Sữa tăng giá, đắt như hàng xa xỉ

Giá sữa trong nước liên tục tăng cao càng làm lộ rõ bất cập giữa thu nhập của người dân và chi tiêu dành cho mặt hàng sữa trong giỏ hàng tiêu dùng.

Từ năm 2002 đên 2010, thu nhập bình quân của người dân (tính theo mức giá thực tế) chỉ tăng 238% trong khi đó chi tiêu cho nhóm mặt hàng sữa (theo giá thực tế) tăng lên đến 484% gần gấp 2 lần mức tăng thu nhập. Như vậy sữa từ một mặt hàng thiết yếu đã trở thành mặt hàng xa xỉ trong giỏ hàng tiêu dùng của người dân thành thị của Việt Nam.

Thị phần của thị trường sữa bột chủ yếu tập trung vào một vài công ty lớn. Số liệu điều tra của EIM năm 2010 cho thấy 71% thị phần sữa bột Việt Nam là của bốn lớn là Abbott, Vinamilk, Mead Johnson và Fresland Campina.

Sữa tăng giá, đắt như hàng xa xỉ

Theo báo cáo của Bộ Công Thương trong năm 2012, trên thị trường Việt Nam hiện tại sữa ngoại vẫn chiếm ưu thế với hơn 60% thị phần chỉ nằm trong tay một vài công ty lớn.

Trong khi đó, cầu của sữa theo giá là ít co dãn. Số liệu từ tổng cục thống kế từ năm 2002 đên 2010, thu nhập bình quân của người dân chỉ tăng 238% trong khi đó chi tiêu cho nhóm mặt hàng sữa tăng lên đến 484% gần gấp 2 lần mức tăng thu nhập cho thấy sữa đã trở thành mặt hàng xa xỉ.

Mặc dù giá sữa tăng lên cao nhưng nhu cầu người dân giảm không nhiều. Đối với nhiều bậc phụ huynh thì thì vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý cho rằng sữa là một phần tất yếu cho sự phát triển toàn diện của đứa trẻ và việc cho con cái của mình uống sữa đã như một nghĩa vụ.

Một số cuộc khảo sát nhỏ cho thấy người tiêu dùng vẫn mua, trung thành với nhãn hiệu đang sử dụng vì thói quen và tác động từ quảng cáo.

Từ kết quả phân tích chúng ta thấy rằng có hiện tượng độc quyền bán trong thị trường sữa trong khi cầu của sữa là ít co giãn. Đứng về góc độc kinh tế học, kết quả này cho thấy rằng lợi ích toàn xã hội bị thiệt hại từ hành động độc quyền này trong đó người tiêu dùng là người bị thiệt hại rất lớn do hành vi của người tiêu dùng là ít thay đổi từ việc tăng giá sữa.

Thiếu minh bạch thông tin

Trên các kênh truyền hình, chúng ta thường nghe những câu quảng cáo kiểu như "DHA sẽ giúp trẻ thông minh hơn", những câu này tác động rất mạnh đến động lực mua sữa của người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay trên thế giới thì vẫn chưa có một bằng chứng, nghiên cứu nào kết luận về nội dung quảng cáo trên là đúng.

Theo báo cáo của UBND TP HCM thì chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hội thảo của các đơn vị kinh doanh sữa rất cao: từ 30-50% tổng chi phí vượt qua rất lớn so với chi phí quy định bởi thông tư 134/2007/TT-BTC chỉ cho phép chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... không được vượt quá 10% tổng chi phí của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đã "đội giá" của sản phẩm sữa lên rất lớn so với giá vốn hàng bán. Đây là những bằng chứng cho thấy người tiêu dùng phải chịu thiệt hại từ những thông tin không minh bạch của các doanh nghiệp kinh doanh sữa.

Quản lý yếu

Đứng về góc độc kinh tế học công cộng, khi trên thị trường có sự độc quyền hay thông tin bị sai lệch được đề cập ở trên thì chính phủ có cơ sở để can thiệp vào thị trường. Tuy nhiên thực tế của sự cạn thiệt chính phủ hiện nay là kém hiệu quả.

Luật cạnh tranh có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2005 nhằm tạo công cụ pháp lý hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế luật cạnh tranh đã chưa phát huy vai trò trong thực tế và trên thị trường sữa. Chưa có bằng chứng nào chứng minh luật cạnh tranh đã góp phần lành mạnh hóa thị trường sữa trước tình trạng độc quyền bánvàthông tin sai lệch trên thị trường sữa.

Có rất nhiều các pháp lệnh, nghị định, thông tư cũng như các biện pháp ổn định giá khác liên quan đến việc điều tiết giá sữa và nhiều biện pháp bình ổn giá nhưng tất cả đều tỏ ra không hiệu quả. Kể từ đầu năm 2012, Bộ Tài chính đã ban hành 6 văn bản liên quan đến giá sữa.

Đáng chú ý là văn bản số 2080/BTC-QLG ngày 20/2/2012 đề nghị các Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, kiểm tra, đánh giá mức hợp lý giữa tỷ lệ tăng (giảm) chi phí đầu vào so với tỷ lệ tăng giá bán.Điều này đã dẫn đến khi nhập khẩu sữa bột về, các doanh nghiệp đã pha thêm một số các chất dinh dưỡng, hương liệu và đổi tên thành thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung nhằm không phải khai báo giá mà còn bán theo giá của sản phẩm sữa.

Rõ ràng có rất nhiều văn bản hành chính được chính phủ ban hành, thậm chí chỉ trong vòng chưa đầy một tháng của năm 2012 đã có đến ba văn bản liên quan đến quản lý giá sữa tuy nhiên giá sữa bột Việt Nam vẫn tiếp tục "đắt nhất thế giới" là bằng chứng thực tế cho thấy các biện pháp hành chính hiện này là kém hiệu quả.

Tăng cạnh tranh và minh bạch thông tin

Sữa tăng giá, đắt như hàng xa xỉThứ nhất nhà nước cần phát huy vai trò của luật cạnh tranh để lành mạnh hóa cạnh tranh trên thị trường sữa. Đó là cách thức hợp pháp nhất, căn bản nhất, có thể góp phần quan trọng vào việc phá vỡ sự độc quyền.Chính phủ cần phải thay thế cách điều hành thị trường thông qua các văn bản hành chính mà thay vào phải điều hành thị trường dựa trên một hệ thống quy phạm pháp luật phù hợp để cho mọi đối tượng xã hội hoạt động trong khuôn khổhệ thống quy phạm pháp luật đó.

Thứ hai, chính phủ cần có chính sách cụ thể để phát triển nguồn cung sữa. Để giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu, chính phủ cần phải có chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các hộ gia đìnhphát triển năng lực sản xuất trong nước.

Sau khi chúng ta gia nhập WTO, việc sử dụng các hàng rào thuế quan và mậu dịch để bảo hộ sản xuất trong nước là rất khó cho nên chúng ta có thể tiến hành bằng cách đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật cho ngành sữa, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh để cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến sữa trong nước phát triển ; hỗ trợ vốn vay tín dụng cho bà con và doanh nghiệp dân doanh phát triển đàn bò...

Nhà nước cần đảm bảo tính minh bạch thông tin trên thị trường sữa. Những biện pháp như đăng ký giá, kê khai giá, công bố thông tin về giá... sẽ góp phần vào quá trình minh bạch. Nhà nước cần điều tra, thanh kiểm tra các doanh nghiệp sữa và công bố công khai các thông tin có ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng . Việc thực thi các quy định về quảng cáo một cách nghiêm túc; xử lý nghiêm minh các hành vi quảng cáo sai sự thật, không có cơ sở khoa học để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Nguồn Chiến lược Marketing