Vĩnh Hảo có gì hấp dẫn để Masan chấp nhận trả mức giá "trên trời"?
Đầu năm 2013, Masan Consumer (MSC) tiếp tục lấn sân vào lĩnh vực nước giải khát khi thâu tóm Nước khoáng Vĩnh Hảo.
Với mức giá 85.000 đồng cho một cổ phần, Masan định giá định giá Vĩnh Hảo ở mức 689 tỷ đồng, gấp 51 lần lợi nhuận sau thuế của năm 2012, một mức giá có thể nói là cực kỳ hời với các cổ đông của Vĩnh Hảo.
Trong khi đó, mức giá mà MSC mua Vinacafe Biên Hòa hồi cuối năm 2011 chỉ gấp 10 lần LNST của năm 2011 của công ty này.
Quy mô của Vĩnh Hảo còn kém xa so với Vincafe Biên Hòa, vậy có những lý do gì mà MSC lại sẵn sàng trả mức giá hời như vậy?
Vốn điều lệ 81 tỷ và vốn chủ sở hữu hơn 100 tỷ, các năm gần đây đều lãi chưa đến 20 tỷ/năm. Rõ ràng là tình hình tài chính của Vĩnh Hảo không có gì hấp dẫn.
Tuy nhiên, công ty đang sở hữu một thương hiệu tốt trong lĩnh vực nước khoáng đóng chai, lĩnh vực mà các đối thủ ngoại như La Vie hay Aquafina đang thống trị.
Doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng tốt những năm gần đây: doanh thu thuần 2008 chỉ có 106 tỷ đồng thì đến năm 2012 đã tăng 5 lần lên 481 tỷ đồng.
Theo BCTN năm 2012 của Vĩnh Hảo, thị phần của nước khoáng của công ty tại TP.HCM (tính theo sản lượng) đã tăng từ 2,4% ở đầu năm 2010 lên 5,7% ở đầu năm 2013 và tương tự với chỉ số thị phần về giá trị tăng từ 2,5% lên 4,8%.
Doanh thu tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận không có nhiều chuyển biến là do công ty đã dốc mạnh hầu bao cho chi phí bán hàng. Chi phí này chiếm 25-30% doanh thu và trên 70% lãi gộp. Chính vì vậy mà lợi nhuận còn lại không còn nhiều.
Sau khi mua lại Vinacafe Biên Hòa, hệ thống phân phối của công ty này đã được hợp nhất vào hệ thống phân phối của Masan. Và trong thời gian tới, sản phẩm của Vĩnh Hảo cũng sẽ được phân phối qua hệ thống này.
Khi đó, Vĩnh Hảo sẽ được rất nhiều mặt lợi về hệ thống phân phối, marketing, R&D... Theo báo cáo thường niên của MSC, hệ thống phân phối của công ty bao gồm trên 186.000 điểm bán lẻ tại 64/64 tỉnh thành.
Mua lại những doanh nghiệp tốt nhưng đang hoạt động chưa tương xứng với tiềm măng vốn có rồi cải tạo lại là một việc thường thấy trong các thương vụ M&A, trường hợp này có thể cũng như vậy.
Trong năm 2013, năm đầu tiên về với Masan, Vĩnh Hảo đặt mục tiêu tăng trưởng 13% về doanh thu và lợi nhuận tăng gần gấp đôi từ 13,4 tỷ lên 25,6 tỷ đồng.
Dù sao kế hoạch lợi nhuận này cũng chưa thể tương ứng với mức giá mà Masan Consumer đã bỏ ra. Có lẽ cần một thời gian dài nữa mới có thể hiểu được vì sao Masan lại chấp nhận một mức giá cao như vậy.
Đối với Vinacafe Biên Hòa, trong năm đầu về với MSC, doanh thu và lợi nhuận của công ty đã tăng tương ứng là 33% và 41%. Kế hoạch năm nay là tăng gấp rưỡi về cả doanh thu lẫn lợi nhuận.