FMCG Monitor 05/2018: Thách thức và cơ hội tăng trưởng FMCG
FMCG Monitor: 12 tuần kết thúc vào 20/05/2018
Điểm tin chính trong Báo cáo tháng 5 năm 2018:
Các chỉ số chính
Kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy những kết quả tích cực. Chỉ số CPI vẫn đang được kiểm soát tốt (dưới mức mục tiêu đặt ra là 4%), dù vậy, có dấu hiệu tăng cao trong ngắn hạn cần thêm nổ lực từ Nhà Nước trong việc quản lý và kiểm soát các tháng còn lại. Doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng giữ vững tăng trưởng 2 con số. Nhu cầu tiêu dùng trong nước cùng với kết quả hoạt động của ngành công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu là những yếu tố chính góp phần cho sự tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm 2018.
Xu hướng FMCG
Chung với xu hướng toàn cầu, tăng trưởng FMCG ngày càng khó khăn. Thị trường FMCG đang tăng chậm hơn ở cả Thành thị (4 TP) và Nông thôn với tỷ lệ tăng trưởng khá khiêm tốn. Tần suất mua sắm của người tiêu dùng thưa bớt và giỏ hàng ít sản phẩm hơn trước đã dẫn đến khối lượng tiêu thụ tại nhà thấp hơn.
Hai ngành hàng Sản phẩm chăm sóc cá nhân và Thức uống đang dẫn đầu tăng trưởng ở Thành thị 4 TP và Nông thôn. Các ngành hàng khác ghi nhận tăng trưởng âm, ngay cả ngành hàng Sữa và sản phẩm từ sữa, một ngành hàng tiềm năng ở Nông thôn cũng chững lại ở khu vực này. Trong bối cảnh ngày càng khó khăn, hai xu hướng vẫn nổi trội là đề cao sự tiện lợi và sức khỏe, tiếp tục mở ra các cơ hội phát triển trong tương lai. Dù cả thị trường FMCG đang tăng trưởng chậm, các ngành hàng nắm bắt được hai xu hướng trên vẫn duy trì tăng trưởng tốt như cháo ăn liền, váng sữa, khăn giấy hộp...
Ngành hàng tiêu biểu
Ở Thành thị 4 TP, Nước giặt tiếp tục tăng trưởng bằng cách thu hút thêm người mua và mở rộng độ phủ nhờ tính tiện lợi. Ngành hàng Nước giặt hiện được chia thành 2 phân khúc tiêu dùng chính: một nhóm nhắm đến các sản phẩm giá rẻ và một nhóm hướng đến các sản phẩm cao cấp hơn. Vì thế, chiến lược định giá đóng một vai trò quan trọng đối với các thương hiệu ở ngành hàng này trong việc thu hút người tiêu dùng mục tiêu. Ở Nông thôn, các sản phẩm giấy có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là Khăn giấy ăn. Ngày càng nhiều người tiêu dùng mua mặt hàng này vì tính tiện lợi và hợp vệ sinh!?
Kênh mua sắm
2018 là một năm nữa của sự tiện lợi, trải nghiệm và những lựa chọn kinh tế. Bán lẻ hiện đại, quy tụ những yếu tố trên đã đạt tốc độ tăng trưởng 15%. Tuy nhiên, lại tăng trưởng chậm ở mô hình siêu thị. Điều này có thể được giải thích bởi mức độ cạnh tranh của mô hình này khi so với siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hay mua hàng online về tốc độ và sự tiện lợi và với đại siêu thị về chương trình khuyến mãi và trải nghiệm mua sắm. Mua sắm FMCG online, dù còn hạn chế nhưng đang tăng trưởng nhanh chóng đặc biệt ở ngành hàng Sức khỏe & Sắc đẹp, liên tục thu hút thêm nhiều người mua mới. Bức tranh bán lẻ tại thị trường Việt Nam sẽ hứa hẹn nhiều thay đổi trong tương lai gần.
Tiêu điểm của tháng – Thách thức / cơ hội tăng trưởng FMCG?
Sự thay đổi liên tục trong nhu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng FMCG. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến các nhu cầu cơ bản mà còn có những nhu cầu mới nổi lên. Họ có khuynh hướng giảm bớt chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng nhanh thay vào đó là các mặt hàng không thuộc FMCG. Họ cũng trở nên bận rộn hơn và đi mua sắm các mặt hàng FMCG ít hơn trước, dẫn đến việc các ngành hàng, các sản phẩm ngày càng có ít cơ hội tiếp cận với người mua. Dù vậy, cơ hội tăng trưởng vẫn còn đó với những sản phẩm cải tiến “thực sự”, tại những khu vực còn nhiều dư địa phát triển như thành thị loại 2 và nông thôn, cơ hội phát triển trong thị trường bán lẻ với những mô hình mới tại Việt Nam!?
David Anjoubault - General Manager, Kantar Worldpanel Vietnam
Nguồn Kantar Worldpanel