Apple Pay: Lối đi cho giải pháp thanh toán di động của Apple?

Thanh toán di động được cho là một trong những thị trường béo bở nhất trong nền công nghiệp 4.0, và chắc chắn Apple sẽ không ngồi yên để các đối thủ của mình chia nhau chiếc bánh lợi nhuận khổng lồ.

Nhờ công nghệ di động phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây, tính năng thanh toán bằng smartphone đã được nhiều hãng điện thoại lớn nhanh chóng tích hợp trên sản phẩm của mình và trở thành một khái niệm không quá lạ lẫm với người dùng toàn cầu. Apple, một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới lẽ đương nhiên không nằm ngoài ngoại lệ. Trên thực tế, ước tính mobile payments có thể trở thành ngành công nghiệp 3,4 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Để tiện đối chiếu, tổng giá trị của công ty Apple đến giờ vẫn chưa quá 1 nghìn tỷ USD. Tại Mỹ năm ngoái, eMarketer ước tính rằng thị trường thanh toán di động hiện có trị giá khoảng 49 tỷ USD.

Người dùng có thể lựa chọn rất nhiều giải pháp bao gồm Apple, Samsung Pay, Google Pay, PayPal, Venmo và Square. Trong đó, Samsung Pay đã được Samsung Việt Nam triển khai tích hợp trên toàn quốc được gần 1 năm và đang hoạt động rất ổn định tại nhiều địa điểm cửa hàng tiện lợi, cafe và rạp chiếu phim. Trên thế giới, các đối thủ Trung Quốc như WeChat Pay và Alipay có khoảng 1 tỷ người dùng cộng lại, theo sau là PayPal với 210 triệu người dùng và Apple Pay có 87 triệu người dùng tính đến tháng 8/2017 - một con số được cho là kết quả của chiến lược mở rộng liên kết ngân hàng cũng như thúc đẩy quảng cáo ép người dùng sử dụng nền tảng thanh toán điện tử của “Táo khuyết”.

Apple Pay: Lối đi cho giải pháp thanh toán di động của Apple?

Apple Pay thậm chí còn hoạt động trên cả Apple Watch.

Cứ vài tuần, Apple lại mở rộng danh sách ngân hàng hỗ trợ Apple Pay với một vài cái tên mới - hiện tại đã là hơn 2.700 đơn vị ngân hàng và tổ chức tiền tệ. Bên cạnh đó, Apple Pay cũng đang được mang tới nhiều nước hơn, gần đây nhất có mặt tại Na Uy và Ba Lan. Tại châu Á, Apple Pay đã đặt chân đến Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông, song người dùng Việt Nam vẫn phải tiếp tục chờ đợi nền tảng thanh toán của Apple.

Nhà sản xuất iPhone lớn nhất thế giới thậm chí còn ra mắt Apple Pay Cash tích hợp sâu vào iMessage - một tính năng cho phép giao dịch tiền giữa các người dùng với nhau, lĩnh vực mà Venmo trực thuộc PayPal đang thống trị thị trường. Không dừng lại ở đó, Người khổng lồ Cupertino còn triển khai một chiến dịch oanh tạc notification trên iPhone hết sức dai dẳng gần như để ép buộc người dùng phải đăng kỷ thẻ để sử dụng Apple Pay.

Apple Pay: Lối đi cho giải pháp thanh toán di động của Apple?

iOS 11 ra mắt với Apple Pay Cash cho phép chuyển tiền giữa người với người qua iMessage.

“Tôi vừa cập nhật iPhone 6 Plus lên phiên bản 10.0.01, sau đó tôi nhận thấy điện thoại liên tục hiện thông báo từ Wallet App nhắc tôi thêm thẻ ngân hàng. Tôi chưa bao giờ sẽ sẽ không bao giờ có ý định dùng Apple Pay. Tôi không quan tâm đến việc nó bảo mật hơn hay tiện lợi hơn như thế nào bởi tôi thực sự không có nhu cầu dùng tính năng ấy và tôi phát ngán với việc phải nhìn thấy “noti” cứ hiện lên 6, 7 lần một ngày rồi”, một người dùng khiếu nại trên diễn đàn của Apple hồi 2016.

“Cám ơn, nhưng tôi không cần. Tôi đã reset điện thoại, tắt toàn bộ mọi thông báo, ấy vậy mà nó vẫn cứ hiện ra, hết lần này đến lần khác”, một người dùng khác phàn nàn sau khi nhận bản cập nhật iOS 11 trên iPhone của anh. Thậm chí, một người sử dụng còn tưởng điện thoại của anh đã bị nhiễm malware vì cứ liên tục hiện thông báo nhắc anh đăng ký thẻ vào Wallet App. Vậy điều gì đã buộc Apple phải triển khai chiến thuật chiêu mộ người dùng một cách cưỡng ép như vậy? Một bước đi những tưởng chỉ những nhà sản xuất như Samsung mới sẵn sàng thực hiện.

Apple Pay: Lối đi cho giải pháp thanh toán di động của Apple?

Những thông báo cứ hiện liên tục ép buộc người dùng phải vào Wallet để đăng ký thẻ ngân hàng.

Trên thực tế, smartphone Samsung còn không hiện thông báo ép người dùng đăng ký Samsung Pay đến mức liên tục như vậy, nhưng về phía Apple, hãng có lý do của riêng mình. Không giống như các nhà bán lẻ lớn khác trên thị trường thế giới như Walgreens, Best Buy hay Target, nhà bán lẻ Walmart đã từ chối chấp nhận nền tảng thanh toán di động của “Táo” trên toàn bộ hệ thống cửa hàng của mình và thay bằng giải pháp riêng của hãng có tên Walmart Pay - vốn hoạt động bằng cách quét mã QR trên màn hình điện thoại để thực hiện giao dịch. Giải pháp của Apple dựa vào công nghệ kết nối tầm gần NFC để hoạt động, chính vì vậy có thể trở thành rào cản cho những địa điểm chưa có cơ sở hạ tầng thanh toán hiện đại được tích hợp NFC. Chưa hết, ngoài Walmart ra còn có Starbucks, dù hệ thống chuỗi cửa hàng cà phê cho phép thanh toán bằng Apple Pay, nhưng nhiều người lại chọn trả tiền qua ứng dụng Starbucks hơn đơn giản vì họ được tích điểm trên tài khoản Starbucks.

Apple Pay: Lối đi cho giải pháp thanh toán di động của Apple?

Dù sao, việc ép người dùng ít nhiều cũng đem lại cho Apple Pay nhiều số liệu tích cực. Nền tảng của Nhà sản xuất tại Cupertino đã chứng kiến lượng người dùng tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái, kết thúc Quý đầu năm với 127 triệu người dùng trên toàn thế giới.

Tuy vậy, Apple Pay vẫn còn một chặng đường rất dài trước khi trở thành phương thức thanh toán mặc định toàn cầu, như cách iPhone lật đổ ngôi vương của Nokia và BlackBerry để độc chiếm ngôi vị smartphone tốt nhất trong suy nghĩ người tiêu dùng vậy. "Táo khuyết" cần thuyết phục được người dùng Apple Pay nhanh chóng và bảo mật hơn thao tác quẹt thẻ truyền thống - vốn dĩ không tốn quá nhiều thời gian và cũng không kém phần tiện lợi so với các giải pháp điện tử.

Công Minh / Slate
Nguồn ICT News