Thế lực truyền thông Netflix
Netflix đang trở thành một thế lực đáng gờm trong ngành truyền hình thế giới. Thế nhưng các nhà phê bình thường xuyên phàn nàn quá nhiều nội dung của Netflix đang biến mất trong quá trình Hãng gấp rút mở rộng quy mô.
Netflix đang quá tải?
Trong vài năm qua, Netflix (dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu trên toàn cầu) đã định nghĩa lại phim truyền hình và trở thành kênh truyền hình được nhiều người xem nhất, nổi tiếng với các series như Stranger Things, Jessica Jones, 13 reasons why...
Không chỉ tập trung mua các bộ phim có ngân sách thấp đến trung bình để phát hành, tham vọng của Hãng là tự sản xuất các phim bom tấn chất lượng cao, khởi đầu là dự án Bright của đạo diễn David Ayer, sắp tới là Six Underground được bảo chứng bởi Michael Bay - đạo diễn phim hành động nổi tiếng của Hollywood, cha đẻ của loạt phim Transformers - nhằm mang rạp chiếu đến nhà người sử dụng dịch vụ Netflix.
Nhà phân tích Kannan Venkateshwar cho biết, Netflix hiện đã có 5.800 tiêu đề phim cho dịch vụ truyền hình trực tuyến và sẽ bỏ ra khoảng 10 - 12 tỷ USD cho việc phát triển nội dung trong năm nay. "Trong vòng 3 - 5 năm tới, Netflix sẽ có thể trở thành công ty truyền thông lớn thứ hai về doanh thu, nếu không tính đến doanh thu từ studio và công viên giải trí, chỉ đứng sau Disney", Kannan dự báo.
Bởi vậy, chắc chắn sẽ rất khó để theo dõi được hết những thứ Netflix đang sản xuất khi Hãng phân phát các thông cáo báo chí gần như mỗi ngày về một dự án mới, một sự đổi mới, hay một giao dịch nội dung.
Thậm chí cả những công ty quản lý nghệ sĩ của Hollywood - nơi những thân chủ của họ rất muốn hợp tác với Netflix, cũng công nhận sự quá tải có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng. Khuyết điểm của Netflix là có rất nhiều nội dung, nên mang lại cảm giác thừa thãi. Trong khi các nhà sản xuất, các ngôi sao lại cảm thấy đặc biệt và muốn biết liệu khán giả có thích sản phẩm của họ không.
Các nhà điều hành Netflix dứt khoát phủ nhận ý kiến cho rằng các chương trình và phim của họ đang biến mất giữa những chuỗi chương trình không có điểm dừng. Todd Yellin - Phó giám đốc sản xuất của Netflix chỉ ra rằng, hầu hết các phim gốc của Hãng có lượng người xem cao hơn rất nhiều so với trường hợp chúng xuất hiện trên những nền tảng khác: "Không quan trọng đó là một bộ phim tài liệu kén người xem hay một series phim truyền hình hoặc phim điện ảnh nổi tiếng, chúng tôi có khả năng mở rộng lượng người xem nhiều hơn bất cứ ai", Todd Yellin nói.
Todd cũng cho rằng các nhà phê bình đã đánh giá thấp hệ thống quảng bá của Netflix trong việc thu hút sự chú ý cho các chương trình và phim. Thay vì đẩy tất cả các tựa phim đến tất cả khán giả trong ngày chúng ra mắt, Netflix phân loại từng nội dung đến từng khách hàng dựa theo nhật ký xem của họ.
"Trong vòng 3 - 5 năm tới, Netflix sẽ có thể trở thành công ty truyền thông lớn thứ hai về doanh thu, nếu không tính đến doanh thu từ studio và công viên giải trí, chỉ đứng sau Disney."
Điều này có nghĩa một bộ phim kinh phí lớn như Bright có thể sẽ không xuất hiện trên trang chủ Netflix của bạn vì đang có một bộ phim tài liệu hoặc những tựa phim khác mà Hãng nghĩ sẽ hợp với sở thích của bạn hơn.
Todd khẳng định: "Vấn đề ở đây là việc đưa bộ phim đó đến với đúng người xem. Nếu chúng tôi mặc định cả hệ thống và mọi người đều xem Bright, điều gì sẽ xảy ra với bộ phim tài liệu kia? Chúng tôi có khả năng mở rộng lượng người xem cho những tựa phim mà bạn không nghĩ đến".
Todd cũng lưu ý bộ phim tài liệu 13 reasons why của Ava DuVernay đã được "hàng triệu triệu người" xem nhờ khả năng kết nối với khán giả của Netflix - chuyện có thể sẽ không xảy ra nếu bộ phim ra rạp theo cách truyền thống. Ava DuVernay đồng ý với đánh giá của Todd và nói thêm, nhờ có Netflix nói riêng và các dịch vụ phát trực tuyến nói chung mà nhiều nhà làm phim (trong đó có đạo diễn nữ, đạo diễn da màu) đang dần thu hút thêm khán giả và khẳng định tên tuổi.
Đua quảng bá, hút người xem
Để đảm bảo các phim và chương trình không rơi vào "ma trận nội dung", Netflix đã bắt đầu dựa vào nhiều thứ hơn ngoài công nghệ của Hãng. Hãng cũng lên kế hoạch sẽ chi 2 tỷ USD cho quảng cáo bên ngoài, cao hơn khoảng 60% so với năm 2017.
Một phần của ngân sách đó hướng tới một chiến dịch tiếp thị rộng lớn, công cụ truyền thông với nền tảng mạng xã hội và các nhóm quan hệ công chúng, với hàng trăm nhân viên và số lượng nhân viên đang tăng lên trên toàn cầu, hơn hẳn phần lớn các đài truyền hình cáp và phát thanh khác.
Netflix vẫn đang tìm cách mở rộng thật nhanh lượng người xem đăng ký, nên Giám đốc tiếp thị Kelly Bennett cho hay, quảng bá bên ngoài giúp lan tỏa độ ảnh hưởng đến những người chưa đăng ký, đồng thời quảng cáo những nội dung người dùng có thể đã bỏ lỡ.
Bởi dù Netflix đã cá nhân hóa các tin nhắn tiếp thị của Hãng đến những người đăng ký dịch vụ thông qua các thuật toán, nhưng hiện vẫn còn nhiều thứ các thuật toán chưa đủ khả năng thực hiện, bao gồm việc xây dựng sự gắn bó giữa khán giả với các series của Netflix.
Đây là một thử thách cho Netflix - nơi các chương trình không chiếu mỗi tuần một lần vào cùng thời gian và khán giả thường xem các tập sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng chúng ra mắt. Thậm chí cả khi chương trình kết thúc, Netflix cũng vẫn nghĩ cách để kết nối với những người đăng ký khác chỉ mới bắt đầu xem nó.
Điều phối viên PR của Hãng là Eric Pallotta không thể xác định cụ thể số lượng nhân viên của anh, nhưng cho biết cơ bản là "Công ty có người ở tất cả các thị trường quan trọng khắp thế giới" và Netflix hiện đang khả dụng ở 190 quốc gia.
Nhóm của Eric cố gắng làm việc chặt chẽ với các nhà sản xuất và diễn viên để sử dụng công cụ truyền thông với nền tảng mạng xã hội xây dựng những chiến lược quảng bá: "Chúng tôi có nhiều người theo dõi mỗi bộ phim hoặc mỗi chương trình từ sản xuất cho đến phát hành".
Phúc Như Thủy / Vulture
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn