Nhộn nhịp thị trường giải pháp tiếp thị số

Cùng với xu hướng ứng dụng phương thức tiếp thị số ở các doanh nghiệp, thị trường cung cấp giải pháp tiếp thị số gần đây trở nên nhộn nhịp và hấp dẫn cả những doanh nghiệp nước ngoài.

Phương thức tiếp thị số được biết đến cách đây vài năm qua các kênh như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm… gầy đây đã nở rộ với nhiều công cụ mới, đáng chú ý là giải pháp tiếp thị liên kết (affiliate marketing). Ông Tuấn Hà, Giám đốc Vinalink và là một chuyên gia về tiếp thị số, cho biết vào khoảng hai năm trước đã nghiên cứu về doanh thu từ thị trường tiếp thị số của Việt Nam (lấy số liệu từ nhiều nguồn trong đó có các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến) vào khoảng khoảng 300 triệu đô la Mỹ. Trong đó, doanh thu của Facebook, Google chiếm tới 70% thị trường. Tuy nhiên, năm 2017, thị trường này đã được định giá lên tới 1 tỉ đô la (với chỉ riêng việc chạy quảng cáo trực tuyến chứ không phải sản xuất nội dung hay các hoạt động tiếp thị, tổ chức sự kiện khác). Việt Nam là một thị trường tiếp thị số có tốc độ rất phát triển nhanh và tiềm năng.

Xu hướng tiếp thị liên kết

Tiếp thị liên kết được cho là giải pháp tiếp thị hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất cho các doanh nghiệp. Ông Đỗ Hữu Hưng, Tổng giám đốc Công ty Interspace Việt Nam, cho hay cách tiếp thị trực tuyến trước đây chỉ là giới thiệu sản phẩm, dịch vụ bằng cách đặt banner quảng cáo để người dùng nhắp chuột (click) vào từ khóa hoặc đường dẫn tìm hiểu dịch vụ, sản phẩm. Không cần biết là sản phẩm đã giới thiệu đó có bán được hay không, doanh nghiệp cũng phải trả phí cho từng lượt nhấp chuột.

Nhộn nhịp thị trường giải pháp tiếp thị số

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang tham gia cung cấp giải pháp tiếp thị số, tiếp thị liên kết. Ảnh: Hoàng Hưng.

Với cách tiếp thị trực tuyến hiện nay, cụ thể là với tiếp thị liên kết, chủ cửa hàng chỉ cần thuê nhà cung cấp nền tảng để dẫn khách hàng đến. Khi nào khách mua hàng thì cửa hàng mới phải trả khoản phí tiếp thị. Với tiếp thị liên kết, doanh nghiệp chỉ phải trả tiền khi khách mua hàng, đây là cách tiếp thị hiệu quả. Tại Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp sử dụng tiếp thị liên kết như A Đây rồi, Tiki, FPT Shop, Nguyễn Kim, Sendo, Topica...

Vẫn theo ông Hưng, trên thế giới có đến 70% lượng khách hàng quyết định mua hàng qua sự tư vấn của bạn bè và người quen nên tiếp thị liên kết phát huy hiệu quả trong bối cảnh này.

Theo các chuyên gia, tiếp thị liên kết là phương thức tiếp thị dựa trên nền tảng Internet, trong đó một trang web sẽ quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ cho nhiều trang web khác và được hưởng hoa hồng từ phương thức quảng bá này. Và khi mạng xã hội ngày càng nở rộ thì tiếp thị liên kết lại xoay chiều theo hướng làm tiếp thị thông qua những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trên mạng truyền thông xã hội (Influencers).

Theo bản báo cáo về Quảng cáo và Niềm tin toàn cầu của Nielsen, 92% người tiêu dùng tin vào sự giới thiệu của bạn bè, người thân hơn là thông tin quảng cáo của chính thương hiệu đó. Đó là lý do tiếng nói của những người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể tạo hiệu ứng tương tác mạnh mẽ, thậm chí định hướng cho hành vi mua sắm của những người hâm mộ hay người theo dõi họ.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), vào khoảng ba năm trước, hình thức tiếp thị liên kết bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. VECOM đã nhận ra đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến. “Phần lớn doanh thu tiếp thị trực tuyến trong hai năm qua tại Việt Nam đều ở trong tay của hai công ty Google và Facebook. Làm sao để lấy được doanh thu này thì chỉ có nhờ cung cấp các giải pháp tiếp thị liên kết”, ông Hưng khẳng định.

