Thị trường giải khát: "Cửa mở" cho nước trái cây
Thị trường nước giải khát tại Việt Nam có tốc độ phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Theo số liệu từ Bộ Công Thương (2010), thị trường nước giải khát không cồn tại VN chạm mốc tiêu thụ 2 tỷ lít, tức bình quân mỗi người tiêu thụ khoảng 23 lít một năm.
Mức tiêu thụ này tiếp tục tăng trưởng 17% vào năm 2011 (Nielsen, 2011), và được dự đoán còn đầy tiềm năng khi thu nhập người dân ngày càng được cải thiện và phần lớn chi tiêu đều dành cho việc ăn uống.
Theo tin tức của Bộ Công Thương (2012), các nhà phân tích công nghiệp toàn cầu (GIA) dự báo thị trường nước ép trái cây và rau quả sẽ đạt 72,79 tỷ lít vào năm 2017.
Sự tăng trưởng trong ngành này phụ thuộc chủ yếu vào việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến đồ uống có lợi cho sức khỏe. Đây là tín hiệu đáng mừng dành cho các nhà sản xuất nước ép trái cây tự nhiên và nước trái cây chứa sữa.
Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường W&S, người tiêu dùng (NTD) lựa chọn nước ép trái cây, nước trái cây chứa sữa đạt 62% - cao hơn so với tiêu dùng nước giải khát có gas.
"Sự tăng trưởng trong ngành này phụ thuộc chủ yếu vào việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến đồ uống có lợi cho sức khỏe."
Thị trường nước ép trái cây
Các nhãn hiệu nước ép trái cây của các công ty Việt Nam như Vinamilk, Tân Hiệp Phát được nhiều người tin dùng bên cạnh các sản phẩm của các công ty giải khát quốc tế như Coca-Cola, Pepsico. Trong đó, nhãn hiệu Cam ép Vfresh của Công ty Vinamilk được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất, chiếm 70,0%.
Khi xét về các vị nước trái cây yêu thích, kết quả nghiên cứu thể hiện rõ ba vị được yêu thích lần lượt là cam, chanh dây và dâu với số điểm tương ứng 4,28, 3,92 và 3,89 điểm (thang đo 5 điểm).
Cũng theo kết quả nghiên cứu, đa số người tiêu dùng đều thấy được các lợi ích mà nước ép trái cây mang lại nhất là bổ sung vitamin cần thiết (86%) cũng như ít phẩm màu tổng hợp (4,45điểm). Vì vậy, người tiêu dùng dần hình thành thói quen uống nước trái cây ít nhất 1 lần/ngày (24,4%) hoặc 2-3 lần/tuần (23,5%).
Thị trường nước trái cây chứa sữa
Sản phẩm của Vinamilk tiếp tục chiếm lĩnh thị trường nước trái cây chứa sữa với sản phẩm Vfresh Smoothies Cam Sữa (52,2%). Đối thủ cạnh tranh với sản phẩm này là nhãn hiệu Nutriboost của Cocacola với 42,4%.
Dù có thêm thành phần sữa, nhưng người tiêu dùng vẫn nhận định được lợi ích của sản phẩm nước này như là sản phẩm nước trái cây bình thường - bổ sung thêm Vitamin (94,5%) và ít phẩm màu tổng hợp (4,45điểm).
Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt khi lý do nhóm người tiêu dùng chọn sản phẩm nước trái cây chứa sữa cũng vì mùi vị thơm ngon (71%).
Những lưu ý khác về thói quen và sở thích của người tiêu dùng
Về mức độ thường xuyên sử dụng
Hơn 50% nam và nữ thường xuyên uống nước ép trái cây ít nhất là 1lần/ngày, và 23% trong số những người còn lại có mức độ uống ít hơn, khoảng 2 - 3 lần tuần.
Theo giới tính, nhìn chung, mức độ uống loại nước trái cây chứa sữa của nữ giới có phần cao hơn nam giới, với tỷ lệ uống ít nhất 1 lần/ngày là 50,5% so với 45,3%.
Theo tỉnh thành, người tiêu dùng ở khu vực các tỉnh thành khác có mức độ sử dụng các loại nước trái cây chứa sữa đóng chai/lon/hộp cao hơn khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, với tỷ lệ sử dụng ít nhất 1lần/ngày lần lượt là 53,6%, 44,6% và 45,6%.
Theo thu nhập, trong khi hơn ¼ người khảo sát thuộc nhóm A (thu nhập hộ gia đình hàng tháng từ 15.000.000 VNĐ trở lên) thường uống nước trái cây chứa sữa trung bình 1 lần/ngày thì tỷ lệ này ở nhóm B (thu nhập hộ gia đình hàng tháng từ 7.000.001 - 15.000.000 VNĐ) là 2 - 3 lần/tuần.
Vfresh Smoothie Cam sữa là sản phẩm nước trái cây chứa sữa được ưa chuộng và mua sử dụng nhiều nhất, đối với cả nam - nữ, phân lớp thu nhập A - B và tất cả các khu vực tỉnh thành.
Về mức độ yêu thích
Các yếu tố liên quan đến vấn đề dinh dưỡng hoặc thành phần tự nhiên của sản phẩm có ảnh hưởng nhiều đến quyết định lựa chọn của người tiêu dùng. Điển hình là ít phẩm màu tổng hợp, giữ nguyên vị trái cây tươi tự nhiên, bổ sung thêm vitamin tự nhiên.
Về cách thức uống nước ép trái cây ưa thích, kết quả khảo sát cho thấy mọi người thích uống cùng bạn bè (4,04 điểm); nhâm nhi từ từ (3,54 điểm); uống trực tiếp từ lon/chai/hộp (3,82 điểm); ướp lạnh không thêm đá để uống (4,22 điểm).
Về loại nước trái cây chứa sữa yêu thích
Có khoảng 7 trên 10 người được hỏi cho biết họ yêu thích sản phẩm có vị sữa nhẹ hơn vị trái cây. Trong đó, nữ chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới là 4,4%.
Hơn 90% NTD cho biết bổ sung vitamin là yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định sử dụng sản phẩm nước trái cây chứa sữa. Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, NTD còn cân nhắc lựa chọn các sản phẩm này vì mùi vị thơm ngon của thức uống.
Loại bao bì và dung tích thích hợp
Hộp giấy có ống hút là dạng bao bì được ưa chuộng nhất (trung bình 3,85 điểm).
Về dung tích, phần lớn người tiêu dùng thích sử dụng sản phẩm có dung tích từ 100 - 500 ml (chiếm trên 60%), nữ giới có xu hướng thích sử dụng sản phẩm với dung tích nhỏ hơn nam giới.
Dung tích 100 - 220 ml: Loại bao bì phù hợp nhất là ly nhựa.
Dung tích từ 221- 250ml: Loại bao bì phù hợp nhất là hộp giấy (hộp giấy, bịch giấy kín, hộp thiếc bọc giấy).
Dung tích từ 251-500ml: dạng bao bì như chai thủy tinh, chai nhựa, lon nhôm, bịch nhựa được khách hàng đánh giá là phù hợp.
Nơi mua, người mua chính
Nữ giới có xu hướng mua nước uống tại siêu thị nhiều hơn so với nam giới (59% so với 51,9%).
Ngoài ra, người dân ở khu vực TP.HCM cũng có tỷ lệ mua các sản phẩm này tại siêu thị và các cửa hàng tiện lợi cao hơn hẳn các tỉnh thành khác.
Người mua chính: 80,5% người tham gia khảo sát là người quyết định mua chính sản phẩm nước ép, nước trái cây chứa sữa để sử dụng cho bản thân.
Những yếu tố như: mùi vị thơm ngon, nhiều vitamin, nhãn hiệu tin cậy, bổ sung năng lượng cho cơ thể, tốt cho sức khỏe là những yếu tốt được khách hàng đánh giá cao khi chọn mua sản phẩm.
Nhóm khách hàng đặc trưng
Dựa trên các tiêu chí chọn mua sản phẩm nước ép, kết quả khảo sát cho thấy có bốn nhóm tiêu dùng tiêu biểu:
- Nhóm quan tâm đến sức khỏe
- Nhóm quan tâm đến giá cả
- Nhóm quan tâm đến bao bì
- Nhóm quan tâm đến uy tín thương hiệu
Trong đó, "nhóm quan tâm đến sức khỏe" đánh giá cao về các yếu tố liên quan đến sức khỏe khi chọn mua sản phẩm với điểm trung bình cao nhất (4,05 điểm) trong khi "nhóm quan tâm đến uy tín thương hiệu" thì lại chủ yếu tìm kiếm sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng và được nhiều người tin dùng (4,02 điểm).