Mỹ phẩm “nhường” sân chơi cho thương hiệu ngoại?

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá đang có mức tăng trưởng nhanh, nhưng chủ yếu là của các thương hiệu ngoại nhập, còn các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước rất chật vật chen chân trong thị trường hàng tỉ đô la Mỹ này.

Thị trường tăng trưởng nhanh

Theo các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, thị trường mỹ phẩm đang tăng trưởng mạnh hơn những gì họ dự báo và thu thập trước đó. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ phẩm, Hương liệu và Tinh dầu Việt Nam, cho biết thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng rất lớn với mức tăng trưởng hai con số trong nhiều năm liên tục, và trong năm 2016 đã đạt doanh thu khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ, một kết quả mà trước đây hiệp hội này dự báo phải đến năm 2020 mới đạt được.

Mặc dù vậy, theo ông Minh, hàng nhập khẩu hầu như chiếm lĩnh thị trường, còn sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và chủ yếu ở phân khúc hàng thấp cấp, bình dân.

Điều này cũng được chứng minh qua kim ngạch xuất nhập khẩu mặt hàng mỹ phẩm trong năm 2017 với con số gần 6 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp đôi so với năm 2016. Nhưng trong số đó, theo ông Minh, nhập khẩu đã lên đến gần 5,5 tỉ đô la; Việt Nam chỉ xuất khẩu đạt khoảng 500 triệu đô la.

“Việt Nam là một thị trường mới nổi về tiêu thụ sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân, với mức tăng trưởng hàng năm dự tính khoảng 30% trong những năm qua, và kết quả nhập khẩu trong năm 2017 cho thấy thực tế tiêu thụ của thị trường trong nước về mặt hàng này tăng trưởng cao hơn nhiều”, ông Minh nhận định.

Mỹ phẩm “nhường” sân chơi cho thương hiệu ngoại?

Thị trường mỹ phẩm hiện đang tăng trưởng mạnh hơn những gì doanh nghiệp dự báo và thu thập trước đó. Ảnh: Quốc Hùng.

Với dự báo thị trường mỹ phẩm còn nhiều tiềm năng để phát triển, các nhà phân phối đang có những kế hoạch tiếp tục mở rộng hệ thống kinh doanh. Đại diện chuỗi cửa hàng Medicare chuyên bán sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp cho biết hiện đã mở được hơn 70 điểm bán và thương hiệu này đặt mục tiêu sẽ phát triển đạt 100 điểm bán vào cuối năm nay. Medicare cũng cho biết sẽ tăng gấp đôi số lượng cửa hàng trong vài năm tới.

Nhận xét về xu hướng tiêu dùng mỹ phẩm tại Việt Nam, đại diện Medicare cho rằng dòng mỹ phẩm tự nhiên sẽ chiếm ưu thế tiêu dùng trong thời gian tới và mỹ phẩm nhập khẩu có cơ hội mở rộng thị phần hơn mỹ phẩm nội địa.

Trong hai năm gần đây, nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài đã sang Việt Nam khảo sát thị trường, tìm nhà nhập khẩu, mở đại lý và cửa hàng, trong đó đáng chú ý là các thương hiệu đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại triển lãm quốc tế về mỹ phẩm và làm đẹp khu vực Mêkông 2018 (Mekong Beauty Show 2018) vừa diễn ra vào giữa tháng 6 ở TPHCM, có đến 110 doanh nghiệp trong lĩnh vực mỹ phẩm và làm đẹp của Hàn Quốc tham dự để tìm nhà nhập khẩu và cơ hội kinh doanh ở thị trường Việt Nam. Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc với 400 nhãn hiệu sản phẩm đã tập trung tại khu vực K-Beauty trong cuộc triển lãm này.

Ông Dominic Oh, Tổng giám đốc Kintex, một doanh nghiệp của Hàn Quốc tham gia tổ chức triển lãm nói trên, cho biết Việt Nam đang được xem là một trong những thị trường quan trọng nhất của doanh nghiệp mỹ phẩm và làm đẹp Hàn Quốc. Doanh nghiệp xứ kim chi nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, người trẻ dưới 35 tuổi chiếm trên 60% dân số. Đáng chú ý là giới trẻ Việt Nam ngày càng có nhu cầu sử dụng mỹ phẩm và xu hướng làm đẹp theo kiểu Hàn Quốc.

Việt Nam là một thị trường mới nổi về tiêu thụ sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân, với mức tăng trưởng hàng năm dự tính khoảng 30%.

Không chỉ doanh nghiệp Hàn Quốc, theo Ban tổ chức, Mekong Beauty Show 2018 còn thu hút các doanh nghiệp của Ý, Nga, Malaysia, cùng với Thái Lan lần đầu đăng ký tham gia, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường mỹ phẩm Việt Nam.

Thương hiệu Việt ở đâu?

Theo Hiệp hội Mỹ phẩm, Hương liệu và Tinh dầu Việt Nam, so với một số nước trong khu vực châu Á như Thái Lan hay Hàn Quốc, số tiền chi cho mỹ phẩm của người Việt vẫn chưa nhiều. Nhưng khi điều kiện kinh tế khá lên, mức chi cho nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của người dân sẽ tăng theo. Do đó, dự báo thị trường mỹ phẩm Việt Nam sẽ còn tiếp tục lớn.

Còn theo các công ty nghiên cứu thị trường, mức chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam dành cho mỹ phẩm hiện thấp hơn 4-5 lần so với các nước khác trong khu vực; tầng lớp trung lưu là những đối tượng có nhu cầu làm đẹp cao đang tăng nhanh và dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên đến 33 triệu người vào năm 2020, sẽ là những khách hàng tiềm năng của thị trường.

Trong khi thị trường có quy mô hàng tỉ đô la và còn nhiều tiềm năng phát triển, nhưng sự hiện diện của doanh nghiệp trong nước trên thị trường khá mờ nhạt. Ngay cả thương hiệu có bề dày khoảng 40 năm như Mỹ phẩm Sài Gòn hiện nay được cho là mới chỉ tập trung ở dòng sản phẩm trung cấp. Theo ông Minh, một số hạn chế của các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước là thiếu sự quan tâm đầu tư bao bì, mẫu mã, đặc biệt là quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, một số nhãn hàng xác định thị trường trọng điểm là xuất khẩu nên không đầu tư nhiều ở thị trường nội địa. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng thiếu đầu tư mở rộng mạng lưới phân phối, do đó người tiêu dùng ít nhận biết sản phẩm, thương hiệu.

Theo những người trong ngành, xu hướng của thị trường hiện nay đang nghiêng về những mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên hay organic (hữu cơ), trong khi Việt Nam được đánh giá là có lợi thế rất lớn về nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất mỹ phẩm theo xu hướng này. Việt Nam đang sở hữu nguồn nguyên liệu thiên nhiên rất phong phú và đa dạng. Những loại nông sản như dừa, mũ trôm, nghệ, nha đam… có khả năng tạo ra những mỹ phẩm organic có giá trị gia tăng cao, giá thành thấp, là lợi thế rất lớn để cạnh tranh.

Mỹ phẩm “nhường” sân chơi cho thương hiệu ngoại?

Xu hướng của thị trường hiện nay đang nghiêng về những mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên hay organic (hữu cơ).

Ông Minh (Hiệp hội Mỹ phẩm) cho rằng Việt Nam có sẵn nguyên liệu nói trên để sản xuất mỹ phẩm organic, mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng doanh nghiệp trong nước hiện vẫn chưa tạo ra được dòng mỹ phẩm cao cấp. Số ít mỹ phẩm Việt Nam còn trụ được trên thị trường như Thorakao, Miss Sài Gòn… nhưng chỉ tập trung phân khúc trung bình và thấp và chiếm thị phần tiêu thụ nội địa khá nhỏ.

Đại diện của chuỗi cửa hàng Medicare cũng cho biết hầu hết các sản phẩm tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng này đều là hàng ngoại nhập hay của các thương hiệu nước ngoài được sản xuất tại Việt Nam. Theo nhà phân phối này, ngay cả khi Medicare muốn tìm doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm Việt Nam để gia công sản phẩm làm nhãn hàng riêng cho chuỗi cửa hàng cũng rất khó khăn vì không đạt yêu cầu về nhiều mặt.

Theo bà Claudia Bonfiglioli, Tổng giám đốc Information Beauty, Việt Nam không chỉ là thị trường tiềm năng về tiêu thụ mỹ phẩm mà còn hấp dẫn bởi có nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên dồi dào. Giới tiêu dùng trẻ hiện nay đang có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp hữu cơ và an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn và các định nghĩa về mỹ phẩm thiên nhiên, mỹ phẩm organic cùng các thành phần của chúng vẫn chưa được xác định, trong khi các doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nội địa nói riêng đã bắt đầu đầu tư cho những nghiên cứu để tạo ra dòng mỹ phẩm thiên nhiên.

Do vậy, theo ông Minh, doanh nghiệp trong nước cần nghiên cứu ứng dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất cũng như phát triển dòng sản phẩm tốt, thương hiệu uy tín, thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng, qua đó cạnh tranh và tăng thị phần.

Tuy nhiên, để có thể phát triển sản phẩm giá trị gia tăng cao đòi hỏi phải có vốn mạnh, có dây chuyền công nghệ hiện đại để chiết xuất tinh chất thiên nhiên từ nguồn nguyên liệu thô và tạo ra dòng sản phẩm cao cấp. Trong khi đó, theo giới phân tích, những hạn chế về quy mô sản xuất, công nghệ, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nội lại chưa thể cải thiện được ngay trong thời gian ngắn. Đây là một bài toán “đau đầu” đối với doanh nghiệp trong nước khi nhiều khả năng sẽ tiếp tục mất dần thị phần trong thị trường hàng tỉ đô la này.

Quốc Hùng
Nguồn The Saigon Times