Cơn "ác mộng" Amazon
Hơn 52% sản phẩm sách tiêu thụ ở Mỹ được bán qua Amazon, 43% giao dịch trực tuyến qua Amazon.
Mỗi ngày thức dậy, người Mỹ lại thấy có thêm 10 cửa hàng bán lẻ truyền thống phải đóng cửa. Từ đầu năm 2018 tới nay, tại Mỹ mỗi tháng có 3 hãng bán lẻ tuyên bố phá sản. Không phải các hãng bán lẻ dịch vụ kém hay hàng hoá kém chất lượng, mà vì các đối thủ của họ, các hãng bán hàng trực tuyến đã đi quá xa về dịch vụ và điều đó đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
Năm 2017 hàng ngàn cửa hàng bán lẻ ở Mỹ phải đóng cửa. Tình trạng này diễn ra ở mức kỷ lục trong năm 2018 với 3.800 cửa hàng. Bảng thống kê cho thấy hãng đồ chơi truyền thống Toys R Us đứng đầu với 735 cửa hàng, ít nhất là Kroger với 6 cửa hàng nhưng gần như không một hãng bán lẻ nào không bị tác động.
Không chỉ các hãng bán lẻ, các công ty vận tải cũng đang phải lo. Chương trình chuyển hàng mới của Amazon là cơn "ác mộng" với Fedex và UPS. Amazon đã sở hữu máy bay, xe tải để chuyển hàng hoá cho các khoảng cách xa. Giờ Amazon lại tuyển thêm nhiều công ty nhỏ và cá nhân để mang hàng hoá từ các kho tới tận cửa của khách hàng. Mạng lưới của Amazon không thể so sánh với UPS hay Fedex nhưng đang đe dọa "miếng cơm manh áo" của các hãng vận tải này.
Khi có tiềm lực về tài chính, các hãng bán thương mại điện tử không chỉ tự làm mọi việc mà họ còn muốn có trong tay mọi mặt hàng, nắm thế chủ động về phân phối và giá thành sản phẩm.
Amazon đã đưa ra hai quyết định làm bốc hơi 17,5 tỷ USD của 8 công ty trên thị trường đó là: Tuyển dụng doanh nghiệp địa phương tham gia vào mạng lưới chuyển hàng, quyết định làm các nhà đầu tư của Fedex và UPS đau đầu, Thâu tóm hãng dược phẩm trực tuyến PillPack. Điều này làm cả thị trường dược phẩm hoang mang vì có thể bệnh nhân từ giờ chỉ cần ngồi ở nhà là thuốc có thể mang tới tận cửa.
Hãng cũng đang sở hữu 45% thị phần thị trường điện toán đám mây, có nghĩa hãng đang là công ty sở hữu cơ sở hạ tầng trực tuyến lớn nhất. Tuy nhiên, đáng nói hơn là hệ sinh thái của hãng này ngày càng lớn với hơn 80 triệu khách hàng Prime, một dạng dịch vụ thường được miễn phí vận chuyển và có nhiều khuyến mại.
Sự tham gia của Amazon đang hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi cho thị trường dược Mỹ, vốn bị nhiều chỉ trích về chi phí đắt đỏ trong những năm qua.
Dù chỉ là cái tên nhỏ, nhưng Pillpack, một công ty chuyên kinh doanh dược phẩm trực tuyến đã nhanh chóng là tâm điểm sự chú ý, khi trở thành con bài chiến lược của Amazon nhằm thách đấu các đối thủ lớn như CVS và Walgreens.
Cổ phiếu nhiều tên tuổi đã mất trên 10% ngay sau thông tin này, kéo theo khoảng 14 tỷ USD vốn hóa khỏi nhóm ngành dược. Sự lo ngại là có cơ sở, bởi với túi tiền không đáy cùng tiến bộ công nghệ, Amazon thừa khả năng khuấy động lĩnh vực vốn khá bảo thủ này như bất cứ lĩnh vực nào mà hãng từng tham gia.
"Đây sẽ là một công cụ để Amazon gây khó khăn cho các chuỗi dược phẩm lớn, tương tự như cái cách họ đã làm với giới kinh doanh sách, quần áo và các nhà bán lẻ khác", bà Lisa Bielamowicz, Chủ tịch Công ty Tư vấn Gist Healthcare, nhấn mạnh.
Đây không phải là lần đầu tiên Amazon tìm cách lấn sân sang thị trường dược và y tế. Hồi đầu năm nay, hãng đã cùng Berkshire của tỷ phú Warren Buffett và gã khổng lồ Ngân hàng JP Morgan thành lập một liên doanh chăm sóc sức khỏe của riêng mình.
Cả 3 tên tuổi lớn đều bày tỏ tham vọng sẽ "chiến đấu" với tình trạng chi phí y tế và thuốc men ngày càng cao tại Mỹ hiện nay. Và khi đó, số đông người tiêu dùng sẽ có cơ hội được chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền hơn, dù các hãng dược phẩm sẽ không mấy vui vẻ.
Chưa ai biết liệu các ông lớn như Amazon sẽ tiếp tục có những bước đi gì, thâu tóm những ngành nghề gì, nhưng có hai điều mà các nhà kinh tế tại Mỹ đang dự báo là sự ra đi của bán lẻ truyền thống chỉ là vấn đề thời gian và dù ai là người thống lĩnh thị trường, người tiêu dùng vẫn là người được hưởng lợi trước tiên.
Minh Đức / BI / CNBC / VTV
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư