Phó Thủ tướng chỉ đạo về việc lập Hãng hàng không Bamboo Airways
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Tre Việt tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Tre Việt theo đúng quy định của Luật Đầu tư. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hồ sơ dự án của Bamboo Airways cơ bản hội đủ các thủ tục pháp lý cần thiết. Dự kiến, quy mô đầu tư của nhà đầu tư phù hợp với quy định tại Nghị định 92/2015/NĐ-CP về số lượng tàu bay duy trì tối thiểu trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không (3 tàu bay).
Dự án cũng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020 cũng như Quy hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, nhà đầu tư cũng thỏa mãn yêu cầu về vốn chủ sở hữu, cũng như cam kết của công ty mẹ - Tập đoàn FLC về việc cung cấp bổ sung vốn lưu động thường xuyên phục vụ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu gia nhập thị trường và các giai đoạn tiếp theo; góp vốn bổ sung tăng vốn điều lệ, đảm bảo luôn đáp ứng điều kiện về mức vốn tối thiểu thành lập và duy trì vận chuyển hàng không theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo chủ đầu tư là Tập đoàn FLC, Bamboo Airways được định vị trở thành hãng hàng không Hybrid, tức là lai giữa hàng không truyền thống và giá rẻ. Theo đó, hãng sẽ có giá ở phân khúc giữa của Vietnam Airlines và Vietjet Air, nhỉnh hơn hàng không giá rẻ như Vietjet Air "một chút" và rẻ hơn Vietnam Airlines nhưng chất lượng sẽ cao như "5 sao".
Hãng sẽ tập trung tuyến bay quốc tế nối các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan,… đến các điểm du lịch tại Việt Nam như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nha Trang… Trong dài hạn sẽ mở rộng tuyến tới Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa-Quy Nhơn, Thanh Hóa- Phú Quốc, Thanh Hóa-Nha Trang…
Dự kiến đến năm 2023, hãng hàng không này sẽ mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế.
Xác định sẽ cạnh tranh trực tiếp với 2 hãng hàng không đang chiếm thị phần lớn hiện nay là Vietnam Airlines và Vietjet Air, lãnh đạo Bamboo Airways cũng khẳng định, hãng có những lợi thế riêng mà các hãng hàng không khác không có được.
Bamboo Airways có hướng đi hoàn toàn khác so với các hãng bay trong nước. Thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã phát triển, Bamboo Airways tập trung khai thác thị trường ngách, bao gồm các tuyến bay thẳng từ quốc tế và trong nước tới các điểm du lịch mới nổi của Việt Nam.
Trong hai năm đầu tiên, Bamboo Airways sẽ hoạt động trong nước khoảng 8 -10 tuyến bay với các điểm đến ưu tiên như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quy Nhơn hay Nha Trang…Từ năm thứ ba, các tuyến bay quốc tế sẽ được triển khai kết nối trong nước với các nước và vùng lãnh thổ thuộc Đông Bắc Á quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan…
Dự kiến đến năm 2023, hãng hàng không này sẽ mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế.
Nguyên Hà
Nguồn VN Economy