Các start-up gọi xe muốn chi phối cuộc sống của bạn
Các start-up dịch vụ gọi xe ở các thị trường mới nổi đang tiến vào các lĩnh vực mới.
Các công ty như Grab và Go-Jek ở Đông Nam Á hay Careem ở Trung Đông đang có các bước tiến quyết liệt vào các lĩnh vực khác bên cạnh vận chuyển, với hy vọng làm cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp phải phụ thuộc vào ứng dụng của họ.
Careem muốn “cung cấp cho bạn một nền tảng thỏa mãn mọi nhu cầu hàng ngày của bạn”, CEO Mudassir Sheikha phát biểu trong một bài phỏng vấn với CNN Money.
Công ty của ông vừa triển khai dịch vụ giao nhận thức ăn ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất), Arab Saudi, Qatar và sẽ mở rộng dịch vụ thanh toán trong vài tháng tới. Ông Sheikha cho biết công ty Careem đã có 25 triệu người dùng và tự nhận là công ty dịch vụ Internet lớn nhất Trung Đông dựa trên số lượng nhân viên.
Phần lớn người dân ở 14 quốc gia mà Careem hoạt động không có thẻ tín dụng, và chỉ có một phần nhỏ các giao dịch được thực hiện trực tuyến. Nhưng điều đó đang thay đổi. Tập đoàn nghiên cứu thị trường Research and Market dự đoán mua hàng trực tuyến tại Trung Đông sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Careem muốn một phần trong “chiếc bánh” đó. Ông Sheikha hy vọng các doanh nghiệp sẽ đưa các dịch vụ của họ vào ứng dụng của Careem và người tiêu dùng sẽ dùng Ví Careem để thanh toán cho các dịch vụ đó.
Ông Sheikha cho rằng lợi thế của Careem là dữ liệu và thông tin đã được khách hàng cung cấp trong 6 năm qua. Vì rất nhiều các địa điểm tại Trung Đông không có địa chỉ rõ ràng nên Carrem đã phát triển dịch vụ bản đồ riêng dựa trên Google Maps để tài xế và khách hàng dễ tìm thấy nhau hơn.
Công ty này cũng tạo ra một nền tảng nhắn tin có khả năng gửi thông báo đến người dùng ở tất cả các nước nó đang hoạt động, một chức năng phải mất nhiều năm để đạt được vì các điều luật rắc rối về việc nhắn tin ở mỗi nước.
Theo ông Sheikha, một nền tảng giúp mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ trên là điều vô cùng quý giá với các công ty đang muốn đem việc kinh doanh của mình trực tuyến.
Hướng đến một “siêu ứng dụng”
Kế hoạch mở rộng của Careem cũng tương tự như mục tiêu trở thành một “siêu ứng dụng” của Grab, một start-up gọi xe của Singapore.
Grab, công ty đang rất nổi bật gần đây do vừa mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại 8 nước Đông Nam Á, cũng đã cung cấp dịch vụ thanh toán di động và giao nhận thức ăn.
Grab tuyên bố sẽ công bố mã nguồn cho các nhà phát triển bên ngoài và thêm dịch vụ giao thức ăn vào tập hợp các dịch vụ của ứng dụng này. Ứng dụng mới sẽ bao gồm các dịch vụ cập nhật tin tức và các nội dung như đánh giá nhà hàng, các đoạn phim ngắn và trò chơi điện tử. Giống như Careem, mục tiêu của Grab là khiến mọi người sử dụng Grab cho càng nhiều việc càng tốt.
“Chỉ với một ứng dụng, mọi người có thể đặt chỗ trên các dịch vụ vận tải, đặt đồ ăn, lên lịch giao hàng hóa thực phẩm, tìm hiểu tình hình tài chính của họ và tìm ra cách làm sao để dành dụm tiền cho việc học của con”, Tan Hooi Ling, nhà đồng sáng lập của Grab phát biểu trước các phóng viên tại một diễn đàn công nghệ vừa diễn ra ở Hong Kong.
Vé xem phim và trang điểm
Cũng ở khu vực Đông Nam Á, một đối thủ của Grab là Go-Jek cũng đang thực hiện những nỗ lực tương tự.
Go-Jek, công ty có trụ sở tại Jakarta, Indonesia, muốn trở thành “một ứng dụng về phong cách sống mà mọi người tìm đến”, Nadiem Makarim, CEO và nhà sáng lập của Go-Jek, tuyên bố trong bài phát biểu về việc mở rộng thị trường vào các lĩnh vực mới của Go-Jek.
Bên cạnh ứng dụng gọi xe, người dùng Go-Jek còn có thể mua vé xem phim, kết nối với các hiệu thuốc và đặt các dịch vụ mẫu tóc và trang điểm theo yêu cầu. Công ty khởi nghiệp này còn nói sẽ thêm dịch vụ video trực tuyến thông qua hình thức đăng ký theo dõi.
Grab và Go-Jek có thể tiến sang lĩnh vực dịch vụ khác là vì người dùng vốn đã có thói quen truy cập vào các ứng dụng này nhiều lần trong một ngày, theo Xiaofeng Wang, nhà nghiên cứu người Singapore và hiện đang làm việc cho tập đoàn nghiên cứu Forrester .
Điều quan trọng là các ứng dụng gọi xe cũng cung cấp các dịch vụ thanh toán. “Một khi bạn đã có một nền tảng thanh toán trực tuyến, bạn có thể xây dựng thêm bất kì thứ gì dựa trên nó”, theo Kitty Fok một nhà phân tích của tập đoàn IDC đặt tại Bắc Kinh.
Mô hình WeChat
“Siêu ứng dụng” cũng phát triển tương tự tại Trung Quốc. Ứng dụng WeChat của tập đoàn Tencent, ban đầu là một ứng dụng nhắn tin, dần dần trở thành một nền tảng nơi người dùng có thể thanh toán hóa đơn, chia sẻ các cập nhật và hình ảnh với bạn bè, thực hiện thanh toán ngay tại cửa hàng, gọi xe và thậm chí là đặt lịch hẹn với bác sĩ.
Ngược lại, tại Mỹ và châu Âu, người tiêu dùng lại quen với việc truy cập vào từng ứng dụng khác nhau để thực hiện các công việc khác nhau – dùng Instagram và Snapchat để chia sẻ cập nhật với bạn bè, Venmo hoặc Paypal để thanh toán trực tuyến, Uber hoặc Lyft để đặt xe.
Uber đã bắt đầu cung cấp dịch vụ giao nhận đồ ăn với Uber Eats, nhưng đến giờ vẫn chưa thể hiện tham vọng mở rộng ra các lĩnh vực như của Grab hay Go-Jek.
Các công ty khởi nghiệp tại các thị trường mới nổi có một lợi thế: họ sẽ không bị giám sát quá chặt chẽ về chia sẻ dữ liệu và bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.
Với các thị trường phát triển, theo như bà Fok thì “Facebook và Google có dữ liệu, nhưng họ sẽ phải rất thận trọng trong việc chia sẻ dữ liệu, kể cả là với các đối tác kinh doanh”.
Minh Quang / CNN Money
Nguồn Người đồng hành