Tương lai nào cho máy tính cá nhân?

Hãng nghiên cứu thị trường IDC vừa đưa ra nhận định: thị trường máy tính cá nhân đang bị ảnh hưởng nặng nề do sức mua tăng của smartphone và máy tính bảng. Lâu nay, máy tính vẫn đảm nhiệm rất tốt vai trò là phương tiện xử lý công việc tối ưu, trong khi đó chức năng chủ yếu của smartphone là nghe – gọi, còn máy tính bảng là công cụ lướt web, chơi game. Nhưng vấn đề là ở chỗ, người dùng đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các “chức năng phụ” của smartphone và máy tính bảng.

Tương lai nào cho máy tính cá nhân?

Hai quan điểm, một góc nhìn

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ không dây, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia của Qualcomm cho biết, hiện 90% công việc của ông được xử lý trên smartphone, bởi lẽ thiết bị này đã tích hợp gần như đầy đủ các tính năng của một laptop. Với con mắt của một người am hiểu chi tiết về thị trường thiết bị cá nhân, ông Nam nhận định: từ nay cho đến năm 2016, thị trường laptop sẽ chững lại, không tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng của máy tính cá nhân chỉ vào khoảng 6%, trong khi các thiết bị di động như smartphone và tablet sẽ tăng trưởng đến 41% và dần dần thay thế cho máy tính cá nhân. “Chúng ta đang ở trong giai đoạn hậu PC (máy tính cá nhân) khi mà các thiết bị di động tăng trưởng mạnh, dần dần thay thế cho các loại PC truyền thống”, chuyên gia này bình luận.

Nguyên nhân khiến cho tốc độ tăng trưởng của máy tính cá nhân chậm lại và máy tính bảng cũng như smartphone lên ngôi, theo ông Nam, chủ yếu là do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 3G. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 6,6 tỷ kết nối di động, trong đó có 2 tỷ kết nối 3G và cứ mỗi ngày lại có trên 1 triệu kết nối 3G mới. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển 3G nhanh, hệ thống hạ tầng viễn thông cũng thuộc loại tốt nhất trong khu vực châu Á. Ngoài ra, nhà mạng cũng đưa ra nhiều gói cước 3G hợp lý giúp cho người dùng ngày càng thích sử dụng 3G hơn. Hơn thế, giá thiết bị đầu cuối cũng ngày càng rẻ: chỉ cần khoảng 3 triệu đồng là người dùng có thể có một chiếc smartphone “hàng hiệu”, 5 triệu đồng là có một chiếc tablet…

Tương lai nào cho máy tính cá nhân?

Jeff Lo – Tổng Giám đốc Asus Việt Nam có nhận định hơi khác. Doanh nhân này cho rằng, sức mua sắm trên thị trường công nghệ và nhiều ngành khác thời gian qua ít nhiều bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế trên diện rộng; quý đầu năm cũng không phải là giai đoạn sôi động của thị trường công nghệ. Theo ông Jeff Lo, để nhìn được tình hình thực tế một cách chính xác thì cần một thời gian quan sát đủ dài và bao quát. Với tư cách là một người kinh doanh máy tính, ông cho rằng, smartphone và máy tính bảng sẽ không thể thay thế được cho máy tính cá nhân, bởi nó đảm bảo sức mạnh điện toán, bàn phím vật lý cho thao tác đánh máy hiệu quả, kích thước màn hình đủ lớn để sử dụng dài lâu, nhiều ứng dụng phục vụ công việc tối ưu…

Dẫu khẳng định smartphone và máy tính bảng sẽ không thể thay thế được máy tính cá nhân, nhưng ông Jeff Lo cũng phải thừa nhận rằng, thị trường máy tính cá nhân bị ảnh hưởng do sức hút của smartphone và máy tính bảng với khả năng tăng trải nghiệm và tương tác với người dùng thông qua màn hình cảm ứng; tạo cho họ cảm giác thích thú, trực quan, dễ tiếp cận công nghệ.

Cơ hội cho những “đứa con lai”

Trước câu hỏi các nhà sản xuất và kinh doanh máy tính sẽ phải làm gì khi thị trường của mình đang bị các lĩnh vực khác lấn sân, người đứng đầu hãng máy tính đang dẫn đầu thị trường tại Việt Nam (chiếm 17,8% thị phần) cho biết, mối quan tâm lớn nhất của ông trong giai đoạn hiện nay là làm sao tìm hiểu, đáp ứng những nhu cầu đang thay đổi rất nhanh của người tiêu dùng trên thị trường, cả về sản phẩm lẫn dịch vụ. Để đáp ứng nhu cầu kết nối di động và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, Asus đang tập trung vào chiến lược “Customer Happiness 2.0” – một tiêu chuẩn mới cho tất cả các khía cạnh sản phẩm, bao gồm thiết kế, âm thanh, cảm ứng, tốc độ – hiệu suất và kết nối di động. Ông Jeff Lo tiết lộ: các sản phẩm mới hiện nay của Asus trên thị trường đều đảm bảo đầy đủ các yếu tố trong định hướng Customer Happiness 2.0 kể trên, từ laptop, ultrabook đến tablet.

Tương lai nào cho máy tính cá nhân?

Để có thể đến gần hơn với người tiêu dùng và có thể cạnh tranh về giá với các phương tiện smartphone hay máy tính bảng, những nhà sản xuất và kinh doanh máy tính cũng đang thay đổi lớn trong chiến lược giá. Chẳng hạn, Intel vừa thực hiện một cuộc cách mạng về giá với dòng sản phẩm ultrabook bằng việc giảm xuống còn 599 USD/chiếc vào cuối năm nay. Trong khi đó, nhiều thương hiệu máy tính khác cũng đang tung ra các chính sách khuyến mãi. Hiện Toshiba đang áp dụng chương trình khuyến mãi bộ quà 2 triệu đồng hoặc trừ thẳng vào giá cho khách hàng mua sản phẩm Toshiba Sateline M840 53234G50G. Theo đại diện của thegioididong.com thì đây là sản phẩm có mức giảm giá lớn nhất trong thời gian qua và dự tính sẽ còn nhiều sản phẩm tiếp tục giảm giá trong thời gian tới…

Sự kết hợp giữa máy tính xách tay và máy tính bảng được coi là một bước đi táo bạo của những người làm máy tính với hi vọng có thể vừa “giữ được bản sắc” vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Báo cáo thị trường tháng 3 và 4/2013 của hệ thống thegioididong.com cho thấy, 2 sản phẩm hot nhất (Asus Taichi và Lenovo Yoga 13) chính là sự kết hợp giữa máy tính xách tay và máy tính bảng.

Vẫn còn quá sớm để kết luận về tính hiệu quả của những bước chuyển biến này, nhưng điều đó cho thấy các nhà sản xuất và kinh doanh máy tính quyết không chịu ngồi nhìn smartphone hay máy tính bảng làm mưa làm gió. Ít ra, những nỗ lực cứu thị trường của họ vẫn rất đáng được hoan nghênh./.

Nguồn Doanh Nhân Online