Cỗ máy in tiền Cristiano Ronaldo

Thương vụ chuyển nhượng mới nhất đã đưa tổng giá trị chuyển nhượng của CR7 trong sự nghiệp đã lên đến 230 triệu Euro (theo trang Transfer market).

Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng Cristiano Ronaldo đã chính thức gia nhập Juventus với mức giá 100 triệu Euro cùng với mức lương 30 triệu Euro/mùa. Một thương vụ sặc mùi tiền và liên quan đến một trong những cầu thủ nổi danh nhất hiện nay. Thương vụ này cũng đã đưa tổng giá trị chuyển nhượng của CR7 trong sự nghiệp đã lên đến 230 triệu Euro (theo trang Transfer market).

Ai cũng có tiền

CR7 đã làm lợi cho tất cả, cho bản thân anh, câu lạc bộ và các nhà môi giới. Real chắc chắn là câu lạc bộ hưởng lợi nhiều nhất. Họ có tiền để tái đầu tư sau khi đã khai thác triệt để CR7 trong 9 năm đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của anh. Trong quãng thời gian đó, CR7 đã góp công lớn giúp Real đạt 4 chiếc cúp bạc Champions League cùng với 2 danh hiệu tại La Liga. Những thành công đó đã góp phần giúp giá trị của Real tăng mạnh trong khoảng 9 năm qua.

Theo như định giá của KPMG, giá trị của Real đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua, thời điểm Real bắt đầu gặp hái thành công tại Champions League, trong đó đóng góp của CR7 là không thể phủ nhận. Ngoài ra, giá trị của CR7 còn là ở việc thu hút tài trợ, bàn quyền truyền hình và bán áo đấu.

Cỗ máy in tiền Cristiano Ronaldo

Ảnh: CNBC.

Những năm tháng cạnh tranh với Lionel Messi đã giúp CR7 nâng tầm bản thân và là một hình mẫu vươn lên với mọi cầu thủ. Ronaldo không tài năng như Messi nhưng anh có sự khổ luyện và cuối cùng đã cân bằng số quả bóng vàng với Messi và hiện tại một số nhà phân tích bóng đá cho rằng CR7 đã có một sự nghiệp bóng đá thành công hơn Messi, dù rằng anh lớn hơn 2 tuổi và có lúc đã bị thiên tài người Argentina bỏ lại rất xa.

Câu chuyện về sự cạnh tranh giữa Messi và Ronaldo đã thu hút mọi sự chú ý của giới bóng đá và truyền thông trên toàn thế giới trong suốt 9 năm qua, cùng với sự kình địch giữa Real và Barcelona, đã làm lợi cho không chỉ cho hai câu lạc bộ lừng danh này, mà còn cho các giải đấu mà 2 câu lạc bộ này tham gia.

Không chỉ Real Madrid hưởng lợi mà những câu lạc bộ cũ của anh như Manchester United cũng kiếm được 3 triệu Euro, do quy định về đào tạo trẻ của FIFA. Sporting Lisbon kiếm được 2,25 triệu Euro, thậm chí là câu lạc bộ thời niên thiếu của anh là Nacional cũng được hưởng 250.000 Euro. Về phần siêu cò Jorge Mendes, trang tin IlBianconero báo cáo rằng sẽ kiếm được khoảng 20-25 triệu euro từ thương vụ béo bở này.

Vì sao một cầu thủ 33 tuổi có giá 110 triệu Euro? Có lẽ phân tích xu hướng phân tích dữ liệu sẽ giúp giải đáp một phần câu hỏi này. Như Phil Smith, một nhà môi giới từng là đại diện Gianfranco Zola, Andrey Arshavin và Harry Kane, chỉ ra: “Đó là một câu hỏi về cung và cầu, với các tác nhân có ít ảnh hưởng tổng thể. Cạnh tranh càng lớn, giá càng cao. Các nhà môi giới sẽ có gắng tạo ra càng nhiều sự quan tâm càng tốt với hy vọng tăng giá trị của cầu thủ, và do đó nâng phí môi giới của họ”.

Omar Chaudhuri, người đứng bộ phận điều tra bóng đá tại Công ty Tư vấn 21st Club, nói rằng hoạt động mua cầu thủ là một thủ tục gồm hai phần. Câu lạc bộ xác định họ cần cầu thủ nào và sau đó thực hiện theo quy trình thẩm định vì họ thường chỉ xem xét ba hoặc bốn cầu thủ phù hợp với yêu cầu của họ.

Chỉ vài ngày sau khi CR7 chính thức xác nhận thương vụ, Juventus đã bán được hơn 500.000 áo đấu, thu về hơn 50 triệu Euro, phân nửa số tiền bỏ ra để họ đưa về siêu sao người Bồ Đào Nha.

Chaudhuri chỉ ra rằng “đó là một thị trường lao động rất không bình thường, đặc biệt là ở nhóm cầu thủ hàng đầu, chỉ có một vài câu lạc bộ có thể chào mua những cầu thủ như Lionel Messi, Neymar”.

“Một trong những yếu tố quan trọng nhất là tuổi của cầu thủ, khi mà giá trị cầu thủ sẽ đạt đỉnh điểm khoảng 25 tuổi”, Chaudhuri nói. Điều đó giải thích vì sao Neymar (26 tuổi), Mbappe (19 tuổi) dẫn đầu bảng xếp hạng các cầu thủ có giá trị thị trường cao nhất thế giới là lượt là 180 và 160 triệu euro, theo Transfer Market. Ngoài ra, đó còn là khó khăn trong việc so sánh các màn trình diễn ở các giải đấu khác nhau. Điều này giúp các câu lạc bộ muốn mua cầu thủ đánh giá sức mạnh tương đối của các màn trình diễn của người chơi và được sử dụng cùng với các biện pháp khác như kinh nghiệm quốc tế, tình trạng thể lực và thậm chí là kỷ luật.

Dù vậy, quá trình định giá một cầu thủ vẫn là một sự kết hợp của dữ liệu cứng và mềm. Thống kê được sử dụng cùng với cái nhìn sâu sắc của người quản lý và nhân viên huấn luyện của đội bóng. Ngoài ra giá trị của người chơi sẽ thay đổi theo hoàn cảnh của câu lạc bộ mua.

Vì sao Juventus bạo chi?

Về mặt chuyên môn, Juventus cần một tiền đạo ngôi sao để giúp họ thỏa mãn cơn khát danh hiệu Champions League đã kéo dài 23 năm. Seria lại là một nơi tôn vinh các tiền đạo tuổi “băm”. Serie A là từng một giải đấu có một số mua phá lưới trên 30 tuổi, như Dario Hubner, Antonio Di Natale, Francesco Totti và nếu Pippo Inzaghi còn có thể ghi 2 bàn trong trận chung kết Champions League ở tuổi 35 thì có nhiều lý do gì để tin rằng CR7 với sự chuyên nghiệp đạt mức cao nhất trong thế giới bóng đá (CR7 thậm chí có cả huấn luyện viên giấc ngủ để giữ gìn thể chất) sẽ thành công.

Với tài năng của mình, CR7 rõ ràng là một mục tiêu thèm muốn với bất kỳ câu lạc bộ nào, nhưng đây là là Juventus, một câu lạc bộ Ý, với truyền thống bán đi nhiều hơn là mua vào, một câu lạc bộ mà giới chuyên môn coi là lọc lõi.

Câu trả lời là về giá trị kinh tế, chúng ta thấy rằng chỉ riêng tin đồn về việc CR7 gia nhập Juve thì cũng đã khiến giá trị của Bà đầm già thành Turin (biệt danh của Juventus) trên thị trường chứng khoán tăng thêm gần 200 triệu USD. Trong giai đoan từ ngày 29.6-5.7, cổ phiếu của Juventus đã tăng từ 0,67 Euro lên 0,82 euro, đẩy giá trị của CLB tăng từ 665 triệu Euro lên 825 triệu Euro.

Cỗ máy in tiền Cristiano Ronaldo

CR7 có hơn 130 triệu người theo dõi trên Instagram. Ảnh: Scroll.

CR7 có hơn 130 triệu người theo dõi trên Instagram so với con số chỉ hơn 10 triệu người theo dõi trên Instagram của Juventus. Nói như thế để thấy mức độ phổ biến của CR7. Chỉ vài ngày sau khi CR7 chính thức xác nhận thương vụ, Juventus đã bán được hơn 500.000 áo đấu, thu về hơn 50 triệu Euro, phân nửa số tiền bỏ ra để họ đưa về siêu sao người Bồ Đào Nha. Trong đó, Juventus thực tế chỉ nhận được 10-15% số tiền thu vể từ bán áo của CR7 (phần còn lại thuộc về Adidas).

Nhưng Juventus lại không phải là câu lạc bộ trả phần lớn tiền lương cho cầu thủ Bồ Đào Nha. Khoản lương khổng lồ của anh sẽ được chi trả một phần bởi Fiat, chủ sở hữu Juventus. Vậy vì sao Fiat lại làm điều này? Tất cả xuất phát từ logo Jeep hiện diễn trên áo đấu của Juventus, giới phân tích nhận định dòng xe do Fiat sản xuất này có thể nhận được một cú hích quảng cáo rất lớn.

Eric Small wood, Chủ tịch của Apex Marketing, nhận định, nếu CR7 có thể dẫn dắt Juventus đi đến những trận đấu cuối cùng của Champions League, giá trị tiếp thị mà Jeep nhận được sẽ đáng giá 58,3 triệu USD/mùa, cao hơn hẳn mức 20 triệu USD mà Fiat trả để hiện diện lên áo đấu của Juventus.

Trong năm 2018, Jeep, dòng xe hàng đầu của Fiat Chrysler, đặt mục tiêu bán tới 1,9 triệu chiếc trên toàn cầu, gấp đôi so với con số 730.000 chiếc 5 năm trước. Chris Chaney, Phó chủ tịch của Công ty Tư vấn Strategic Vision cho hay, Ronaldo có thể giúp Jeep đạt mức doanh số bán 3,3 triệu xe vào năm 2020. Không chỉ có Fiat mà các nhà tài trợ khác của Juventus là Samsung và Adidas cũng vui với thương vụ này. Thậm chí, các nhà tổ chức Serie A cũng vui lây khi bản quyền giải đấu chắc chắn sẽ tăng lên.

Bá Ước
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư