Người Việt mua hơn 125.000 ô tô trong nửa đầu năm 2018
Tổng doanh số bán hàng thị trường ô tô Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 là 125.659 chiếc, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 10% trong khi xe nhập khẩu giảm 49% so với cùng kì năm ngoái.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 6/2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 21.913 xe, giảm 5% so với tháng 5/2018, tăng 10% so với tháng 6/2017.
Cụ thể, trong số 21.913 xe được bán ra có đến 15.185 xe du lịch; 6.281 xe thương mại và 447 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch giảm 1%; xe thương mại giảm 8% và xe chuyên dụng giảm 42% so với tháng trước
Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 19.194 xe, giảm 1% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 2.719 xe, giảm 24% so với tháng trước.
VAMA cho biết, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 6/2018 giảm 6% so với cùng kì năm ngoái. Xe ô tô du lịch tăng 6%; xe thương mại giảm 21% và xe chuyên dụng giảm 40% so với cùng kì năm ngoái.
Tính đến hết tháng 6/2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 10% trong khi xe nhập khẩu giảm 49% so với cùng kì năm ngoái.
Cũng theo báo cáo của VAMA, kết thúc tháng 6/2018, Toyota tiếp tục chiếm ngôi đầu bảng là thương hiệu tiêu thụ xe nhiều nhất với 4.268 xe. Vinamazda đã vươn lên vị trí số 2 với 2.681 xe, đẩy Thaco Truck xuống số 4 (2.311 xe) so với tháng trước đó. Ở vị trí số 3, Thaco Kia bán được 2.354 xe, Vị trí số 5 thuộc về Honda Việt Nam với số xe bán được là 2.262 xe.
Ở vị trí số 3, Thaco Kia bán được 2.354 xe, giảm 1% so với tháng trước đó nhưng đạt tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Vị trí số 5 là Honda Việt Nam với số xe bán được là 2.262 xe, tăng trưởng 128% so với cùng kỳ.
Mẫu xe bán chạy nhất vẫn không ai khác ngoài cái tên Toyota Vios với 2.049 chiếc được giao trong tháng vừa qua. Các mẫu xe có sức tiêu thụ tốt còn lại gồm Toyota Inova ( 1.291 chiếc), Mazda 3 (1.220 chiếc), Mazda CX-5 (1.130 chiếc) và cuối cùng là Kia Cerato (1.027 chiếc).
Ngọc Anh
Nguồn Trí thức trẻ