Bài toán khó giải cho các nhà sản xuất gameshow truyền hình
Hầu như không có nhà tài trợ đồng hành, doanh thu quảng cáo không ổn định và giảm sút nên gameshow không lỗ đã là may mắn với các nhà sản xuất.
Tập đầu gameshow mới Giọng ca bất bại của Điền Quân Media & Entertainment vừa lên sóng HTV vào cuối tháng 6. Tuy được dự đoán là sẽ ăn khách khi có 2 giám khảo là 2 ngôi sao ca nhạc được ưa chuộng nhất hiện nay là Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng, nhưng đại diện nhà sản xuất cho biết với 13 tập phát sóng sẽ phải chịu lỗ khoảng 6 tỷ đồng.
Bội thu tài trợ chỉ là "giấc mơ xưa"
Được biết Giọng ca bất bại có chi phí sản xuất ở mức 1,3 tỷ đồng/tập phát sóng, nhưng không có nhà tài trợ đồng hành. Kiểm chứng điều này qua một số nhà sản xuất gameshow "sừng sỏ" khác, họ xác nhận đó là mức chi phí trung bình cho những gameshow có mức độ hoành tráng tương tự, như Vietnams Next Top Model (phát sóng trên VTV3), hay Ban nhạc quyền năng (phát sóng trên Truyền hình Vĩnh Long) đều trên 1 tỷ đồng/tập.
"2 năm nay hầu như không có nhà tài trợ, nên doanh thu của các gameshow chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo. Những chương trình nằm trong top có lượng khán giả xem cao hầu hết là hòa vốn hay lãi chút đỉnh, không lỗ đã là may mắn", đại diện nhà sản xuất gameshow Ban nhạc quyền năng cho biết.
Trên thực tế, xem Giọng ca bất bại, Ban nhạc quyền năng, Vietnams Next Top Model, Đấu trường võ nhạc..., khán giả sẽ hình dung được việc đầu tư sản xuất tốn kém thế nào. Chi phí cho âm thanh, ánh sáng, giám khảo, huấn luyện viên, khách mời nổi tiếng của các gameshow này rất cao.
Chưa kể, với những gameshow ăn khách của nước ngoài, có yêu cầu khắt khe về format (bản quyền), nhà sản xuất còn phải bỏ ra khoản chi phí lớn để trả cho người của công ty nước ngoài sang giám sát hay chuyển giao kỹ thuật dàn dựng. Trong khi chi phí sản xuất gameshow mỗi năm mỗi tăng, thì doanh thu quảng cáo trên truyền hình lại có xu hướng ngày càng giảm, không ổn định tùy theo mùa, thời điểm phát sóng và độ ăn khách của chương trình.
Nếu như trước đây những gameshow như Gương mặt thân quen, Giọng hát Việt, Tìm kiếm tài năng Việt, Ơn giời, cậu đây rồi... từng thu được trung bình từ 5 - 12 tỷ đồng quảng cáo/tập, thậm chí Gương mặt thân quen (2014) từng lập kỷ lục với 370 triệu đồng/ block quảng cáo 30 giây trong đêm chung kết, hay chung kết Ơn giời, cậu đây rồi (2014) có giá 700 triệu đồng/phút quảng cáo..., thì nay những con số doanh thu này chỉ còn là "giấc mơ xưa".
Năm ngoái, quảng cáo gameshow có giá trung bình 28 triệu đồng/lượt phát sóng, trong khi năm 2016 là 45,5 triệu đồng - theo số liệu của VIETNAM-TAM. Chưa có thống kê của năm nay nhưng chắc chắn không khả quan hơn. Mới đây, theo dự báo về mức độ chi tiêu cho quảng cáo từ Zenith, quảng cáo di động sẽ chiếm 30,5% chi tiêu quảng cáo toàn cầu vào năm 2020, tăng từ mức 19,2% trong năm 2017.
Theo thống kê trong năm 2017 về nhóm khán giả theo dõi gameshow trên truyền hình, khán giả trong độ tuổi từ 15 - 35 chiếm khoảng 23%, khán giả trên 35 tuổi chiếm 66%, khán giả nữ chiếm 44%, nam giới chiếm 54%...
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại thì quảng cáo di động có triển vọng vượt qua quảng cáo truyền hình vào năm 2021. Trong khi quảng cáo truyền hình đâu chỉ tập trung cho game show mà còn chia sẻ cho hàng trăm chương trình khác như tin tức, du lịch, phim truyện, âm nhạc, thể thao...
Ngoài ra, doanh thu quảng cáo sụt giảm còn có nguyên nhân từ nội tại của gameshow khi quá nhiều chương trình na ná nhau và cạnh tranh bằng những "chiêu trò" nên không tránh khỏi khiến khán giả thấy nhàm chán, bội thực.
Lỗ nhưng vẫn phải làm
Để tạo thêm nguồn doanh thu, từ mấy năm nay, nhiều gameshow đã phát trên kênh YouTube, nhưng nguồn thu không nhiều. Về lý do không thắng lớn mà vẫn sản xuất những gameshow tốn kém, đại diện của nhà sản xuất Giọng ca bất bại thừa nhận, mỗi nhà sản xuất phải định vị vị thế của mình trong lĩnh vực họ đang kinh doanh, nên chấp nhận lỗ khi sản xuất một số gameshow là để xây dựng thương hiệu.
Còn theo nhà sản xuất Ban nhạc quyền năng, do khó khăn nên các công ty lớn từng sản xuất nhiều gameshow "nặng ký" đã phải co cụm hoạt động, cắt giảm chi phí cũng như thu hẹp quy mô chương trình, chỉ có một số nhà sản xuất mới tham gia thị trường nên còn "sung sức" và "máu lửa".
Mặt khác, dù vẫn chiếm sóng "giờ vàng" của các buổi tối cuối tuần trên các kênh lớn như VTV3, HTV7, THVL1..., nhưng số lượng gameshow truyền hình trực tiếp đã giảm đi, chỉ phát sóng trực tiếp vào đêm chung kết do trực tiếp từng tập phải tốn thêm khoản chi phí rất lớn cho tổ chức quay hình và "mua sóng".Có thể thấy qua Gương mặt thân quen 2018 (đang phát sóng trên VTV3) đã thay hết từ dàn giám khảo đến MC, cả đội ngũ chuyên viên hóa trang, biên đạo và quy mô dàn dựng sân khấu so với 6 mùa trước. Trong đó, ngoài Đàm Vĩnh Hưng, còn lại giám khảo Kim Oanh, Quang Linh hay MC Quang Bảo đều không phải là những tên tuổi có thể thu hút được lượng khán giả lớn. Nhiều gameshow khác cũng chọn giải pháp tương tự.
Doanh thu không cao nhưng thị trường gameshow vẫn tiếp tục nở rộ trong năm 2018, song chiếm đa số là gameshow về se duyên, mai mối, mẹ chồng nàng dâu, hôn nhân, gia đình... được đánh giá là vừa dễ thu hút khán giả, vừa không tốn nhiều kinh phí sản xuất.
Kết quả do VIETNAM-TAM thống kê trong năm 2017 về nhóm khán giả theo dõi gameshow trên truyền hình cho thấy, khán giả trong độ tuổi từ 15 - 35 chiếm khoảng 23%, khán giả trên 35 tuổi chiếm 66%, khán giả nữ chiếm 44%, nam giới chiếm 54%... Trong đó, khán giả trên 35 tuổi là lao động chính, nên những gameshow vừa bổ sung kiến thức về xã hội, gia đình, đời thường, vừa có tính giải trí, giúp thư giãn như kể trên là phù hợp.
Tuy nhiên, nhiều gameshow dạng này như Lựa chọn của trái tim, Khúc hát se duyên, Vì yêu mà đến, Phiên tòa tình yêu... đã bị khán giả chê là nhảm và nhạt.
Nhìn chung, dù đã nỗ lực tạo sự đa dạng trong nhu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng khán giả, nhưng doanh thu quảng cáo lao dốc và lượng người xem không cao vẫn đang là bài toán khó giải với các nhà sản xuất gameshow truyền hình.
Xuân Hương
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn