Sabeco vào tay người Thái, Habeco còn chông chênh

Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, trong khi xu hướng tiêu thụ bia đang giảm.

Thị phần giảm sút

2017 là một năm khá khó khăn đối với Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khá Hà Nội (HoSE: BHN) trong bối cảnh ngành bia cạnh tranh ngày càng gay gắt và áp lực chi phí gia tăng. BHN đang có dấu hiệu mất thị phần ngay cả trong thị trường truyền thống ở miền Bắc. BHN đạt doanh thu thuần 9.802 tỷ đồng (giảm 1,9% so với năm 2016), trong đó doanh thu thuần mảng đồ uống đạt 7.867 tỷ đồng (giảm 3,2% so với năm 2016). Lợi nhuận gộp đạt 2.568 tỷ đồng (giảm 7,9% so với năm 2016) do tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 27,8% năm 2016 xuống còn 26,2% trong năm 2017. LNTT và lợi nhuận ròng đạt lần lượt 839 tỷ đồng và 658 tỷ đồng, giảm 29% YoY và 18% YoY. BHN đang đối mặt với những thách thức bao gồm:

Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 481,9 triệu lít, giảm 8,5% so với năm 2016. Sản lượng tiêu thụ bia đạt 479 triệu lít (giảm 9% so với năm 2016) do sản lượng tiêu thụ của sản phẩm bia chai đỏ 450ml giảm đáng kể ( giảm 24% so với năm 2016), dẫn đến đóng góp cho tổng doanh thu giảm của sản phẩm này giảm từ 47,7% (2016) xuống còn 39,6% (2017).

Sabeco vào tay người Thái, Habeco còn chông chênh

Trong khi đó, trong năm 2017, tổng sản lượng tiêu thụ bia toàn ngành đạt 4.006 triệu lít, tăng 6% so với năm trước. BHN từng tập trung mở rộng vào phân khúc Bia Hơi có sản lượng cao nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp. Điều này làm hạn chế tăng trưởng khi thu nhập của người tiêu dùng tăng và vì thế chuyển sang xu hướng sử dụng những sản phẩm cao cấp hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có xu hướng chuyển từ chai cỡ lớn sang cỡ nhỏ và chú ý hơn đến bao bì so với trước đây.

Khả năng chi trả cao hơn và ngày càng có nhiều lựa chọn sản phẩm cao cấp, các chiến dịch marketing mạnh mẽ, và các thương hiệu nước ngoài nhập khẩu tác động đáng kể đến doanh thu khi BHN không ra mắt thêm bất kỳ dòng sản phẩm mới. BHN đã tăng mạnh chi phí marketing trong vài năm qua lên đến 568 tỷ đồng trong năm 2017 nhưng vẫn không hiệu quả. Chi phí marketing tăng lên về mặt giá trị cũng như về mặt tỷ trọng trong doanh thu, nhưng tăng trưởng doanh thu lại có xu hướng ngược lại. Tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu của BHN trong năm 2017 là 12,9%, thấp hơn so với các công ty hàng tiêu dùng khác như VNM (22%), KDC (15%) và MSN (14%).

Tỷ suất lợi nhuận kém cạnh tranh khiến các nhà phân phối/bán buôn chuyển sang nhập kho của các thương hiệu đối thủ. Thuế TTĐB tăng từ 55% lên 60% kể từ 1/1/2017, gây ảnh hưởng nặng nề hơn đến lợi nhuận, do BHN không đẩy được chi phí sang người tiêu dùng. Giá bán bình quân trong năm 2017 chỉ tăng 2-3% so với cùng kỳ.

Kế hoạch thoái vốn

Trong năm 2018, BHN đặt kế hoạch tổng sản lượng tiêu thụ đạt 500 triệu lít, tăng 3,8% so với năm 2017 , LNTT tăng 19,3% lên 1.001,8 tỷ đồng.

Theo BMI, BHN vẫn là nhà sản xuất bia lớn thứ ba của Việt Nam, nhưng thị phần hiện tại là 16% (2015-2016: 18%), thua xa các công ty cùng ngành - SAB (40%) và Heineken (25%). Thị phần đã mất cho tất cả các đối thủ cạnh tranh, điển hình là thị phần của Heineken chỉ còn 17,3% trong năm 2015. Tất cả các nhà máy bia của BHN đều có công suất thiết kế là 800 triệu lít/năm nhưng hiện tại hoạt động 62,5% công suất để sản xuất 500 triệu lít.

Sabeco vào tay người Thái, Habeco còn chông chênh

Chi phí marketing (cột đỏ), tỷ lệ chi phí marketing/doanh thu (đường màu đỏ), tốc độ tăng trưởng doanh thu (đường màu xám) của BHN.

Hầu hết bao bì của các sản phẩm BHN đã lỗi thời, dẫn đến khó cạnh tranh với các công ty cùng ngành. BHN nhận thấy người tiêu dùng bây giờ ưa chuộng lon thay vì chai và chai nhỏ thay vì chai lớn. Vì vậy, ban lãnh đạo sẽ tập trung vào việc cải thiện thiết kế và bao bì để củng cố danh mục sản phẩm, đẩy mạnh nhận diện thương hiệu và phân phối sản phẩm ngoài thị trường miền Bắc.

BHN gần đây đã thay thế chai màu đỏ bằng các sản phẩm chai màu xanh mới với dung tích 450ml và đặt kế hoạch cho ra đời các chai dung tích 355, 330ml trong năm nay để bảo vệ thị phần trong phân khúc chính. Sản phẩm lon Bia Hà Nội Premium 330ml mới, giới thiệu vào tháng 11/2017, đang nhận được phản hồi tích cực về chất lượng.

Trong quý I/2018, doanh thu thuần của công ty đạt 1.426 tỷ đồng (tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận trước thuế đạt 383 tỷ đồng (tăng 4,3% so với cùng kì) và lợi nhuận ròng đạt 110 tỷ đồng (tăng 12,1%), tương ứng EPS đạt 567 đồng (Q1/2017: 530 đồng) và chỉ hoàn thành 13,6% kế hoạch LNTT. Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 28,8% trong quý I.2017 xuống còn 26,8% trong quý I.2018.

Giá bán trung bình đã tăng 5-6% kể từ đầu năm 2018 do thuế TTĐB tăng 5%. Đồng thời, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng 2-3%. BHN đang cố gắng giảm chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp để bù đắp nhưng chưa thành công.

Nhìn lại KQKD 6 tháng đầu năm, doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp chưa đạt kỳ vọng, khả năng BHN có thể hoàn thành kế hoạch 2018 là tương đối thấp.

BHN vẫn là nhà sản xuất bia lớn thứ ba của Việt Nam, nhưng thị phần hiện tại là 16% (2015-2016: 18%), thua xa các công ty cùng ngành - SAB (40%) và Heineken (25%).

Một trở ngại với các doanh nghiệp ngành bia là mức thuế TTĐB trong năm tới nhưng SSI Retail Research đánh giá khả năng cao sẽ tăng do mức thuế TTĐB tại Việt Nam đối với đồ uống có cồn vẫn thấp hơn so với các nước khác.

Các chính sách khác của Chính phủ nhằm hạn chế tiêu thụ bia và đồ uống có cồn khác: Bộ Y tế đang soạn thảo đề xuất trình Quốc hội liên quan đến việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn. Theo đề xuất, các công ty bia và nước giải khát có cồn sẽ bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức đối với sản phẩm nào có nồng độ cồn quá 15%.

Các sản phẩm có lượng cồn thấp hơn sẽ bị cấm quảng cáo ở những nơi công cộng, truyền hình và phim ảnh, những sản phẩm tiếp xúc với khán giả nhỏ tuổi. Dự thảo luật còn đề xuất khoảng cách tối thiểu giữa các nhà bán lẻ đồ uống có cồn là 500 mét và điều chỉnh giờ bán bia.

Bộ Công Thương cho rằng xu hướng tiêu thụ bia đang tiếp tục giảm. Tốc độ CAGR giai đoạn 2021-2025 cho ngành bia là 5%, thấp hơn so với giai đoạn hiện tại 2015-2020 là 7%.

Trong năm 2018 này, Bộ Công Thương đặt kế hoạch thoái vốn 82% cổ phần tại BHN. Tuy nhiên, vấn đề chính trong việc thoái vốn từ Habeco là Carlsberg được ưu tiên trong việc mua cổ phần Nhà nước tại Habeco dựa trên hợp đồng cam kết đã ký giữa Bộ Công Thương và Carlsberg khi Carlsberg mua 17,51% cổ phần của công ty trong năm 2008.

Như Mai / SSI Retail Research
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư