Bản quyền là thách thức của thị trường OTT Việt Nam

Cùng với sự tăng trưởng về số lượng người dùng và nội dung cung cấp, thị trường OTT Việt Nam (các ứng dụng và nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet) đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt mà vấn đề bản quyền trở thành yêu cầu và cũng là áp lực lớn nhất.

Ôm rơm nặng bụng

OTT (over - the - top) là thuật ngữ dùng để chỉ các ứng dụng và nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet. Truyền hình OTT – truyền hình Internet là xu hướng có thể dự đoán trước của truyền hình thế giới và Việt Nam.

Đặc tính chung của loại truyền hình này là phục vụ tối đa nhu cầu giải trí mọi lúc mọi nơi của người dùng với giá rẻ, nhiều tiện ích đi kèm như chọn xem theo sở thích, xem lại chương trình kênh sau 24 giờ, xem liền một lúc các video có sẵn theo nhu cầu. Cộng với sự phổ biến của các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng tích hợp nhiều chức năng, Smart TV, HD box và sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống Internet băng thông rộng, kết nối Internet 3G, 4G, thói quen xem truyền hình của số đông người tiêu dùng đã thay đổi.

Giá rẻ đến tay người tiêu dùng nhưng bản chất của OTT đến thời điểm này là sự đầu tư toàn diện từ chi phí bản quyền, sản xuất nội dung đến công nghệ, cơ sở hạ tầng. Hiện nay, sau YouTube, các đơn vị truyền hình OTT phổ biến ở Việt Nam là FPTPlay, ZingTV, VTVgo…đều đang trong chiến dịch “đốt tiền” đầu tư và lỗ hàng tỉ đồng mỗi năm.

Bản quyền là thách thức của thị trường OTT Việt Nam

9/10 người Việt Nam được hỏi nói rằng họ xem video trực tuyến hằng tuần, theo khảo sát của Nielsen.

Khó khăn của OTT Việt Nam nằm ở vấn đề bản quyền khi các thương hiệu cạnh tranh nhau độc quyền sở hữu bản quyền các nội dung "hot" nhưng cũng lại thành “ôm rơm nặng bụng” khi người tiêu dùng Việt vẫn quen với đồ miễn phí và các các đơn vị cung cấp video lậu tìm đủ mọi cách để lách luật.

Rút quảng cáo trên web lậu

Hầu như không một đơn vị cung cấp dịch vụ OTT nào tại Việt Nam đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nội dung bản quyền vì nhiều lý do, dù tình hình chung hiện nay đã chuyển từ xám đen (nội dung lậu chiếm đa số) sang xám trắng với nỗ lực mua bản quyền hai dạng nội dung giá trị nhất là phim bộ chất lượng và các giải thể thao lớn. Trong khi đó, khi lượng khán giả tăng lên thì vấn đề bản quyền càng lớn, kèm theo đó là các nâng cấp về băng thông đường truyền.

Các đơn vị làm OTT có nền tảng về viễn thông như FPTPlay thì lại hạn chế kinh nghiệm xử lý nội dung hay không có lực lượng sản xuất nội dung. Các đơn vị xuất phát từ việc sản xuất nội dung thì hoặc đã chết ứng dụng (Dzone của HTV2) hoặc khó có điều kiện phát triển đa nền tảng như ZingTV. Bản thân đơn vị đi đầu về nội dung VTV cũng phải đa dạng hóa mô hình sản xuất nội dung: có mô hình tự sản xuất, có mô hình xã hội hóa, có mô hình mua bản quyền để chủ động trên VTVgo.

Mặt khác, hầu hết người xem trên mạng không cần biết chương trình mình xem có bản quyền hay không.Thói quen xài miễn phí nhưng vẫn đòi hỏi nội dung có chất lượng cao cùng với việc các phương thức thanh toán online (hiện chỉ dùng bằng thẻ tín dụng, chuyển khoản, thẻ game thẻ điện thoại) bị hạn chế đã khiến cho việc kinh doanh của OTT càng trở nên thách thức.

Bản quyền là thách thức của thị trường OTT Việt Nam

Khó khăn của OTT Việt Nam nằm ở vấn đề bản quyền.

Hiện chưa có thống kê chính thức nào tại Việt Nam về số lượng các đơn vị vi phạm bản quyền truyền hình, cũng như thiệt hại cụ thể. Tuy vậy, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định rằng vi phạm bản quyền trên Internet “đang ở mức báo động”.

Tại triển lãm Telefilm 2018, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử Nguyễn Thanh Lâm cho rằng biện pháp để ngăn chặn việc vi phạm bản quyền là hạn chế dòng tiền từ quảng cáo, chẳng hạn như cảnh báo các nhà quảng cáo không hơp tác với các đơn vị vi phạm bản quyền.

Đầu năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mạnh tay yêu cầu rút toàn bộ quảng cáo trên 50 trang web vi phạm bản quyền, trong đó có nhiều trang OTT truyền hình có lượng truy cập cao như hayhaytv, hdviet, hdtivi... Tuy nhiên, động thái này chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tái diễn vi phạm. Trong trận chung kết Champions League hay giải đấu World Cup 2018, đơn vị sở hữu bản quyền trực tiếp và thứ cấp VTV, HTV, FPTPlay, K+ đã vất vả xử lý hàng chục triệu livestream vi phạm bản quyền.

Việc kịp thời đưa ra các quy định chi tiết về quản lý nội dung trên dịch vụ OTT và ban hành các chế tài nghiêm khắc từ cơ quan quản lý là yêu cầu cần thiết để phát triển ngành kinh doanh nhiều triển vọng này.

Một vài con số khảo sát:

Theo khảo sát của Nielsen, Việt Nam hiện là một trong những nước đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến với 9/10 người được hỏi nói rằng họ xem video trực tuyến hàng tuần.

Còn theo số liệu của trang wearesocial.com, có 2/3 trong khoảng 7,6 tỉ người trên thế giới sở hữu ít nhất 1 thiết bị di động, hơn một nửa là điện thoại thông minh. 84% dân số Việt Nam sử dụng Internet, trong đó 77% vào Internet bằng điện thoại di động. Đặc biệt, 75% dân số chỉ dành bình quân 200.000 đồng/người chi cho tiền điện thoại di động mỗi tháng.

Nguyễn Trang
Nguồn The Saigon Times