Xuất hiện nhiều nhà cung cấp giải pháp

Có đến 70% lượng khách hàng quyết định mua hàng qua sự tư vấn của bạn bè và người quen nên tiếp thị liên kết phát huy hiệu quả trong bối cảnh này

Cùng với xu hướng phát triển của Internet, thời gian gần đây có khá nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam tham gia cung cấp giải pháp tiếp thị số, tiếp thị liên kết. Và Eway – chuyên phát triển các giải pháp tiếp thị liên kết bao gồm nền tảng tiếp thị số, quảng cáo tự động – là một trong số các doanh nghiệp đó. Công ty Eway Không chỉ hướng đến việc cung cấp giải pháp cho thị trường Việt Nam mà Eway còn nhắm đến nhiều thị trường khác trong khu vực như Singapore, Indonesia và Thái Lan.

Eway đã cung cấp ra thị trường giải pháp AdStiq với cơ chế quảng cáo tự động. Với hệ thống tiếp thị có khả năng phân tích nhận diện người sử dụng, nhờ đó giải pháp này loại bỏ tình trạng phân tán dữ liệu người sử dụng do họ sử dụng thiết bị kết nối khác nhau. Ví dụ, một người tiêu dùng A quan tâm đến thương hiệu XYZ (có sử dụng giải pháp AdStiq) và tiếp cận thương hiệu này từ nhiều trang báo cũng như qua nhiều thiết bị di động khác nhau thì (nhờ công cụ AdStiq) công ty XYZ vẫn có thể nhận diện ra ngay vị khách A này. AdStiq cho phép phân tích và hiểu người tiêu dùng, nên chỉ gợi ý cho họ những sản phẩm mà vị khách hàng đó quan tâm.

Thêm nữa, Eway còn sở hữu nền tảng quảng cáo AdFlex – cộng tác và phát triển trên 20 quốc gia, vận hành hơn 50 chiến dịch quảng cáo một ngày, 40 triệu lượt nhắp chuột mỗi tháng và chia sẻ doanh thu với hơn 30.000 đối tác. Ngoài ra, Eway còn có năm giải pháp tiếp thị số gồm DyTa, Cost per Order, Cost per Sale, Cost per Lead và Wi-Fi Marketing. Đây là những nền tảng tiếp thị và phân phối sản phẩm dựa trên công nghệ dữ liệu lớn (Big Data).

Trong đó Cost per Order (CPO) và Cost per Sale (CPS) là giải pháp phân phối quảng cáo rủi ro thấp, chi phí thấp, phù hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp bán sản phẩm đại trà. Còn Cost per Lead (CPL) là dịch vụ cung cấp nguồn dữ liệu khách hàng chất lượng cao cho các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Sử dụng giải pháp, thông tin sẽ đến từ đúng đối tượng khách hàng tiềm năng.

Dynamic Targeting (DyTa) là một công cụ giúp lọc người truy cập trang web thành các nhóm có cùng đặc điểm địa lý, nhân sinh, hành vi tiêu dùng... sau đó hiển thị các nội dung quảng cáo riêng phù hợp với từng nhóm khách hàng đó. Nền tảng này được Eway phát triển dành cho các chủ trang web nhỏ và vừa, những người thường gặp khó khăn trong việc quản lý nhiều trang web và không tiếp cận được với các công cụ quảng cáo cao cấp như Google AdSense, AdChoices. Riêng Wi-Fi Marketing là mô hình quảng cáo thông qua các mạng Wi-Fi công cộng miễn phí (nhà hàng, sân bay, trung tâm thương mại). Nhờ ứng dụng từ Big Data, Eway sẽ phân tích thông tin của người truy cập Wi Fi, sau đó trả về các quảng cáo tương ứng với đặc điểm dân sinh, nghề nghiệp, sở thích, thói quen tiêu dùng… Nhờ cách làm này, người truy cập sẽ không còn cảm thấy phiền khi phải đọc những quảng cáo không liên quan.

Ngoài Eway, tại Việt Nam còn có một số doanh nghiệp tham gia cung cấp giải pháp tiếp thị liên kết như Clever Ads, DKT, MOG Việt Nam…

Nhộn nhịp thị trường giải pháp tiếp thị số

Ảnh: Adweek.

Phân phối cả giải pháp ngoại

Không chỉ tham gia cung cấp giải pháp do mình phát triển, MOG Việt Nam còn tham gia phân phối giải pháp tiếp thị số của nước ngoài. Sau khi đã có 34.000 khách hàng tại 90 quốc gia trên thế giới, cuối năm ngoái, tập đoàn công nghệ của Mỹ là HubSpot đã vào Việt Nam thông qua việc công bố đối tác là công ty cổ phần MOG Việt Nam.

Với vai trò là đối tác duy nhất của HubSpot, MOG đã thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn GrowSteak để phân phối và cung cấp trực tiếp nền tảng Inbound Marketing & Sales của HubSpot tới các khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm tư vấn chiến lược, đào tạo kiến thức, thiết lập và triển khai phần mềm HubSpot, xây dựng hệ thống tự động hóa bán hàng và tiếp thị, quản lý bán hàng, sáng tạo nội dung…

HubSpot là công ty đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm Inbound Marketing và Sales, đưa nó trở thành một xu hướng mới trong Marketing hiện đại. HubSpot đã sử dụng chính sản phẩm của mình để làm chiến lược tiếp cận khách hàng để tạo nên sự phát triển mạnh từ năm 2004 đến nay. Giá trị vốn hoá của HubSpot trong năm 2017 đã đạt 2,9 tỉ đô la.

Inbound Marketing là một phương thức tiếp cận khách hàng dựa trên sự yêu thích và giá trị hữu ích nhằm kéo khách hàng về phía doanh nghiệp. Với phương pháp này, thay vì bán hàng trực tiếp, các doanh nghiệp sẽ tìm cách đưa ra những giải pháp có giá trị tốt nhất cho những vấn đề và mong muốn mà khách hàng đang đối mặt. Trong Inbound Marketing khách hàng tiềm năng sẽ là người chủ động tìm kiếm doanh nghiệp thông qua các kênh như Blog, các công cụ tìm kiếm và các mạng xã hội. Đơn giản hơn, đó chính là việc doanh nghiệp giúp khách hàng giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải, từ đó tiếp cận được khách hàng tiềm năng, khiến họ tin tưởng vào thương hiệu và cuối cùng họ sẽ trở thành người mua hàng.

Phần mềm Inbound của HubSpot cung cấp đầy đủ các công cụ tiếp thị và bán hàng trên môi trường Internet và mạng xã hội. Cùng với đó là các kiến thức nghiệp vụ để dễ dàng thực hiện quy trình tiếp thị và bán hàng cho doanh nghiệp, như tự động hóa trong tiếp thị và bán hàng; công cụ tạo nội dung như: blog, trang web, tích hợp chatbot; tối ưu SEO; tự động hóa tiếp thị bằng thư điện tử; truyền thông mạng xã hội… Tất cả đều được tích hợp chỉ trong một nền tảng.

Thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tốc độ tăng trưởng hằng năm 50-70%.

Được biết, công ty quảng cáo trực tuyến của Nhật Bản là Interspace đã chính thức tham gia thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam từ vài năm nay bằng việc cùng với một công ty tại Việt Nam là Mwork Corp ra mắt công ty liên doanh Interspace Việt Nam để cung cấp giải pháp tiếp thị Accesstrade.vn tại Việt Nam. Theo ông Shinichiro Kawatabe, Tổng giám đốc Interspace Nhật Bản, cho biết Accesstrade là giải pháp tiếp thị trực tuyến được Interspace phát triển và vận hành từ năm 2001.

Tính riêng tại Nhật Bản, Accesstrade có hàng chục nghìn khách hàng với hơn 400.000 trang web tham gia. Doanh thu của Interspace mỗi năm vài trăm triệu đô la. “Interspace đang muốn mở rộng ra thị trường ngoài Nhật Bản, đặc biệt là Đông Nam á. Interspace nhìn thấy cơ hội lớn tại thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam nên muốn mở liên doanh tại đây,” ông Shinichiro Kawatabe nói.

Ngoài Nhật Bản, Interspace hiện đã có mặt tại Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Phillipines. Tại khu vực Đông Nam Á, thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam chỉ hấp dẫn sau Indonesia và Thái Lan. Thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam phát triển nhanh, chỉ sau hai năm thị trường đã tăng gấp đôi và thị trường này sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới.

Còn Interspace Việt Nam cho hay, Interspace Nhật Bản đã tìm hiểu thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam đến nay đã ba năm. Sau đó thương thảo với Mwork Corp Việt Nam mất một năm để cho ra mắt liên doanh này.

Interspace Việt Nam nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng cho quảng cáo trực tuyến, bởi người trẻ chiếm 30-40% dân số. Thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tốc độ tăng trưởng hằng năm 50-70%.

Accesstrade.vn là nền tảng quảng cáo trung gian, kết nối các doanh nghiệp và các công ty quảng cáo. Đây là nền tảng kết nối các công ty bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến như công ty thương mại điện tử, chuỗi của hàng bán lẻ, ngân hàng, tổ chức dịch vụ tài chính… với các đối tác truyền thông là các doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các trang web, blog để đưa hàng hoá dịch vụ của mình đến người dùng.

Mô hình quảng cáo của Accesstrade áp dụng cách tính phí quảng cáo là người mua quảng cáo chỉ phải trả phí khi khách hàng thực hiện một hành động gần với mong muốn của mình như mua hàng, nạp tiền, đăng ký dịch vụ.

Nguyễn Oanh
Nguồn The Saigon Times