Thôn tính thị trường bán lẻ
Thị phần bán lẻ sẽ thuộc về những đơn vị có tiềm lực và chiến lược dài hơi, trong đó doanh nghiệp ngoại đang ngày càng chiếm ưu thế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt trên 2.342.000 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2011. Tháng 1-2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 209.500 tỉ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tăng trưởng và đầy sức hút. Tuy nhiên, lợi thế đang nghiêng mạnh về các nhà bán lẻ ngoại.
Liên tục bành trướng
Hiện trên cả nước có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi. Trong số các doanh nghiệp (DN) bán lẻ lớn trên thị trường, có đến 21 DN 100% vốn nước ngoài, một số DN liên doanh và các DN này đang tích cực phát triển hệ thống. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nội tuy nhiều nhưng chỉ một số ít xây dựng được chuỗi hệ thống và tạo dấu ấn riêng, còn rất nhiều DN hoạt động không hiệu quả đang dần phải co cụm lại.
Có mặt tại Việt Nam từ những năm 2000, các “đại gia” như Metro Cash & Carry (Đức), Casino (Pháp), Lion Group (Malaysia)… đã rất thành công với những thương hiệu Metro Cash & Carry, BigC, Parkson... Các tập đoàn này vẫn âm thầm mở rộng hệ thống với tốc độ ít nhất thêm 2-3 trung tâm/năm. Hiện BigC đã có 18 siêu thị, Metro có 19 siêu thị tại TPHCM và một số tỉnh, thành khác.
Gần đây, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã mua lại hết cổ phần của Công ty Minh Vân, trở thành DN 100% vốn nước ngoài (Minh Vân là đối tác liên doanh của Lotte khi vào Việt Nam). Tính từ thời điểm gia nhập thị trường (cuối năm 2008), đến nay, Lotte đã mở 4 trung tâm thương mại và đặt mục tiêu mở 30 trung tâm thương mại trong 10 năm tới. Tập đoàn Circle K (Mỹ) sau 2 năm hoạt động cũng đã có trên 20 cửa hàng tiện ích.
Các nhà bán lẻ trong nước lo ngại đến năm 2015, Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, sẽ có thêm nhiều nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam và nhà bán lẻ nội địa càng yếu thế.
Đó là chưa kể những đơn vị khác như Zen Plaza, Family Mart, Ministop (Nhật), Diamond Plaza (Hàn Quốc), Dairy Farm (Hồng Kông)… cũng không ngừng phát triển mạng lưới, dịch vụ để củng cố và tăng thị phần. Đầu tháng 1, Starbucks - thương hiệu đồ uống số 1 tại Mỹ - đã mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM. McDonald’s cũng cho biết năm 2013 này sẽ có mặt tại TPHCM và tiếp tục đầu tư 6 cửa hàng nữa...
Mặc dù năm 2012, Việt Nam rớt khỏi 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhưng sức hút của thị trường bán lẻ hơn 90 triệu dân đối với các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn không suy giảm. Những “ông lớn” như Tesco (Anh), Wall – Mart (Mỹ), FairPrice (Singapore) vẫn đang trong quá trình thăm dò và tìm kiếm đối tác liên doanh để vào Việt Nam. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Emart đã thông báo sẽ mở siêu thị bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam trong năm 2013.
Lấn át cả chợ và siêu thị nội
Không chỉ mở rộng hệ thống, các nhà bán lẻ ngoại còn nhanh nhạy bắt nhịp nhu cầu thị trường, tham gia nhiều mô hình kinh doanh để tiếp cận ngày càng sâu với mọi đối tượng khách hàng.
Sau New Chợ, BigC tiếp tục khai trương các cửa hàng C Expess. So với New Chợ, C Express mang nhiều dáng dấp của BigC hơn: bày bán các sản phẩm hàng nhãn riêng thương hiệu “Wow! Giá hấp dẫn” và các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì gói, nước giải khát, rau củ, thịt cá các loại… Đặc biệt, các cửa hàng này có diện tích chỉ khoảng 100 m2, sát vách nhà dân và gần chợ truyền thống để cạnh tranh về giá với chợ truyền thống.
Mặc dù không có kế hoạch truyền thông cho C Express nhưng chỉ mới 3-4 tháng triển khai, đã có 5 cửa hàng C Express ra đời. Đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng nên DN ngoại này không giấu giếm kế hoạch nhân rộng sự hiện diện trên thị trường.
Metro Cash & Carry sau nhiều năm bán buôn cũng đã âm thầm chuyển sang bán lẻ (mặc dù trong giấy phép kinh doanh, đơn vị này đăng ký bán buôn). Người tiêu dùng không có thẻ và ngay cả trẻ em cũng được vào siêu thị này mua sắm chỉ vài món hàng. Đặc biệt, vị trí của Metro cũng ở gần khu dân cư, điều này gây khó khăn cho các siêu thị của các DN trong nước đang kinh doanh gần đó...
Lãnh đạo một DN bán lẻ trong nước nhận xét: Với lợi thế mặt bằng rộng, chủng loại hàng phong phú, chính sách giá tốt, nhiều siêu thị ngoại đã hoàn toàn lấn át các siêu thị nội trong phạm vi bán kính gần. Các nhà bán lẻ trong nước lo ngại đến năm 2015, Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, sẽ có thêm nhiều nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam và nhà bán lẻ nội địa càng yếu thế.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho biết trong bối cảnh sức mua yếu, lãi suất vay vốn cao, giá đất cao là những yếu tố khách quan gây trở ngại cho các DN bán lẻ nội địa phát triển, mở rộng mạng lưới. Đồng thời, do nhu cầu tăng nguồn thu ngân sách, Nhà nước có xu hướng giao đất cho DN cũng tăng thêm áp lực cho DN bán lẻ bởi không có nhiều DN bán lẻ nội đủ tiềm lực tài chính để vừa có đủ vốn tổ chức kinh doanh vừa phải chuẩn bị số tiền lớn để đầu tư cho mặt bằng. Trong khi đó, các nhà bán lẻ ngoại đều có tiềm lực tài chính mạnh, lại được vay vốn giá rẻ tại nước sở tại... nên họ có rất nhiều lợi thế để mở rộng mạng lưới, giảm giá để thu hút khách.