Tiền và Lý tưởng: Đằng sau vụ chia tay giữa Facebook và hai nhà sáng lập WhatsApp
Facebook vẫn kiên quyết giữ nguyên mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo dù vấp phải nhiều chỉ trích. Điều đó đi ngược lại với lý tưởng của hai nhà sáng lập WhatsApp. Vậy cuộc chia tay giữa Facebook và hai nhà sáng lập WhatsApp kịch tính đến đâu?
Cú dứt áo tốn kém này càng xoáy sâu vào cuộc tranh luận dai dẳng về cách kiếm lời từ WhatsApps. Facebook vẫn kiên quyết giữ nguyên mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo dù vấp phải nhiều chỉ trích, thậm chí cả khi CEO Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước các nhà lập pháp châu Âu và Hoa Kỳ.
Theo nguồn tin thân cận, bộ đôi sáng lập WhatsApp đã có nhiều bất đồng dai dẳng trong những năm gần đây với Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg. Sheryl ngày càng nôn nóng hiện thực hóa lợi nhuận từ thương vụ "bom tấn" trị giá 22 tỷ USD cho ứng dụng nhắn tin này.
Nhiều tranh chấp với Facebook liên quan đến chuyện vừa bảo đảm bí mật dữ liệu cá nhân trong khi vẫn kiếm ra tiền từ lượng lớn người dùng WhatsApp, bao gồm cả những quảng cáo nhắm tới đối tượng cụ thể mà hai nhà sáng lập WhatsApp đã phản đối từ lâu. Trong vài năm gần đây, Zuckerberg và Sandberg đã buộc các ông chủ của WhatsApp phải "linh động" hơn về vấn đề này và khẩn trương tạo ra doanh thu.
Sau khi Jan Koum, một trong hai nhà sáng lập, phàn nàn mình không có đủ nhân lực để triển khai dự án, Zuckerberg bác ngay và còn bồi thêm "cần bao nhiêu người anh có cả rồi".
WhatsApp và Facebook "cơm không lành, canh chẳng ngọt" ngay từ những ngày đầu. Cả Brian Acton và Jan Koum đều là những người ủng hộ tuyệt đối quyền riêng tư và luôn khinh thường chuyện kiếm lời từ ứng dụng nhắn tin.
Trái lại, Facebook làm ra tiền bằng cách hiển thị quảng cáo tương thích với dữ liệu thu đươc từ hoạt động của người dùng. Cả Zuckerberg và Sandberg từng tuyên bố quảng cáo giúp kết nối thế giới số và đem lại những sản phẩm miễn phí.
Khi Facebook mua lại WhatsApp, cả hai chưa bao giờ công khai nói chuyện dung hòa hai triết lý trên thế nào. Nhưng Zuckerberg từng nói với giới phân tích cổ phiếu rằng mình và Koum đã thống nhất rằng quảng cáo không phải là hướng đi đúng đắn để thu về lợi nhuận từ ứng dụng nhắn tin này. Zuckerberg cũng cho biết đã hứa trao quyền cho Acton và Koum trong việc xây dựng sản phẩm của riêng họ. Nhờ bán lại cho Facebook, cả hai đã thành những tỷ phú.
Theo các nhân viên của cả hai công ty, dần dần, các bên đều cảm thấy thất vọng về nhau. Jan Koum mới thông báo sẽ ra đi, và Brian Acton đã từ chức tháng Chín năm ngoái.
Nguồn tin nội bộ cho hay, các nhà đồng sáng lập WhatsApp trực tiếp công kích Zuckerberg khi họ ra đi, nhưng cả hai đều cho rằng mình đã ở trong thế thua, nên tốt nhất là duy trì quan hệ với ban điều hành Facebook. Nguồn tin này cũng mô tả không khí giữa Facebook và Whatsapp là "âm thầm chống phá".
Một vài những bất đồng văn hóa nho nhỏ giữa nhân viên hai bên cũng bắt đầu xuất hiện, như tiếng ồn quanh khu văn phòng hay kích cỡ bàn làm việc và phòng vệ sinh ở WhatsApp. "Tiểu sự" hóa "đại sự" khi hai bên vốn đã xa mặt cách lòng.
Công chúng chỉ biết tới sự mâu thuẫn này qua một đoạn tweet của Brian Acton hồi tháng 3 vừa qua. Giữa lúc vụ bê bối Cambridge Analytica lạm dụng dữ liệu người dùng Facebook để hỗ trợ chiến dịch của ông Trump đang lên tới đỉnh điểm, Brian Acton tuyên bố sẽ xóa tài khoản Facebook.
Nguồn tin thân cận cho hay, trong nội bộ Facebook, một vài giám đốc điều hành đã rất bất ngờ khi Brian Acton công khai công kích công ty vì không có vẻ Brian ra đi trong bất mãn. Khi Acton đến thăm trụ sở Facebook sau đó, David Marcus, giám đốc phụ trách Facebook Messenger, công kích người đồng nghiệp cũ: "Hạ cấp." Acton chỉ nhún vai. Marcus đã từ chối bình luận về câu chuyện này.
Theo nguồn tin nội bộ, đoạn tweet này khiến Sheryl Sandberg vô cùng tức giận, bà đã gọi ngay cho Jan Koum, và nhận được lời đảm bảo rằng Brian Acton không hề có ý gây tổn hại cho công ty.
Khi rời Facebook, Brian Acton từ bỏ khoảng 900 triệu USD giá trị cổ phiếu. Jan Koum dự kiến sẽ rời cương vị vào giữa Tháng Tám này, khi đó ông sẽ mất hơn hai triệu cổ phiếu trị giá khoảng 400 triệu USD, tính theo giá cổ phiếu hiện tại của Facebook. Nếu ở tới hết tháng 11 năm nay, cả hai sẽ không mất đồng nào.
Zuckerberg phát biểu trong một hội nghị phát triển sản phẩm của công ty vào tháng 5 vừa qua về sự ra đi của Jan Koum: "Xây dựng nên WhatsApp là thành tựu tuyệt vời của Jan. Anh ấy cũng là một nhà hoạt động tích cực cho quyền riêng tư và mã hóa." Zuckerberg cũng cho biết bản thân rất tự hào khi Facebook đã giúp WhatsApp triển khai cách mã hóa "end-to-end encryption" (E2EE) vài năm sau khi được mua lại.
Trên nhiều phương diện, Facebook và WhatsApp không thể nào khác biệt hơn. Từ khi đi vào hoạt động năm 2004, Facebook chú trọng vào quyền sử dụng thông tin khách hàng nhằm bán các quảng cáo hướng tới đối tượng cụ thể được hiển thị trên trang truy cập của người dùng. Mô hình kinh doanh này đã thành công rực rỡ, nâng giá trị thị trường của Facebook lên tới 500 tỷ USD, trong đó quảng cáo chiếm 97% doanh thu công ty.
Điều này trái ngược hẳn với những gì WhatsApp tuyên bố sẽ bảo vệ. Jan Koum lớn lên ở Ukraina thời Xô Viết, và thường xuyên lớn tiếng cam kết bảo vệ quyền riêng tư.
Jan Koum và Brian Acton gặp nhau khi cùng làm kĩ sư ở Yahoo. Công việc ở đây đã thức tỉnh cả hai, giúp họ nhận ra đăng tải quảng cáo là điều phù phiếm, nó sẽ phá hủy trải nghiệm của người dùng và cho phép các nhà làm quảng cáo thu thập mọi dữ liệu.
WhatsApp, ra đời năm 2009, được thiết kế dựa trên hai nguyên tắc: tối giản và bảo mật. Các tin nhắn sẽ được xóa ngay lập tức khỏi máy chủ một khi được gửi đi. Sau một năm đầu miễn phí và không có quảng cáo, người dùng sẽ phải trả 0,99 USD mỗi năm. Trong một bài đăng trên blog năm 2012, các nhà đồng sáng lập nói rằng: "Chúng tôi muốn tạo ra một thứ gì đó không chỉ là nơi bán quảng cáo" và gọi quảng cáo là "sự sỉ nhục đối với trí tuệ con người".
Thống kê lượng người truy cập các ứng dụng nhắn tin nổi tiếng trên toàn cầu, tính theo đơn vị tỷ người.
Họ cũng là những người bạn thân thiết, cùng chơi đĩa ném với nhau, mặc cho những quan điểm chính trị khác biệt. Trái ngược với Brian Acton, Jan Koum công khai ủng hộ Tổng thống Trump.
Khi Facebook mua lại WhatsApp năm 2014, ứng dụng nhắn tin này đã tăng trưởng nhanh chóng và thu hút 450 triệu người dùng mỗi tháng, biến nó thành ứng dụng phổ biến hơn cả Twitter với chỉ 240 triệu người dùng hàng tháng ở thời điểm đó. WhatsApps hiện có 1,5 tỷ người dùng.
Thương vụ này vẫn được đánh giá là giao dịch mua lại lớn nhất từ trước đến nay của một công ty sử dụng vốn đầu tư mạo hiểm, cao gấp 10 lần vụ mua lại đắt thứ hai của Facebook.
Một nguồn tin thân cận tiết lộ rằng, Zuckerberg đảm bảo với Koum và Acton rằng ở thời điểm đó, ông sẽ không đăng quảng cáo trong ứng dụng nhắn tin này. Theo một phần thỏa thuận bí mật khi sát nhập công ty do Thời báo phố Wall công bố, Koum và Acton cũng thương lượng một điều khoản bất thường trong hợp đồng rằng nếu Facebook cố ý thực hiện bất kỳ "hành vi kiếm lời" nào như quảng cáo trong ứng dụng, đó sẽ là "lý do hợp lý" để hai nhà điều hành từ chức và nhận được toàn bộ cổ phiếu thưởng. Thỏa thuận đề phòng này chỉ có hiệu lực nếu một nhà đồng sáng lập vẫn làm việc cho Facebook khi công ty triển khai quảng cáo và các chiến lược thu lời khác.
Theo nguồn tin nội bộ, Brian Acton đã dùng điều khoản này để thực hiện quyền nhận cổ phiếu thưởng. Tuy nhiên, nhóm luật sư của Facebook dọa kiện, nên Brian Acton đành buông tay.
Vài nhà phân tích trong cộng đồng công nghệ cho hay chuyện va chạm là không thể tránh khỏi. Nate Elliot, giám đốc Nineteen Insights, một công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn về tiếp thị số và truyền thông, nhận định rằng các nhà sáng lập WhatsApp khá "ngây thơ" khi tin rằng Facebook sẽ không tìm cách kiếm lời từ thương vụ này, như cho đăng quảng cáo. "Facebook là một doanh nghiệp, không phải một quỹ từ thiện", ông nói.
Ở thời điểm diễn ra vụ mua lại, WhatsApp có lợi nhuận, dù không rõ là bao nhiêu. Facebook không công khai tình hình tài chính của WhatsApp.
Chính sách không can thiệp của Facebook đã thay đổi vào năm 2016. WhatsApp đạt hơn một tỷ người dùng mỗi tháng, và xóa bỏ mức phí 0,99 USD. Cùng lúc, Facebook tuyên bố với các nhà đầu tư sẽ không tăng số lượng quảng cáo trên trang truy cập của Facebook, dẫn đến doanh thu tăng trưởng chậm lại. Điều này đã gây ra áp lực cho các công ty con khác của Facebook – bao gồm WhatsApp – phải kiếm ra tiền nhiều hơn.
Tháng Tám năm đó, WhatsApp thông báo ứng dụng này sẽ bắt đầu chia sẻ số điện thoại và thông tin khách hàng với Facebook, trái ngược với lời hứa khi mới xây dựng "mục tiêu là biết càng ít về bạn càng tốt".
Với việc Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg đều muốn hai bên hòa hợp hơn nên vào tháng 1/2017, WhatsApp đã chuyển từ Moutain View, California về trụ sở của Facebook ở Menlo Park cách đó 20 phút đi xe. Facebook đã cố gắng trang hoàng tầng 10 của tòa nhà để thể hiện sự chào đón WhatsApp với tông màu xanh lá đặc trưng của ứng dụng này.
Khoảng 200 nhân viên của WhatsApp gần như vẫn tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của Facebook. Vài người trong số họ bị choáng ngợp bởi khuôn viên của Facebook, một tổ hợp các nhà hàng, quán kem, các khu vui chơi được xây dựng mô phỏng Disneyland.
Nhân viên của Facebook coi WhatsApp như một điều bí ẩn và đôi khi đùa cợt về nó. Sau khi các nhân viên WhatsApp dán một tấm áp phích lên tường dọc hành lang để nhắc nhở mọi người "hạn chế tiếng ồn", vài nhân viên Facebook đã mỉa mai điều này bằng một giai điệu "Chào mừng đến với WhatsApp – Hãy im lặng đi!"
Số khác thì phàn nàn rằng bàn làm việc của WhatsApp, được chuyển đến từ văn phòng ở Moutain View, to hơn bàn làm việc tiêu chuẩn ở văn phòng của Facebook. WhatsApp cũng đề nghị sửa lại toilet đẹp hơn, với cửa sổ sát sàn. Các phòng họp của WhatsApp cũng hạn chế nhân viên Facebook.
Một nhân viên Facebook nói rằng: "Những điều nhỏ nhặt đáng sợ này lại xảy ra ở một công ty luôn tự hào về chủ nghĩa bình đẳng."
Nguồn tin nội bộ tiết lộ, Jan Koum phàn nàn về những khó khăn khi phải làm việc trong một công ty lớn, đôi khi tranh luận với Mark Zuckerberg và các giám đốc điều hành khác về những chi tiết nhỏ nhặt như những chiếc ghế mà Facebook muốn WhatsApp mua.
Đáp lại những áp lực từ cấp trên trong việc tạo ra lợi nhuận, Jan Koum và Acton đã đề xuất rất nhiều ý tưởng. Một trong số đó là "nhắn tin tương tác", cho phép các nhà làm quảng cáo liên lạc với những người dùng đã là khách hàng của họ. Năm ngoái, WhatsApp tuyên bố họ sẽ tính phí các công ty cho vài tính năng trong tương lai giúp họ kết nối với khách hàng thông qua ứng dụng.
Không một đề xuất nào hấp dẫn như mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo của Facebook. Sheryl Sandberg nói với các giám đốc điều hành WhatsApp về đề xuất của họ: "Các ý tưởng này chẳng có giá trị gì hết." Sheryl Sandberg muốn các lãnh đạo WhatsApp đi theo hướng quảng cáo bên cạnh các mô hình kinh doanh khác.
Sheryl Sandberg và Mark Zuckerberg thường xuyên đề cập vụ mua lại Instagram như một cách để thuyết phục hai Jan Koum và Acton cho phép quảng cáo trên WhatsApp. Facebook mua lại Instagram năm 2012, và các nhà sáng tạo ứng dụng này ban đầu đã thử cách quảng cáo của riêng họ mà không dùng cách của Facebook. Theo lời các nhân viên, khi Instagram không đạt được mục tiêu doanh số trong vài quý đầu tiên, ban lãnh đạo Facebook đã thúc ép các nhà sáng tạo ứng dụng này áp dụng mô hình quảng cáo có mục đích, quá trình chuyển đổi diễn ra tương đối liền mạch. Hiện tại, các nhà phân tích ước tính rằng Instagram là nguồn thu quan trọng của Facebook, và hai nhà sáng lập Kevin Systrom và Mike Krieger vẫn đang làm việc cho Facebook.
Nguồn tin nội bộ cho hay, Sheryl Sandberg đã từng ít nhất một lần đề cập với các giám đốc điều hành WhatsApp rằng: "Mô hình này hiệu quả với Instagram."
Nguồn tin nội bộ tiết lộ, các vụ mua lại đắt giá khác như nhà phát triển Parse, công nghệ quảng cáo LiveRail và công ty thực tế ảo Oculus VR đều không như kì vọng.
Các giám đốc điều hành cấp cao của Facebook dường như đã thất vọng với những lí do của bộ đôi sáng tạo WhatsApp trong việc trì hoãn kế hoạch tăng doanh số cho ứng dụng này. Mark Zuckerberg muốn giám đốc điều hành WhatsApp bổ sung nhiều "tính năng đặc biệt" cho ứng dụng, dù cả hai Jan Koum và Acton đều thích phiên bản tối giản hơn.
Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg cũng muốn hai Koum và Acton nới lỏng lập trường của họ về mã hóa nhằm cho phép "kinh doanh linh hoạt" hơn. Giải pháp được đưa ra là tạo nên một kênh đặc biệt kết nối các công ty và người dùng WhatsApp nhằm giải quyết các vấn đề như yêu cầu về dịch vụ khách hàng. Biện pháp này cho phép các công ty chỉ định nhân viên hay máy tính đưa ra các yêu cầu từ người dùng và sau đó lưu trữ các tin nhắn trong trạng thái đã giải mã.
Mùa hè năm ngoái, các giám đốc điều hành Facebook đã thảo luận về kế hoạch đăng tải quảng cáo lên tính năng "Status" của WhatsApp, cho phép người dùng đăng ảnh và video tồn tại trong 24 giờ. Những tính năng tương tự cũng có trong các ứng dụng khác của Facebook, bao gồn Instagram, nhưng phiên bản của WhatsApp phổ biến hơn với 450 triệu người dùng tính đến tháng Năm vừa qua.
Brian Acton – được một cựu nhân viên WhatsApp miêu tả là "kim chỉ nam đạo đức" – đã quyết định rời cương vị ngay khi tính năng thêm quảng cáo trên "Status" được bổ sung. Jan Koum, người ủng hộ quyết định của Facebook, đã cố gắng thuyết phục người đồng nghiệp tại vị thêm một thời gian nữa.
Jan Koum tại vị thêm tám tháng, trước khi thông báo trên Facebook cá nhân rằng ông "có ý định dành thời gian làm những điều mình thích ngoài công nghệ, chẳng hạn như sưu tầm những chiếc Porsche không có hệ thống làm mát, tìm tòi về xe hơi, và chơi đĩa ném". Theo Forbes, tài sản của Jan Koum lúc này trị giá khoảng 9 tỷ USD.
Ngay hôm sau, Jan Koum chia tay các nhân viên WhatsApp và Facebook trong cuộc họp toàn thể ở Menlo Park. Một nhân viên đã hỏi ông về những dự định của WhatsApp với quảng cáo.
Nguồn tin nội bộ cho hay, Jan Koum đã trả lời bằng cách ám chỉ về những văn kiện phản đối quảng cáo của mình. Nhưng Jan Koum cũng bổ sung rằng, nếu điều này thật sự xảy ra, đưa quảng cáo vào tính năng "Status" là cách ít xâm phạm riêng tư cá nhân nhất.
Vài người khi nghe phát biểu này ngầm hiểu rằng Jan Koum đã chấp nhận ý tưởng quảng cáo trên WhatsApp.
Sau sự ra đi này, WhatsApp sẽ được điều hành bởi Chris Daniels, một giám đốc lâu năm của Facebook, người chịu trách nhiệm tìm kiếm mô hình kinh doanh đem lại lợi nhuận ở mức tương đương với giá mua lại ứng dụng, mà không làm hỏng những tính năng giúp nó nổi tiếng.
Một trong những đối thủ của WhatsApp là Signal, một ứng dụng nhắn tin được mã hóa, của tổ chức phi lợi nhuận Signal Foundation, dành riêng cho việc bảo mật trò chuyện, với sự kiểm soát quyền riêng tư nghiêm ngặt và hoàn toàn không có quảng cáo. Brian Acton đã quyên góp 50 triệu USD cho tổ chức này và trở thành Chủ tịch HĐQT của quỹ.
Minh Trang / WSJ
Nguồn Trí thức trẻ