Hàng Việt vui với người Việt
Công ty TNHH W&S, thành viên Hiệp hội Nghiên cứu Thị trường Thế giới (ESOMAR) vừa thực hiện chương trình khảo sát "Tác động của chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam".
Kết quả, 94,7% người tham gia khảo sát có biết đến cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Trong đó, có 47,5% biết rất rõ về chương trình và 47,2% biết về chương trình nhưng không rõ lắm.
Truyền hình được lựa chọn là kênh thông tin hàng đầu giúp người tiêu dùng biết đến chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (86,3%), báo chí (78,0%) đứng ở vị trí thứ hai và ở vị trí tiếp theo là các đợt tuyên truyền (57,5%) và băng rôn, áp phích vận động (52,7%).
Cứ trung bình 100 người tiêu dùng được hỏi thì có hơn 67 người tin tưởng vào chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Trong đó, mức độ tin tưởng nói chung chiếm hơn một nửa những người tham gia khảo sát và mức độ tin tưởng hoàn toàn vào cuộc vận động chiếm 14,9%.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cho biết cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vẫn còn khá nhiều hạn chế. Gần 50% người tham gia khảo sát đồng ý rằng cuộc vận động chưa đủ rộng.
Các hạn chế tiếp theo lần lượt là, thông tin đưa ra có phần chưa xác thực và không thuyết phục người mua hàng (45,8%), hàng Việt Nam không thực sự tốt lên như tuyên truyền đề cập (44,1%) và nội dung tuyên truyền vẫn còn rất mơ hồ (41,8%).
69,3% người chắc chắn sẽ ủng hộ hàng Việt sau khi biết đến chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chỉ có 0,8% người tiêu dùng quyết định không ủng hộ hàng Việt khi biết thông tin về cuộc vận động.
Lý do ủng hộ hàng Việt Nam giữa hai nhóm "chắc chắn ủng hộ” và "sẽ cân nhắc ủng hộ” sau khi biết về cuộc vận động khá khác nhau.
Đối với nhóm "chắc chắn", vì muốn thể hiện lòng yêu nước và muốn thúc đẩy nền kinh tế phát triển là các lý do được lựa chọn nhiều nhất, lần lượt chiếm tỷ lệ 30,1% và 29,5%. Nhóm còn lại sẽ tùy thuộc vào giá cả và chất lượng để đưa ra quyết định (67,7%).
Gần 9 trên 10 người tiêu dùng được hỏi cho biết có thể nhận biết được hàng Việt. Hơn 50% cho biết họ nhận biết chủ yếu thông qua bao bì (53,7%). Các dấu hiệu nhận biết được lựa chọn tiếp theo lần lượt là mẫu mã (16,4%) và ghi chú trên sản phẩm (16,2%).
Giá cả, chất lượng và thành phần sản phẩm là ba thông tin phần lớn người tiêu dùng quyết định ưu tiên tìm hiểu, theo kết quả khảo sát.
Trong đó, giá cả chiếm vị trí hàng đầu về thông tin họ ưu tiên tìm hiểu nhất (chiếm 24,5%). Chất lượng sản phẩm là thông tin ưu tiên tìm hiểu thứ hai (16,6%) và thành phần sản phẩm là thông tin được ưu tiên tìm hiểu thứ ba (12,9%).
Bảy trên 10 người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tìm hiểu các thông tin về sản phẩm thông qua các trang tìm kiếm trên mạng internet (72,8%), bạn bè (53,9%), website nhà sản xuất (51,9%) hay nhân viên bán hàng (51,0%).
Gần 76% người được hỏi cho biết họ thường xuyên sử dụng hàng Việt. Trong đó, tỷ lệ người sử dụng với mức độ rất thường xuyên chiếm tỷ lệ 13,7% và thường xuyên đạt 62,0%.
Đánh giá và thái độ của người tiêu dùng đối với hàng Việt, phần lớn người tiêu dùng tham gia khảo sát đều nhận định: nhìn chung, hàng Việt Nam có xu hướng tốt hơn trong thời gian gần đây, chiếm tỷ lệ 91,7%. Tuy nhiên, cũng có khoảng 1,5% đánh giá về xu hướng xấu đi của hàng Việt.
Khi được hỏi về chất lượng hàng Việt so với hàng ngoại, mặt hàng lương thực, thực phẩm được đánh giá tốt hơn hàng ngoại, chiếm 54,5% tổng lựa chọn.
Ngược lại, các sản phẩm như thiết bị điện, điện tử được đánh giá là kém hơn hẳn so với hàng ngoại, chiếm 63,5%. Xấp xỉ một nửa người tiêu dùng cho biết cảm thấy hài lòng sau khi dùng hàng Việt, chiếm 46,3%.
Tuy nhiên, 56,9% người được hỏi lựa chọn mức độ bình thường. Văn phòng phẩm, hàng may mặc và lương thực, thực phẩm là ba mặt hàng trong nước mà người tiêu dùng chấp nhận mua và sử dụng mặc dù biết chất lượng không tốt, lần lượt chiếm tỷ lệ 68,5%, 56,4% và 47,3%.
Ngược lại, phần đông người được khảo sát cho biết họ sẽ không cân nhắc đối với các sản phẩm như thuốc và dụng cụ y tế (12,7%), phương tiện vận chuyển (11,0%) và thiết bị điện, điện tử (9,3%).
Hầu hết những người được hỏi cho biết sẽ tiếp tục sử dụng hàng Việt, chiếm 98%. Chất lượng phù hợp với giá cả là lý do hàng đầu khiến người tiêu dùng tiếp tục lựa chọn hàng Việt để sử dụng (76,1%).
Chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng mua để ủng hộ hàng Việt (40,9%) và sản phẩm Việt Nam có thương hiệu tốt, uy tín trên thị trường (36,4%).