Vay tiêu dùng: Thị trường tiềm năng và sẽ bứt phá
Mặc dù được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng hoạt động vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước Châu Á, dư địa phát triển còn nhiều.
Dịch vụ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh do nhu cầu chi tiêu của người dân ngày càng cao và những tiện ích của dịch vụ này mang lại.
Với dịch vụ này, người tiêu dùng chỉ cần trả trước một phần tiền mua hàng, phần còn thiếu sẽ được ngân hàng hoặc tổ chức tài chính thanh toán. Thủ tục cho vay của các công ty tài chính lại khá đơn giản, người tiêu dùng chỉ cần trình chứng minh nhân dân, không cần thế chấp là có thể vay tiền để sở hữu món hàng cho riêng mình.
Theo dự báo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh, ước tính từ mức 646.000 tỷ đồng trong năm 2016, sẽ tiến tới mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm.
Với những tín hiệu khả quan của thị trường cho vay tiêu dùng, chuyên gia kinh tế-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đang là hướng đi hợp lý của ngành ngân hàng. Bởi lẽ tín dụng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế tại Việt Nam cũng như trên thế giới, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng của người dân, giảm nguy cơ tín dụng đen và kích cầu tiêu dùng.
Với hơn 90 triệu dân, trong đó phần lớn là dân số trẻ, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng. Theo dự báo của các chuyên gia tài chính, dân số Việt Nam tiếp tục tăng và đạt tới 100 triệu người vào năm 2025, dư địa này hết sức thuận lợi cho kênh tài chính tiêu dùng bứt phá và khởi sắc. Bên cạnh đó, với nền kinh tế có tốc độ phát triển tương đối tốt ở khu vực Đông Nam Á cùng tình hình an ninh, chính trị ổn định, sẽ là những yếu tố “vàng” để các nhà đầu tư tài chính đến với Việt Nam ngày một nhiều hơn.
Mặc dù gần đây xảy ra một số vụ tranh chấp khiếu kiện trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, song theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, không thể phủ nhận được lợi ích mà các công ty tài chính đem lại cho người dân như, tiếp cận được nguồn vốn nhanh, hợp pháp và đặc biệt góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường tín dụng, đẩy lùi tín dụng đen. Do đó, để khai thác tốt thị trường cho vay tiêu dùng, tăng sự tín nhiệm của người dân thì sự minh bạch chính là biện pháp tốt nhất.
Còn TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV thì cho rằng, để phát triển bền vững thị trường tài chính tiêu dùng, cần có rất nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ: “Cần phải thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội đối với cho vay tiêu dùng; cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức cũng như vai trò của cho vay tiêu dùng. Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện cũng như là giáo dục tài chính, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng”.
Chung Thủy
Nguồn VOV