về mô hình kinh doanh hiện tại của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
2018 hẳn là một năm vừa ngọt ngào vừa cay đắng đối với Mark Zuckerberg, người sáng lập kiêm CEO của Facebook. Mark Zuckerberg đã trở thành người giàu thứ ba trên thế giới, đồng thời cũng nhận được ngày càng nhiều lời kêu gọi từ chức. Mức tăng trưởng lượng người dùng hàng tháng cùng doanh thu tương ứng khiến cổ phiếu Facebook rớt giá thê thảm, đánh dấu mức sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử thị trường, khiến vốn hóa công ty giảm 119 tỉ đô la Mỹ. Twitter gần đây cũng đã thực hiện cải tổ, xóa sổ hơn 70 triệu tài khoản giả mạo hoặc sử dụng nhiều bất thường. Các nền tảng mạng xã hội bắt đầu nhận thấy sai lầm trong tăng lượng người dùng bằng mọi giá. Đường đua tăng lượng người dùng hàng tháng (MAU) rất có thể chỉ dẫn tới một chiến thắng phải trả giá rất đắt.
Khi Facebook được nhìn nhận là một hình thức tiện ích công cộng mới, người dùng ùa vào sử dụng nền tảng hệt như thiêu thân lao vào lửa. Mô hình tăng trưởng tiếp tục phát triển không hề suy giảm, lên tới con số hơn 2,2 tỉ người dùng trên toàn cầu, biến Facebook thành vị vua không thể chối cãi của truyền thông xã hội và nền kinh tế mạng. Trong khi một vài người dùng và nhà quan sát từ bỏ Facebook bởi nền tảng này sớm kiếm lời bằng quảng cáo thông qua các video nhúng và quảng cáo siêu tập trung vào đối tượng, nhà đầu tư vẫn đổ xô giao dịch trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2012, biến Facebook thành một trong những công ty công nghệ có vốn hóa cao nhất trên thế giới. Ngay khi niêm yết, hoạt động từ thiện, đóng vai trò chiếc khiên bảo vệ Mark Zuckerberg và công ty, bắt đầu bị nghi ngờ. Wall Street đòi hỏi không chỉ Facebook mà cả các nền tảng truyền thông xã hội khác đáp ứng tiêu chí kinh doanh rất khác: tăng trưởng và thu lợi bằng mọi giá. Các công ty này đáp trả yêu cầu của Wall Street bằng cam kết tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân trên các thiết bị màn hình nhỏ hơn, với điện thoại thông minh và máy tính bảng ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy vậy, sự tăng trưởng này diễn ra trong thời gian ngắn hơn và theo quan sát thì ngày một suy giảm.
Việc theo đuổi lượng người dùng đồng thời phát triển các mô hình kinh doanh hời hợt, tập trung kiếm tiền từ dữ liệu người dùng đã khiến Facebook và Twitter phạm phải các lỗi dường như không thể tha thứ và không thể lãng quên, ít nhất trong thời điểm hiện tại. Sau vụ bê bối Cambridge Analytica, trong đó mạng xã hội này được cho rằng đã lạm dụng dữ liệu khách hàng và tác động đến kết quả bầu cử Mỹ năm 2016, Facebook im hơi lặng tiếng trong thời gian dài. Twitter cũng sa lầy với hàng triệu ứng dụng và tài khoản bất thường, rất nhiều trong số đó đã bị xóa. Cuộc “thanh trừng” tài khoản xảy ra với quy mô gần bằng kích cỡ cơ sở người dùng tại Mỹ của Twitter, tương ứng với 20% trong tổng số 336 triệu người dùng. Trong khi thị trường dễ tha thứ hơn cho Twitter bởi sự kiện trên mang tính tự nguyện và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, các cổ đông của Facebook lại không hề hài lòng với thông báo tăng trưởng doanh thu đáng thất vọng, khiến giá cổ phiếu sụt giảm 19%, mức giảm tệ nhất trong lịch sử, làm tiêu tan 119 tỉ đô la Mỹ vốn hóa và 15 tỉ đô la Mỹ tài sản của Mark Zuckerberg. David Wehner, CFO của Facebook, tiết lộ trong buổi họp mặt nhà đầu tư rằng công ty sẽ ưu tiên quyền riêng tư và bảo mật, trong đó sẽ chi hàng tỉ đô la để lấy lại thị trường và niềm tin vào quy định. Một đợt bán tháo cổ phiếu tiếp tục diễn ra, hỗ trợ lập luận của các nhà đầu tư cho rằng, mô hình “nhiều nhất có thể, nhanh nhất có thể” vẫn đang chiếm ưu thế.
Liệu các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích Facebook đã phản ứng thái quá? Có phải quyết định bán tháo của họ không thực sự xác đáng, bởi Facebook vẫn đang chiếm lĩnh phân khúc thị trường? Hay họ nhận ra mức tăng lượng người dùng rồi sẽ đạt đến điểm bão hòa? Sau điểm bão hòa, Facebook và các công ty khác theo dõi chỉ số này, chẳng hạn như Netflix, hãng cũng đang hứng chịu phản ứng thị trường bất lợi do mức tăng số người đăng ký dịch vụ đáng thất vọng, sẽ mất đà. Mức tăng trưởng người dùng là một thước đo thành công đáng lên án, bởi nó có thể tạo nên vòng luẩn quẩn Facebook và Twitter hiện đang mắc kẹt. Giá thị trường sụt giảm phản ánh nhu cầu dành cho các quy định chặt chẽ hơn ngày càng tăng, và cả khoản phạt nặng nề của EU. Tổ chức này ngày càng hoạt động năng nổ và trừng phạt thẳng tay hơn nhờ được trang bị Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) cùng các luật bảo mật thông tin và quyền riêng tư khác. Số tiền phạt kỷ lục 5 tỉ đô la Mỹ của EU đối với Google vì vi phạm luật chống độc quyền cho thấy, EU không ngần ngại buông bỏ củ cà rốt và sử dụng cây gậy, đặc biệt nếu điều này ghi điểm trong giai đoạn quan hệ xuyên Đại Tây Dương trở nên gay gắt.
Trong khi các nhà lập pháp Mỹ tỏ ra quá ngây ngô về công nghệ và để Mark Zuckerberg chiến thắng trong phiên điều trần trước Quốc hội, giấy triệu tập của EU vẫn chưa được nhà sáng lập Facebook trả lời. Nhiều câu hỏi chưa được đưa ra và nhiều câu hỏi khác vẫn chưa được đáp trả, chẳng hạn như mức độ can thiệp vào cuộc bầu cử của Facebook, có bao nhiêu cửa sau phá vỡ bảo mật (privacy-shattering backdoors) được mở ra và duy trì? Công ty có thể đưa ra những biện pháp khắc phục nào và chúng có nên đi kèm với các biện pháp trừng phạt và bồi thường không? Xét cho cùng, Facebook, giống như rất nhiều công ty truyền thông xã hội lớn mạnh theo xu hướng, có thể sẽ đạt đến cực hạn của một mô hình doanh thu chỉ dựa trên mức tăng lượng người dùng, đặc biệt khi đây là một hiện tượng lan rộng hầu như nhờ người dùng tự truyền miệng. Trớ trêu thay, khi các công ty càng phát triển vượt ra ngoài các hiệu ứng tự thân kể trên, thay thế chúng bằng các Twitter bot (phần mềm tự động điều khiển tài khoản Twitter thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) của Twitter), các đối tượng mua quảng cáo và những người có ảnh hưởng, họ phải đối mặt và cọ xát với thị trường nhiều hơn. Năm 2018, Facebook phải đối mặt với những thách thức thực sự đầu tiên. Giải pháp không phải sự tăng trưởng, mà là sự chính trực của toàn thể công ty.
Tác giả Dante Disparte là nhà sáng lập và CEO của Risk Cooperative và đồng tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Global risk agility" (Nhanh nhẹn trước rủi ro toàn cầu).
Dante Disparte
Nguồn Forbes Vietnam