Content marketing thời 4.0: Không chỉ dành cho "đại gia"
Sự phát triển của internet cùng các nền tảng công nghệ đã làm thay đổi bản chất của thị trường, dẫn đến doanh nghiệp (DN) phải thích nghi với những cách tiếp cận khách hàng hoàn toàn mới và một trong số đó là tiếp thị nội dung (content marketing).
Content marketing là tập hợp các hoạt động sáng tạo và phân phối nội dung có liên quan đến cuộc sống của khách hàng, nhằm hướng họ vào các hoạt động mang lại lợi ích cho DN. Trong nhiều năm qua, các thương hiệu và cá nhân đã sử dụng content marketing để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ.
Các thương hiệu lớn đã mạnh tay chi cho hình thức tiếp thị này, chẳng hạn như Amazon từng chi đến 40 tỷ USD, Apple từng bỏ ra 10 tỷ USD. Ngay cả các công ty truyền thông cũng lấy hoạt động sản xuất nội dung làm nghiệp vụ chủ đạo, điển hình HBO mỗi năm chi ra khoảng 20 tỷ USD để sản xuất nội dung...
Trong bối cảnh đó, liệu doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), với năng lực hạn chế cả về tài chính lẫn nhân sự, có thể tham gia "sân chơi" này hay không? Câu trả lời là "có”. Tại hội thảo tương tác Coffee talk "Content marketing giúp gì cho SME?" do Báo Doanh Nhân Sài Gòn Online phối hợp với Viện Quản lý Kinh doanh Quốc tế (IBM) tổ chức vào chiều 26/7/2018, chuyên gia marketing Lý Thái Bảo - Giám đốc Điều hành của An PR, Giám đốc Tiếp thị Dự án của Brainmark Consulting Group, giảng viên của Học viện Quốc tế BMG đã có những chia sẻ thiết thực về vấn đề này.
Đặc trưng của content marketing hiện đại
Theo ông Bảo, xu hướng của content marketing hiện đại là lấy con người làm trọng tâm. Do đó, người làm marketing (marketer) phải nhân cách hóa thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ để chúng có những tính cách tương tự con người. "Chỉ khi bạn nhắm mắt và nêu được ba tính từ miêu tả con người gắn liền với thương hiệu của bạn, bạn mới triển khai chiến dịch marketing được", ông Bảo nói.
Vì lấy con người làm trọng tâm, nên content marketing trong thời đại số chú trọng việc tương tác giữa DN và khách hàng. Với content marketing truyền thống, nội dung chỉ đi một chiều, từ DN đến khách hàng. Còn trong content marketing hiện đại, sự tương tác nằm ở cả hai phía.
Ngoài ra, theo Marketing 4.0: Moving from traditional to digital - tác phẩm của "cha đẻ marketing hiện đại" Philip Kotler, content marketing ngày nay giống như cách kể chuyện để thu hút khách hàng. Vai trò của nó là làm sao tối ưu hóa được sự tò mò của khách hàng nhằm đưa họ từ giai đoạn bị thu hút đến giai đoạn tìm hiểu.
Nghĩa là marketer phải kể câu chuyện sao cho thật hay để khách hàng quan tâm tìm hiểu và tranh luận chứ không phải chỉ đưa ra những thông tin quảng bá, khuyến mãi. Khi tạo ra được câu chuyện càng khiến nhiều người tò mò, tranh luận và tương tác với nhau, thì lượng tiếp cận cũng như mức độ thành công của chiến dịch marketing của DN càng lớn.
Vai trò của content marketing là làm sao tối ưu hóa được sự tò mò của khách hàng nhằm đưa họ từ giai đoạn bị thu hút đến giai đoạn tìm hiểu.
Một ví dụ điển hình là trường hợp của Bitis Hunter. Với video "Đi để trở về 2", Bitis Hunter đã đánh trúng tâm lý của nhiều người vào dịp đầu năm và tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người có tầm ảnh hưởng cũng như các KOL (key opinion leader) trên mạng xã hội về chủ đề nên đi du lịch hay sum họp gia đình vào dịp Tết cổ truyền. Kết quả là video này đứng đầu bảng xếp hạng YouTube Trending tới 18 ngày và đạt 38 triệu lượt xem chỉ trong một tháng. Nhờ đó góp phần giúp doanh số của Bitis tăng 250% so với Tết 2017, vượt 60% so với mục tiêu đặt ra.
