VinFast đã chạy thử xe máy điện

"Chúng tôi đã hoàn thành trước hạn nhà máy sản xuất xe máy điện. Thứ Sáu vừa rồi tôi đã chạy thử xe máy điện và hài lòng", ông Võ Quang Huệ, phó tổng giám đốc tập đoàn Vingroup, nói trong Diễn đàn Kinh doanh 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức hôm 26.7.

Ông Võ Quang Huệ, người phụ trách dự án VinFast, cho biết phần xây dựng của toàn bộ nhà máy sản xuất xe máy, ô tô sẽ hoàn thành trước thời hạn.

Vingroup đang có những bước đi mạnh mẽ và quyết liệt để gia nhập vào ngành sản xuất ô tô, xe máy. Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy của VinFast bắt đầu khởi công từ tháng 9 năm ngoái tại Hải Phòng.

Nói tại Diễn đàn kinh doanh 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức, ông Huệ cho biết Vingroup quyết tâm đầu tư mạnh mẽ và quyết liệt nhằm góp phần thay đổi ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam.

"Khi ông Phạm Nhật Vượng mời gặp lần đầu tiên, tôi quyết định rời Bosch về Vingroup gia nhập dự án", ông Huệ nói. Ông Võ Quang Huệ từng có nhiều năm nắm giữ vị trí tổng giám đốc Bosch Việt Nam và có hơn 24 năm kinh nghiệm làm việc cho tập đoàn BMW.

VinFast đã chạy thử xe máy điện

Ông Võ Quang Huệ là người phụ trách dự án sản xuất ô tô, xe máy VinFast. Ông Huệ từng có hàng chục năm làm việc cho hai tập đoàn ô tô lớn trên toàn cầu BMW và Bosch. Ảnh: Forbes Việt Nam.

"Bạn biết trong ô tô cái gì khó sản xuất nhất không? Đó là động cơ. Tôi tốt nghiệp ngành này và đam mê lắm. Nên khi có một lời đề nghị như vậy tôi ủng hộ rất mãnh liệt", ông Huệ nói trong phiên thảo luận xoay quay những cơ hội và thách thức trong ngành sản xuất Việt Nam.

Trong gần một năm qua kể từ khi khởi công xây dựng nhà máy, VinFast đã bắt tay với nhiều đối tác quốc tế như BMW, Magna Steyr, AVL, Pininfarina, EDAG, Bosch, Siemens… để hợp tác phát triển mảng sản xuất ô tô, xe máy.

Cuối tháng Sáu, công ty nhận chuyển nhượng hoạt động của hãng sản xuất ô tô General Motors (GM) tại thị trường Việt Nam. Thỏa thuận này giúp VinFast tiếp nhận hệ thống đại lý uỷ quyền hiện tại thương hiệu Chevrolet của GM và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.

VinFast cũng nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy General Motors tại Hà Nội và triển khai đầu tư để tăng năng lực sản xuất dòng xe ô tô cỡ nhỏ mới được VinFast mua bản quyền từ hãng sản xuất xe này.

VinFast đã chạy thử xe máy điện

Các diễn giả đang bàn luận về những cơ hội và thách thức của ngành sản xuất Việt Nam tại Diễn đàn kinh doanh 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức hôm 26.7. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Công ty đang hướng tới xây dựng một hệ sinh thái sản xuất ô tô, bao gồm các nhà máy lắp ráp, nhà cung cấp và đại lý địa phương, cùng một chuỗi các ngành công nghiệp phụ trợ.

Để phát triển công nghiệp phụ trợ thì quy mô của ngành sản xuất phải đủ lớn. Bài toán mà VinFast giải là đầu tư sản xuất xe số lượng lớn để thu hút các doanh nghiệp phụ trợ với mục tiêu đạt tỉ lệ nội địa hóa 50%, theo lời ông Võ Quang Huệ. Không nói rõ thời điểm đạt được mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa, với những nỗ lực hiện tại, ông Huệ tin tưởng sẽ sớm đạt được điều này.

Không chỉ công nghiệp phụ trợ, VinFast sẽ tự đầu tư một số nhà máy, hoặc liên doanh với đối tác và mở xưởng cho công ty thuê sản xuất lại cho VinFast.

Ngành sản xuất cũng như kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Nhiều người nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau. "Đây là giai đoạn thử thách, chúng ta phải vượt qua, nếu không vượt qua sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa", ông Huệ nói.

Trường Bùi
Nguồn Forbes Vietnam