Những thương vụ M&A lội ngược dòng: “Ta” mua “Tây”

Mặc dù chiếm một tỷ lệ khá nhỏ trong danh sách các thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tiêu biểu được thống kê nhưng các thương vụ M&A doanh nghiệp Việt Nam mua công ty nước ngoài đều đã chứng minh được "bản lĩnh tiên phong" và vị thế của doanh nghiệp Việt trên sân chơi toàn cầu.

FPT mua 90% cổ phần công ty tư vấn của Mỹ

Ngày 12/7 vừa qua, FPT đã chọn cách khá đặc biệt - hội nghị trực tuyến từ hai nửa địa cầu Việt Nam và Mỹ, để công bố thương vụ mua 90% cổ phần của Intellinet, công tư vấn công nghệ của Mỹ. Tổng giá trị thương vụ khoảng 50 triệu USD, trong đó FPT sẽ tra ngay 30 triệu USD, phần còn lại sẽ được trả dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm.

Theo lời của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, "thương vụ này sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số. Đồng thời, sự kết hợp này sẽ giúp khách hàng không còn gặp khó khăn trong việc phải quản trị quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ công nghệ cho các dự án lớn".

Tại thời điểm bán 90% cổ phần cho FPT, Intellinet được đánh giá là công ty tư vấn công nghệ phát triển nhanh nhất tại Mỹ với doanh thu năm 2017 khoảng 30 triệu USD và hơn 200 khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500.

Những thương vụ M&A lội ngược dòng: “Ta” mua “Tây”

Lễ ký kết thỏa thuận đầu tư chiến lược giữa FPT và Intellinet.

Còn nhớ năm 2000, lần đầu tiên FPT mở văn phòng tại Mỹ, chỉ chưa đầy một năm, văn phòng phải đóng cửa vì không có khách hàng. Tám năm sau, 2008, với quyết tâm "ngã ở đâu đứng dậy ở đấy", FPT mở công ty công nghệ thông tin 100% vốn Việt Nam đầu tiên tại thị trường này và đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của Tập đoàn.

Với việc sở hữu 90% cổ phần của Intellinet, dự kiến trong vòng 12 tháng tới, doanh thu của FPT tại thị trường Mỹ sẽ cán mốc 100 triệu USD, cao gấp 2 lần doanh thu năm 2017.

Ngoài ra, biên lợi nhuận ròng của FPT tại thị trường Mỹ dự kiến cũng sẽ được cải thiện, đạt mức 20%. Với những con số tài chính này, thị trường Mỹ sẽ là một trong những động lực quan trọng giúp FPT đạt được mục tiêu doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 50% tổng doanh thu của tập đoàn vào năm 2020. Trong 5 tháng đầu năm 2018 con số này là 37%.

Trước đó, FPT đã mua công ty RWE IT Slovakia và đổi tên thành FPT Slovakia nhằm đẩy mạnh hoạt động tại thị trường châu Âu và mở rộng tập khách hàng trong lĩnh vực năng lượng. Mới đây nhất thương vụ này đã mang về cho FPT hợp đồng có quy mô 100 triệu USD liên quan đến chuyển đổi số cho InnogySE.

VinFast với thương vụ mua GM Việt Nam

Sau sự kiện tuyên bố khởi công nhà máy ôtô Vinfast với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD hồi đầu năm, Vingroup lại tiếp tục khẳng định tham vọng lớn trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với thương vụ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội.

Những thương vụ M&A lội ngược dòng: “Ta” mua “Tây”

Công ty VinFast đã ký kết một thoả thuận hợp tác chiến lược vối General Motors (GM).

Dự kiến đến cuối năm 2018, việc chuyển nhượng các hoạt động của GM Việt Nam, bao gồm nhà máy tại Hà Nội, mạng lưới đại lý ủy quyền và đội ngũ nhân sự sẽ hoàn tất. Dây chuyền sản xuất mới dự kiến sẽ khánh thành vào nửa đầu năm 2019, bổ sung năng lực sản xuất cho VinFast bên cạnh nhà máy tại Hải Phòng.

Phát biểu về thỏa thuận hợp tác, ông James DeLuca - Tổng giám đốc VinFast cho biết: "Chúng tôi rất hứng khởi trước thỏa thuận hợp tác mang tính chiến lược này. VinFast hướng tới xây dựng một hệ sinh thái sản xuất ô tô, bao gồm các nhà máy lắp ráp, nhà cung cấp và đại lý ô tô địa phương, cùng một chuỗi các ngành công nghiệp hỗ trợ. Quan hệ đối tác chiến lược với GM đóng vai trò như một chất xúc tác trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn trên. Đặc biệt, với kế hoạch ra mắt 5 mẫu xe VinFast vào năm 2019, thỏa thuận là nhân tố quan trọng để triển khai đúng kế hoạch."

Vinamilk chi 90 triệu USD vào nhà máy sữa bột tại New Zealand

Vào năm 2011, Vinamilk đánh dấu hành trình ra nước ngoài với dự án đầu tư 90 triệu đô New Zealand để nắm giữ 20% cổ phần của nhà máy bột sữa Miraka tại New Zealand. Đến nay nhà máy đã sang đầu tư giai đoạn 2.

Hai năm sau, Vinamilk tiếp tục thực hiện thương vụ M&A đình đám tại thị trường Mỹ. Tập đoàn này đã chi 7 triệu USD để nắm 70% cổ phần của Công ty sữa Driftwood Dairy và đến nay đã mua tiếp 30% để nắm toàn bộ công ty.

Những thương vụ M&A lội ngược dòng: “Ta” mua “Tây”

Vinamilk đã nắm 100% cổ phần của Công ty sữa Driftwood Dairy.

Driftwood Dairy là công ty chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa đậu nành, kem sữa…), nước hoa quả và đồ ăn nhẹ… Đặc biệt, đây là nhà phân phối sữa lớn nhất cho các trường học tại bang California.

Sau khi đầu tư nhà máy ở New Zealand rồi mua công ty sữa ở Mỹ, ngay đầu năm 2014, "ông lớn" ngành sữa Việt tiếp tục đầu tư 51% vốn góp vào Công ty Angkor Dairy Products Company Limited tại Campuchia, nắm quyền điều hành công ty sữa lớn của Campuchia. Nhà máy sữa này có công suất 19 triệu lít sữa mỗi năm, 80 triệu hộp sữa đặc...

Massan làm chủ công ty thức ăn lớn của Pháp

Năm 2015, Tập đoàn Masan gây chấn động trong làng thức ăn chăn nuôi khi công bố mua lại 52% cổ phần Công ty cổ phần Việt - Pháp chuyên sản xuất thức ăn gia súc (thương hiệu Proconco) và 70% cổ phần Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) bằng việc mua lại 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Sam Kim sau đó đổi tên thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science.

Sang năm 2016, Masan cũng mua thành công tiếp 30% cổ phần còn lại của Anco, nâng sở hữu công ty lên 100%.

Đây là bước đi chiến lược quan trọng trong kế hoạch xây dựng chuỗi sản xuất khép kín của doanh nghiệp.

Thủy Tiên
Nguồn VN Economy