Bong bóng kỳ lân công nghệ sắp vỡ?
Thị trường dự đoán, một làn sóng bong bóng kỳ lân công nghệ sắp vỡ tan.
Các doanh nghiệp kỳ lân - những công ty khởi nghiệp được định giá hơn 1 tỷ USD vốn là niềm tự hào của nhiều quốc gia nơi họ xuất thân. Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ, không ít "kỳ lân" chưa kiếm được đồng lợi nhuận nào nhưng lại đang đốt tiền nhanh hơn so với những gì kiếm được.
Uber, Xiaomi, Airbnb, hay Lazada… là một vài trong số 279 kỳ lân công nghệ "thế hệ hiện tại" nổi tiếng toàn cầu, theo thống kê tới tháng 2 năm nay của Techcrunch.
Việc các startup được định giá hàng tỷ USD không phải là dấu hiệu của sự an toàn, mà là biểu hiện của những rủi ro đến từ sự định giá quá mức đang diễn ra phổ biến.
Sự sụt giảm từ vòng gọi vốn
Kỷ nguyên của kỳ lân đang chậm lại đáng kể, theo Công ty CB Insights. Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên đến từ sự sụt giảm của những vòng gọi vốn đạt giá trị từ 100 triệu USD trở lên, bắt đầu từ quý IV/2015.
Ngoài ra, Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, các kỳ lân bình quân được định giá cao hơn giá trị thật tới 50%.
Với thực lực lẫn tiềm lực chưa tới, đốt tiền nhiều hơn sinh lời, chạy đua để trở thành công ty đại chúng, khi tiến hành IPO, nguy cơ giảm giá trị trên thị trường là rất lớn. Chẳng hạn như Trivago, một công cụ tìm kiếm khách sạn nổi tiếng của Đức, đã chứng kiến giá trị giảm hơn 29% trong vòng 1 tuần ngay sau IPO, đơn giản vì thị trường không đồng ý với giá trị niêm yết. Snap hay Fitbit cũng là những ví dụ cảnh báo điển hình mà các nhà đầu tư khó lòng quên được.
Tính chung, có khoảng 76% số doanh nghiệp không đạt lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu trong 12 tháng đầu tiên kể từ khi trở thành công ty đại chúng hồi năm 2017. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ đỉnh cao của sự bùng nổ dot-com năm 2000.
Đã xuất hiện những lời cảnh báo về số phận bi đát của thêm nhiều kỳ lân trong thời gian tới. Một vài mô hình tài chính thậm chí dự báo rằng, 80% số công ty kỳ lân sẽ sụp đổ trong vòng 2 năm tới.
Bước ngoặt quyết định
IPO của công ty truyền thông xã hội Snap Inc. diễn ra vào tháng 3.2017 ở mức 17 USD cho mỗi cổ phiếu. Trong ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng 44%. Dù vậy, con số này hiện giảm xuống còn 11 USD mỗi cổ phiếu. Công ty lưu trữ dữ liệu trực tuyến Dropbox cũng trở thành công ty đại chúng hồi tháng 3-2018 và trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu tăng vọt lên 36%. Tuy nhiên, nhà đầu tư có lẽ không khỏi do dự khi biết được công ty này chỉ mới có 200.000 (khách hàng) trong số 500 triệu người sử dụng trả tiền. Xưa hơn một chút, cổ phiếu công ty Fitbit (chuyên về thiết bị theo dõi sức khỏe) có giá 45 USD hồi năm 2015 nhưng hiện chỉ giao dịch ở mức 5 USD.
Không chỉ có các kỳ lân mới được định giá quá cao. Birchbox, một startup về trả phí dùng thử mỹ phẩm từng được định giá gần nửa tỉ đô la bởi các nhà đầu tư mạo hiểm vài năm trước. Giờ đây, chỉ có một nhà đầu tư cũ sẵn lòng mua lại công ty này với số tiền 15 triệu USD.
Số phận của kỳ lân còn gặp thách thức khi các công ty lớn đang học cách ứng dụng công nghệ mới nổi, đột phá nhanh hơn bao giờ hết. Các công ty như là Actesy.com gần đây đã hoàn thiện và thử nghiệm một phần mềm cho phép các công ty trong danh sách Fortune 500 (500 công ty lớn nhất về doanh thu ở Mỹ) có thể triển khai nhanh chóng và dễ dàng các công nghệ mới nổi trong khi vẫn duy trì sự tồn tại của các giải pháp truyền thống, có chi phí cao. Khi các công ty lớn học được cách duy trì lợi thế cạnh tranh qua các công nghệ đột phá, cuộc chơi của những kỳ lân đang đi đến điểm giới hạn.
Minh Đức
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư