Cuộc cách mạng trong ngành du lịch
Du lịch thông minh không còn là ý niệm hay một mô hình kinh doanh mà đang trở thành cuộc cách mạng trong một ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, ảnh hưởng đến 10,2% GDP toàn cầu bao gồm những tác động trực tiếp, gián tiếp và kích thích nền kinh tế.
Trước đây người ta tôn vinh du lịch là ngành kỹ nghệ không khói, nhưng nay người ta biết rằng đó là ngành công nghiệp tạo nên rất nhiều khí thải, gọi là carbon du lịch. Và, du lịch thông minh là trào lưu khai thác nguồn khí thải đó một cách hợp lý nhằm mang lại lợi ích to lớn cho cư dân, doanh nghiệp và cho nền kinh tế cộng đồng, địa phương hay quốc gia, thông qua sử dụng liền lạc các công nghệ kết nối.
Phát triển từ hệ sinh thái du lịch
Được nói tới từ năm 2014, du lịch thông minh nhanh chóng trở thành một tiêu chí phát triển. Cũng như đô thị thông minh được đề cập trước đó trong năm 2008 này, du lịch thông minh nay trở thành môi trường cạnh tranh giữa các nước và các địa phương với việc lập nên các khu du lịch thông minh làm chìa khóa cho sự phát triển, không chỉ cho ngành du lịch mà cho toàn xã hội và cộng đồng dân cư tại những nơi đó. Những chuyển động quanh vấn đề du lịch thông minh đang diễn ra nhộn nhịp. Gần đây, Quốc hội châu Âu và Ủy ban châu Âu công bố cuộc thi bình chọn “kinh đô du lịch thông minh” cho hai thành phố thuộc châu lục này. Trước đó vào đầu năm 2017, cuộc hội thảo đầu tiên về địa điểm du lịch thông minh được Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc tổ chức tại Tây Ban Nha, từ ngày 15 đến 17-1. Cùng lúc này Dubai đang hoàn thiện việc tích hợp du lịch thông minh vào cấu trúc thành phố thông minh hiện hữu của họ, và tháng 10-2017, Việt Nam cũng tổ chức cuộc hội thảo về du lịch thông minh.
Thực ra du lịch thông minh đã phải trải qua chặng đường dài, bắt đầu từ việc thiết lập hệ sinh thái du lịch từ những năm đầu các năm 2000 thay cho tình trạng du lịch phân mảnh, việc ai nấy làm, hàng ai nấy bán, dịch vụ ai nấy thực hiện, rác ai nấy thải. Chẳng những nhiều khu du lịch đã biến mất theo kiểu này mà ngay cả dân cư rồi cũng phải ra đi khi tình trạng ô nhiễm tràn lan và tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước cạn kiệt. Trong một định nghĩa đăng trên trang blog của mình, Ngân hàng Thế giới gọi hệ sinh thái (ecosystem) là một tổ hợp những cơ chế sống động trong đó bao gồm môi trường vật lý và các mối liên hệ giữa con người trong một không gian nhất định; và gọi du lịch (tourism) là hiện tượng xã hội, văn hóa hay kinh tế khiến người ta di chuyển khỏi nơi ở thường ngày để đến nơi khác với các mục đích cá nhân, kinh doanh, hay nghiệp vụ. Hiểu du lịch theo một nghĩa rộng như thế chúng ta mới có thể xây dựng một hệ sinh thái du lịch cho chính mình và hưởng lợi hết những gì mà phát triển du lịch mang lại. Bởi du lịch không chỉ là một ngành kinh doanh mà là một hệ sinh thái để phát triển.
Nói đến du lịch thông minh người ta nói đến hai khía cạnh, trước hết là áp dụng công nghệ thông minh và sau đó là xây dựng mô hình kinh doanh thông minh, lần lượt được định nghĩa là thông minh cứng (hard smartness) và thông minh mềm (soft smartness). Chính việc triển khai các công nghệ thông minh đang làm thay đổi trải nghiệm của người tiêu dùng, và cũng chính nó đang tạo nên những mô hình kinh doanh mới. Nói cách khác những phát triển gần đây của hệ thống công nghệ - viễn thông (ICT) đã kích động cuộc cách mạng du lịch thông minh và định hướng cho tương lai ngành du lịch. Khu du lịch được tạo thành như nơi tập hợp với một hệ sinh thái phức tạp lại chính là mảnh đất tốt để đưa các ứng dụng công nghệ vào đó, và mục tiêu cuối cùng của khu du lịch thông minh là củng cố năng lực cạnh tranh đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi thành viên, từ khách du lịch đến cư dân tại chỗ. Trong khi đó năng lực kết nối qua lại giữa các tổ chức du lịch vừa cung cấp dịch vụ đúng lúc cho từng người, vừa thu thập dữ liệu để tạo nên sự thông minh chung cho khu vực.
Mục tiêu cuối cùng của khu du lịch thông minh là củng cố năng lực cạnh tranh đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi thành viên, từ khách du lịch đến cư dân tại chỗ.
Các ý niệm du lịch truyền thống đã thay đổi
Cuộc cạnh tranh du lịch thông minh đang nổ ra ở quy mô toàn cầu, từ thiên đường hạ giới Bali (Indonesia) đến các bãi biển trong vùng Caribbean, từ các quốc gia công nghiệp như châu Âu hay mới nổi như Trung Quốc đến các nước đang phát triển, tạo nên những điểm nhấn du lịch, và cũng tạo nên tiền đề cho cuộc cách mạng du lịch mang tên du lịch thông minh tại mỗi nước. Sự hoàn thiện các mô hình kinh doanh du lịch thông minh khác nhau luôn là công việc của sáng tạo. Thông minh “cứng” ở đây là công nghệ, là phương tiện kết nối và hệ thống vận hành, bao gồm mạng Internet và các loại thiết bị, từ điện thoại đến các thiết bị Internet Vạn vật (Internet of Things - IoT) đặt rải rác đây đó. Trên thực tế mọi dịch vụ nay nằm trên những chiếc điện thoại chứ không phải nơi trạm xe hay quầy vé. Người ta cũng tải xuống điện thoại những chương trình ứng dụng để chọn lựa dịch vụ, mua sắm, hay cả thanh toán tiền bạc chứ không phải chờ chực ở quầy thu ngân. Nhưng thông minh cứng mới chỉ là phương tiện kết nối, chính thông minh mềm bao gồm những con người và cấu trúc xã hội với các sáng tạo đang lập trình cho các phương tiện đó hoạt động.
Để đi tới ý niệm và thiết lập các trung tâm du lịch thông minh người ta nhấn mạnh hai bản chất thật của kỹ nghệ này. Trước hết, du lịch là một ngành dịch vụ, một mối liên kết tự nguyện giữa các dịch vụ khác nhau thông qua Internet nhằm phục vụ du khách, chứ không phải một ngành hàng hóa mạnh ai nấy sản xuất nấy bán. Mối liên kết dịch vụ bắt đầu từ khi du khách đăng ký vào tour du lịch cho đến khi lên xe hay lên máy bay, và khi họ sử dụng các tiện nghi tại mỗi một địa điểm. Trung tâm kết nối không phải là công ty, doanh nghiệp mà là du khách với chiếc điện thoại họ mang theo bên mình, lẽ dĩ nhiên với mạng Internet mà không một khu du lịch thông minh nào lại không có Wi-Fi công cộng. Sự thịnh vượng của các khu du lịch thông minh nhờ vào việc hợp đồng sáng tạo giá trị giữa các thành viên, từ công ty du lịch đến nhà hàng, khách sạn, từ những câu lạc bộ đến người chuyên chở, và lẽ dĩ nhiên từ cư dân địa phương với chính quyền sở tại. Sự hợp đồng này tạo nên một hệ sinh thái du lịch mới, gọi tắt là SD hay du lịch dịch vụ (service-dominant).
Như thế cuộc cạnh tranh du lịch thông minh diễn ra giữa các khu du lịch chứ không phải giữa các công ty. Ý niệm thứ hai còn gây sốc hơn cho những quan niệm du lịch truyền thống: khu du lịch càng nhiều khói, càng phát sinh nhiều khí thải gọi là carbon du lịch thì giá trị của nó càng cao, mức sinh lợi càng lớn. Carbon du lịch do các hoạt động du lịch thải ra, từ di chuyển, mua sắm đến ăn uống. Du khách đến từ các nước giàu thường mang đến đây lượng khí thải lớn, vì họ sử dụng máy bay cùng phương tiện di chuyển riêng, và rộng tay mua sắm, tiêu xài. Ngược lại du khách nội địa hay đến từ các nước thu nhập thấp lân cận thường chỉ sử dụng phương tiện công cộng theo hành trình đặt sẵn (tour), và lấy việc tham quan làm chính. Một nghiên cứu vừa được công bố trên tờ Nature cho biết lượng khí thải liên quan đến hoạt động du lịch tại 160 quốc gia nay đã chiếm đến 8% tổng lượng khí thải do con người bổ sung hàng năm vào bầu khí quyển. Ở các nền kinh tế dựa vào du lịch như Maldives, Cyprus hay Seychelles, lượng khí thải tăng lên rất cao, và nguồn carbon do du khách tạo ra cho ba nước này đã chiếm tới 80% lượng khí thải chung tại đó, nhưng điều đó lại mang đến nguồn thu to lớn cho họ.
Cuộc cạnh tranh du lịch thông minh
Châu Âu là một lục địa già và việc làm mới lục địa này trở thành một nhu cầu thường trực. Xem ra cạnh tranh du lịch thông minh đang nghiêng về châu lục này, và cuộc bình chọn cho mình hai kinh đô du lịch thông minh sẽ kết thúc với việc trao giải vào Ngày du lịch châu Âu 7-11-2018 là dịp để các khu du lịch đưa vào đó những đổi mới, sáng tạo và hoàn thiện cho cả bốn mục tiêu căn cơ của du lịch thông minh hiện nay là dễ tiếp cận, phát triển bền vững, tăng cường số hóa, và bảo vệ di sản văn hóa bao gồm cả môi trường, di tích và cư dân bản địa. Trên thực tế kỹ nghệ du lịch châu Âu nay đứng vào hàng thứ ba trong nền kinh tế châu lục, ảnh hưởng đến 10% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của toàn khối, và tạo công ăn việc làm cho 25 triệu người. Nhưng trong khi châu Âu phát triển du lịch thông minh trên nền đô thị thông minh thì nơi các vùng xa xôi như Bali của Indonesia việc phát triển dựa trên những đặc thù, và điều này mang đến cho du lịch tại nhiều nước đang phát triển những năng lực cạnh tranh cùng với sức sống riêng.
Chỉ 33.000 dân và 135.000 người phục vụ, lượng du khách Phuket đã lên đến 13 triệu người, cao hơn 12,5 triệu du khách đến nước ta trong năm ngoái.
Mô hình du lịch thông minh ở Dubai và cả ở các thành phố thông minh điển hình hiện nay như Singapore, lại là một sự tích hợp giữa du lịch với đô thị thông minh, nơi bản chất quản trị đã là chính quyền dịch vụ. Dubai dựa vào công nghệ làm giải pháp căn cơ để quản lý du lịch, dịch vụ và tài nguyên. Bản chất các tài nguyên phục vụ du lịch tại đây như phi trường, khách sạn và hệ thống giao thông đã mang bản chất thông minh của nó trong phạm vi một đô thị thông minh. Vì thế việc tích hợp du lịch thông minh vào thành phố thông minh ở đây được thực hiện bằng các ứng dụng kết nối du khách và công ty du lịch vào hệ thống tài nguyên đô thị. Ứng dụng iDubai giúp họ kết nối với chính quyền đô thị; RTA Dubai kết nối vào hệ thống giao thông và trạm xe; Dubai Calender kết nối vào các sự kiện; Time Out Dubai kết nối vào những nơi giải trí và cả những tờ báo; mParking Dubai cho chỗ đậu xe; Dubai Metro cho tàu điện ngầm; The Dubai Mall cho việc mua sắm; UAE Yellow Pages kết nối với các doanh nghiệp; và Careem/Uber là những ứng dụng gọi xe.
Cuộc cạnh tranh du lịch thông minh ở Đông Á và Đông Nam Á cũng nhộn nhịp không kém nhưng lại đi theo hướng khác. Ở Hàn Quốc, chính quyền sở tại cùng Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO) là nơi phát động làn sóng du lịch thông minh, thông qua các mạng xã hội, gọi là mạng lưới dịch vụ xã hội (social network service - SNS). Du khách không chỉ vào đó để tham quan (visit) mà chủ yếu là để kết nối với các khu du lịch, các phương tiện chuyên chở và bất cứ dịch vụ nào du khách cần đến. Tại Phuket, địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Thái Lan, giải pháp Internet vạn vật lại là chìa khóa của hệ thống du lịch thông minh: Chính quyền sở tại cho thiết lập hàng ngàn trạm phát Wi-Fi ở những nơi hoang sơ, và khuyến khích phát sóng công cộng hàng ngàn hotspot tại nơi đông người, cùng với đó là những camera tạo nên hệ thống thị giác máy tính. Công dân, doanh nhân, và du khách có thể kết nối vào bất cứ dịch vụ nào, chỉ cần thông qua ứng dụng Smart Phuket Application. Điều ít ai biết là với chỉ 33.000 dân và 135.000 người phục vụ, lượng du khách Phuket đã lên đến 13 triệu người, nghĩa là còn cao hơn 12,5 triệu du khách đến nước ta trong năm ngoái.
Anh Vũ
Nguồn The Saigon Times