Lợi ích của content marketing
Bên cạnh lợi ích lớn nhất là giúp thúc đẩy doanh số, content marketing còn là công cụ giúp tăng lượng người dùng truy cập website của DN. Ngày nay, khi khách hàng tiềm năng có vấn đề thắc mắc hoặc nhu cầu, họ thường tìm kiếm giải pháp thông qua các công cụ như Google.
Khi thông tin về thương hiệu được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm, bất luận là thông tin hướng dẫn hay giải trí, khách hàng cũng sẽ tìm đến trang web của công ty. Lúc đó, với những nội dung chất lượng, SME có thể giữ chân người dùng lâu hơn trên website, giúp nâng cao lượng truy cập và khách hàng tiềm năng có thể sẽ quay lại truy cập trong tương lai để tìm những thông tin, giải pháp khác.
Ông Bảo cho biết, theo khảo sát của Forrester Research, Search Engine Journal và BrightEdge, 93% trải nghiệm trực tuyến đến từ việc tìm kiếm, 75% người dùng không nhấp chuột sang trang tìm kiếm thứ 2, và có 51% lượt truy cập vào các trang nội dung đến từ việc tìm kiếm có chủ đích. Do đó, nếu muốn tiếp cận khách hàng, SME cần thiết phải sử dụng content marketing.
Content marketing cũng giúp SME xây dựng thương hiệu. Khi SME cung cấp thông tin có giá trị cho khách hàng, họ sẽ tích cực tương tác và lan truyền thông tin đó. SME càng xây dựng hình ảnh DN mình như là nơi có sự hướng dẫn tốt trong lĩnh vực mình kinh doanh, thì càng có nhiều cơ hội được khách hàng xem như một chuyên gia, một nguồn thông tin đáng tin cậy.
Đặc biệt khi SME cung cấp cho khách hàng tiềm năng nội dung chất lượng cao, họ sẽ nhớ về thương hiệu mỗi khi có vấn đề cần giải đáp và từ đó thương hiệu của SME được lan truyền, có cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng khác.
93% trải nghiệm trực tuyến đến từ việc tìm kiếm, 75% người dùng không nhấp chuột sang trang tìm kiếm thứ 2, và có 51% lượt truy cập vào các trang nội dung đến từ việc tìm kiếm có chủ đích.
Thách thức với SME khi đầu tư vào content marketing
Tài chính thường là rào cản đầu tiên khiến SME bỏ qua hình thức tiếp thị hiệu quả này. Không phủ nhận thực trạng các thương hiệu toàn cầu đã tốn kém rất nhiều cho các chiến dịch content marketing, nhưng ông Lý Thái Bảo cũng trấn an các SME rằng với ngân sách hạn hẹp, SME vẫn có thể sử dụng phương pháp marketing này và đạt hiệu quả cao.
Lời khuyên chuyên gia marketing đưa ra cho SME là không nhất thiết phải thuê ngoài để viết nội dung khi chưa đủ tiềm lực tài chính. Ông Bảo nói: "Đối với SME, nếu nhân viên chuyên trách chưa có kinh nghiệm, hãy giao nhiệm vụ và khuyến khích họ tìm hiểu cũng như thực tập viết nội dung, hãy đặt KPI kèm theo phần thưởng nếu họ hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhưng ông Bảo cũng nhấn mạnh, trước tất cả, DN phải xác định bằng được khách hàng mục tiêu của mình là ai? Họ có những khao khát hay bức bối gì? Quan trọng hơn, SME cần xác định điểm chung giữa thương hiệu của mình và khách hàng tiềm năng.
Bởi vì không phải tất cả những người có tiền đều có thể trở thành khách hàng và đối tượng mà chiến dịch content marketing của SME hướng tới. Nếu không vẽ được chân dung khách hàng, DN có thể đưa ra nội dung hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, còn nếu chỉ có một nội dung sử dụng cho tất cả, SME sẽ mất rất nhiều cơ hội.
Khởi Vũ
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn