Google đang lặng lẽ phát triển hệ điều hành kế nhiệm Android

Google muốn tạo ra một hệ điều hành duy nhất có khả năng điều khiển mọi thiết bị trong nhà, ví dụ như điện thoại thông minh Pixel, loa thông minh.

Kế hoạch bí mật

Trong hơn hai năm qua, một nhóm nhỏ các kĩ sư của Google đã bí mật phát triển một phần mềm mà họ hy vọng sẽ có thể thay thế Android, hệ điều hành cho thiết bị di động được sử dụng nhiều nhất hiện nay.

Dự án này được biết dưới tên Fuchsia, được xây dựng mới hoàn toàn nhằm giải quyết các hạn chế của hệ điều hành Android khi hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị cá nhân và các loại thiết bị khác. Nó được thiết kế để thích nghi tốt hơn với công nghệ giao tiếp bằng giọng nói, các gói cập nhật bảo mật thường xuyên và có giao diện như nhau trên các loại thiết bị, từ laptop cho đến các cảm biến có kết nối internet.

Đây là những gì đã được biết về Fuchsia: Google đã âm thầm đăng các đoạn mã lên Internet vào năm 2016, và công ty này đã cho phép các nhà phát triển ứng dụng độc lập “vọc” với một phần của các câu lệnh mã nguồn mở này. Google cũng đã bắt đầu thử nghiệm với các ứng dụng cho hệ thống này, ví dụ như màn hình tương tác và ra lệnh bằng giọng nói cho YouTube.

Fuchsia

Ảnh: AndroidCentral.

Thế nhưng các thành viên của đội ngũ phát triển Fuchsia đã thảo luận về một kế hoạch lớn hơn: Tạo ra một hệ điều hành duy nhất có khả năng điều khiển mọi thiết bị trong nhà, ví dụ như điện thoại thông minh Pixel, loa thông minh và các thiết bị của bên thứ ba sản xuất hiện đang chạy trên hệ điều hành Android và ChromeOS.

Theo một người trong cuộc cho biết, các kĩ sư đã nói họ muốn trong vòng 3 năm tới sẽ tích hợp hệ điều hành Fuchsia vào các thiết bị gia đình có kết nối mạng, ví dụ như các bộ loa điều khiển bằng giọng nói, sau đó sẽ tiến tới các thiết bị lớn hơn, ví dụ như laptop.

Thế nhưng nhóm phát triển cũng cho biết thêm là hiện ông Sundar Pichai và phó giám đốc điều hành phụ trách Android và ChromeOS, ông Hiroshi Lockheimer, vẫn chưa có kết luận nào về phương hướng phát triển của Fuchsia. Ban điều hành công ty phải xem xét rất kĩ lưỡng bất kì kế hoạch nào nhằm đại tu Android, vì hệ điều hành này hiện đang hỗ trợ hàng chục đối tác phần cứng, hàng ngàn nhà phát triển ứng dụng và hàng tỷ USD tiền quảng cáo trên di động.

Hôm thứ Tư 18/7 vừa qua, Liên minh châu Âu EU đã ra mức án phạt chống độc quyền kỉ lục 5 tỷ USD đối với Goolgle vì công ty này đã lợi dụng hệ điều hành để phổ biến các dịch vụ khác của mình. Bên trong Goolge, Fuchsia cũng đã gặp các tranh cãi nội bộ về việc nó sẽ được thiết kế và triển khai như thế nào, đặc biệt là khi liên quan đến các vấn đề về quyền riêng tư.

Tuy nhiên, Fuchsia không đơn giản chỉ là một dự án độc lập nho nhỏ. Trong nội bộ công ty, ông Pichai đã từng phát biểu ủng hộ dự án, một nguồn tin cho biết. Dự án Fuchsia giờ đã có hơn 100 thành viên, bao gồm cả các nhân viên phát triển phần mềm được kính trọng như Martias Duarte, giám đốc thiết kế đã dẫn đầu một số dự án tiên phong tại Google và những nơi khác.

Google đang lặng lẽ phát triển hệ điều hành kế nhiệm Android

Ông Sundar Pichai, CEO Google. Ảnh: Recode.

Tham vọng của Google

Dự án ​​này tập trung vào việc cạnh tranh tốt hơn với đối thủ chính của Google trong lĩnh vực điện thoại thông minh, nhà sản xuất iPhone, Apple. Tuy Android chiếm tới 85% thị phần, đè bẹp mức 15% của Apple, nhưng hệ điều hành iOS của Apple lại vượt trội trong các lĩnh vực như hiệu năng, quyền riêng tư và bảo mật, cộng với khả năng tích hợp trên tất cả các thiết bị của Apple.

“Chuyển khỏi Android có thể cung cấp cho Google cơ hội làm lại từ đầu để xóa bỏ mọi sai lầm mà họ tin rằng họ đã mắc phải trong 10 năm qua”, Jeffrey Grossman, nhà đồng sáng lập ứng dụng tin nhắn Confide cho biết.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Fuchsia sẽ tích hợp các biện pháp bảo mật chặt chẽ hơn nữa. Trong các đoạn mã được đăng lên mạng, các kĩ sư đã đưa các khóa cá nhân được mã hóa vào trong hệ thống – một công cụ bảo mật đảm bảo thông tin được bảo vệ mỗi khi hệ thống được cập nhật. Họ cũng tuyển dụng các chuyên gia bảo mật.

Ở thời điểm hiện tại, Android không được xây dựng để hỗ trợ các ứng dụng dựa trên giọng nói mà Google xem là tương lai của công nghệ tính toán, vì khi Android được phát triển thì điện thoại mới chỉ bước đầu sử dụng màn hình cảm ứng. Do đó, Fuchsia được phát triển với trọng tâm là tương tác bằng giọng nói. Thiết kế cũng linh hoạt hơn để có thể thích hợp với nhiều kích cỡ màn hình, đây là một nỗ lực để phục vụ cho các sản phẩm mới mà Google đang muốn đưa phần mềm của mình vào, ví dụ như TV, xe và tủ lạnh.

Dù Fuchsia được thừa hưởng nhiều công nghệ và hỗ trợ, Google vẫn chưa tiết lộ một ứng dụng thực tế nào của phần mềm này. Một số nhà phát triển đã thử nghiệm với hệ điều hành này, nhưng chưa ai dùng nó làm nền tảng để chạy ứng dụng hay dịch vụ trên một thiết bị thương mại phổ biến. Một đoạn mã được đăng trên website của các nhà phát triển ứng dụng trên Goolge cho thấy có thể có ứng dụng cho YouTube đang được phát triển, nhưng hiện chưa có dịch vụ chính thức nào của Goolge chạy trên hệ thống.

Google đang lặng lẽ phát triển hệ điều hành kế nhiệm Android

Ảnh: SQL Server Pro.

Goolge cũng sẽ phải giải quyết các tranh cãi nội bộ. Một số nguyên tắc của các nhà phát triển Fuchsia đi ngược lại với mô hình kinh doanh của Google. Dịch vụ quảng cáo của Goolge dựa trên khả năng nhắm đến khách hàng khi biết được vị trí và hoạt động của họ, nhưng những chức năng bảo mật mới của Fuchsia nếu đi vào hoạt động sẽ làm tổn thất mảng kinh doanh quan trọng này.

Từ bỏ Android và ChromeOS cũng có thể đem lại các nguy cơ khác cho Google. Một đội ngũ lớn các nhà phát triển và sản xuất phần cứng như Samsung, Huawei và LG phải dựa vào hệ điều hành này.

Một nguy cơ khác đến từ nền tảng của hệ điều hành mới. Android và ChromeOS được xây dựng dựa trên Linux. “Nhân Linux” là cốt lõi của các hệ điều hành hiện nay của Goolge, phụ trách truyền nhận các lệnh giữa phần cứng và phần mềm của điện thoại thông minh và các thiết bị khác. Fuchsia lại dùng một nhân điều hành khác gọi là Zircon, nhân này sẽ bỏ qua nhiều công nghệ cũ của Linux. Điều này sẽ khiến một số thiết bị hiện có trên thị trường trở nên không tương thích.

Nhưng từ bỏ Linux cũng đem lại một số lợi ích cho Goolge. Sử dụng một nhân hệ điều hành mới sẽ đem lại cho Google một nền tảng mới hoàn toàn, từ đó phát triển một hệ thống có tốc độ cao hơn, không cần dùng đến những công nghệ lạc hậu đã được dùng vào nhiều hệ điều hành khác nhau trong hàng chục năm qua.

Thay thế Android bây giờ cũng sẽ khiến Google không cần dùng đến các phần mềm của tập đoàn Oracle, vốn đã kiện Goolge vào năm 2010 vì các cáo buộc vi phạm bằng sáng chế liên quan đến các phần mềm chủ đạo như Java. Một lợi ích khác của Fuchsia: dự án có thể đem lại một thách thức công nghệ cho các hacker lâu năm chuyên về mã nguồn mở của công ty.

Mạnh Đức / Bloomberg
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư