Chưa rõ doanh nghiệp Việt chi quảng cáo trên YouTube, Facebook bao nhiêu

Năm 2018 ngành quảng cáo của thế giới ước đạt 558 tỉ USD, giữ được tốc độ tăng trưởng 4% kể từ năm 2009 đến nay. Tại VN, mức tăng trưởng quảng cáo và chi phí đầu tư vào quảng cáo cao hơn mặt bằng chung, tăng 2-3 lần, ước đạt hơn 2,98 tỉ USD.

Đưa ra con số này tại hội nghị lấy ý kiến về xây dựng thương hiệu ngành quảng cáo VN diễn ra tại TP.HCM ngày 28-6, bà Trần thị Thanh Mai, tổng giám đốc công ty truyền thông TNS VN, cho biết dù là quốc gia có doanh thu quảng cáo liên tục tăng trưởng đặc biệt là quảng cáo trên nền tảng Internet, nhưng cho tới thời điểm này, không một đơn vị nghiên cứu hay thống kê ở VN nào có thể cho biết con số thực tế các chủ quảng cáo đã chi vào quảng cáo số.

Thống kê của TNS và Group M cho thấy doanh thu của quảng cáo trên nền tảng internet tại VN năm 2018 dự kiến đạt khoảng 872 triệu USD. Ngân sách dành cho quảng cáo trong những năm gần đây có sự dịch chuyển mạnh từ các phương thức truyền thống sang trực tuyến. Điều này diễn ra rõ nhất ở những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, bán lẻ thiết bị di động, vé máy bay…

Ngoài các doanh nghiệp đang "bơm tiền" vào quảng cáo thì chính những cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến cũng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành.

Doanh thu của quảng cáo trên nền tảng internet tại VN năm 2018 dự kiến đạt khoảng 872 triệu USD.

Tuy vậy, theo bà Mai, các thống kê hiện nay chỉ mới nắm được chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như Tivi, radio, báo và tạp chí in và có căn cứ chứng minh các quảng cáo đã từng được phát hành trên các phương tiện này.

Riêng quảng cáo ngoài nhà bao gồm quảng cáo ngoài trời và quảng cáo trên màn hình LCD tại các tòa nhà, cao ốc thương mại, căn hộ... và internet chỉ trông đợi vào ước tính võ đoán của các công ty quảng cáo từ ngân sách dự kiến sử dụng hai phương tiện này cho các khách hàng của họ.

"Mỗi công ty quảng cáo đưa ra các dự báo khác nhau tùy theo khách hàng mà họ có, rất khó có số liệu chung của ngành trừ khi cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu bổ sung kê khai định kỳ tổng chi phí đầu tư vào quảng cáo cho tất cả các phương tiện truyền thông", bà Mai nói.

Do đó, một trong những giải pháp xây dựng thương hiệu quốc gia ngành quảng cáo VN, theo bà Mai, là cần phải công khai chi phí đầu tư vào quảng cáo của các chủ quảng cáo ở VN. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm được thực trạng, tiềm năng của ngành quảng cáo VN, ngoài ra, còn giúp doanh nghiệp tiếp cận được những chủ quảng cáo tiềm năng.

Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau để có môi trường minh bạch giúp quảng cáo phát triển.

Gần đây, cơ quan thuế thông qua phối hợp với một ngân hàng đã phát hiện những giao dịch thanh toán trên thẻ tín dụng hàng trăm tỉ đồng cho mỗi đơn vị.

Chưa rõ doanh nghiệp Việt chi quảng cáo trên YouTube, Facebook bao nhiêu

Ngân sách dành cho quảng cáo trong những năm gần đây có sự dịch chuyển mạnh từ các phương thức truyền thống sang trực tuyến.

Theo đó, cơ quan thuế chỉ cần yêu cầu chủ quảng cáo kê khai đầy đủ nghĩa vụ thuế khi sử dụng dịch vụ của nhà thầu nước ngoài như YouTube, Facebook. Với các đơn vị phát hành quảng cáo trên nền tảng số trong nước, nguồn thu từ quảng cáo đã tuân thủ các qui định và nghĩa vụ thuế trong nước.

Ngoài ra, nếu cá nhân quảng cáo trên YouTube hay Facebook, cần quy định ngân hàng khi chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng cá nhân, tự động thu hộ thuế nhà thầu nước ngoài và nộp về ngân sách nhà nước. "Quản lý quảng cáo còn phải có sự tham gia của cả ngân hàng, cơ quan thuế và Thống kê của Nhà nước", bà Mai đề nghị.

Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Quảng cáo VN, cho rằng hiện nay 50 tập đoàn lớn nhất thế giới trong ngành quảng cáo đã đến VN. Thị trường quảng cáo phụ thuộc rất nhiều yếu tố như sức mua của thị trường bán lẻ tăng trưởng tốt, sự minh bạch của nhà quản lý, tạo không gian cho sáng tạo phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào quảng cáo, và hiệu quả bỏ đồng tiền cao...

"Cách quản lý trong quảng cáo VN hiện nay vừa chặt vừa không hiệu quả, thay vào đó cần xóa bỏ việc cấp phép, tăng cường đẩy mạnh hậu kiểm...", ông Dũng nói.

N. Bình
Nguồn Tuổi Trẻ Online