Ngành nhựa trong vòng xoáy thâu tóm
Hàng loạt tên tuổi lớn của ngành nhựa Việt Nam đang dần rơi vào tay các doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc. Các chuyên gia kinh tế lo ngại trong thời gian tới, doanh nghiệp FDI sẽ "bóp nghẹt" những doanh nghiệp nhựa nội còn lại.
Sức ép
Theo ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), ngành nhựa đang có mức tăng trưởng cao, từ 14 - 15%/năm. Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2016. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành nhựa Việt Nam là Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á.
Ông Lam cũng cho biết, nếu như trước đây ngành nhựa chỉ có những công ty quy mô nhỏ thì giờ đây nhiều doanh nghiệp trong số ấy đã lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, nhìn sâu vào thị trường, không khỏi e ngại vì ngành nhựa Việt Nam đang đứng trước sức ép cạnh tranh gay gắt và nhiều công ty lần lượt rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Sau rất nhiều lần theo đuổi các thương vụ mua cổ phiếu Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) thì Tập đoàn Ximăng Siam (SCG) của Thái Lan đã chính thức phát thông báo tỷ lệ sở hữu tại BMP là 51,10%. Trước đó, cũng tập đoàn này đã sở hữu trên 20% vốn tại Công ty CP Nhựa Tiền Phong, và chi ra hơn 44 triệu USD để thâu tóm Công ty CP bao bì Tín Thành.
Sau khi thâu tóm BMP rất mạnh trong lĩnh vực nhựa xây dựng và Tín Thành là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực bao bì phức hợp, SCG đã nâng nhà máy sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lên con số 4 và tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh bao bì tại Việt Nam do trong nhiều năm nay, tiềm năng của lĩnh vực này có tốc độ tăng trưởng khoảng 6%/năm.
Chưa hết, SCG đã hoạch định số vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD để gia tăng sức mạnh trong ngành nhựa Việt Nam từ nay cho đến năm 2020. Trước đó, SCG đã chi 121 triệu USD để sở hữu cổ phần tại 7 công ty nhựa Việt Nam. Riêng với Công ty CP Nhựa Tiền Phong, sau khi nắm giữ một thời gian dài, do thấy không thể tăng tỷ lệ sở hữu để giữ vai trò chi phối nên SCG đã thoái toàn bộ vốn cho Công ty Sekisui Chemical (Nhật Bản).
Theo ông Hồ Đức Lam, doanh nghiệp Thái Lan với các bước chuẩn bị bài bản để thâm nhập thị trường Việt Nam, đồ nhựa của họ sẽ được ưu tiên phân phối tại Cresent Mall, Metro Cash & Carry cũng do người Thái sở hữu.
Không chỉ người Thái thấy sức hấp dẫn từ thị trường nhựa Việt Nam, mà sau khi mua Công ty CP Bao bì Minh Việt từ Masan, Tập đoàn Dongwon Systems Corporation (Hàn Quốc) đã thu gom cổ phiếu Công ty CP Nhựa Tân Tiến. Đây là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bao bì phức hợp cho ngành thực phẩm, với doanh thu bình quân hằng năm từ 1300 - 1.500 tỷ đồng.
Hầu hết khách hàng của Tân Tiến là những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mạnh tại thị trường Việt Nam như Unilever, Ajinomoto, Vedan, Miwon, Acecook, Trung Nguyên, Kinh Đô, Bayer Vietnam, Vinamilk. Dongwon Systems Corporation đã là cổ đông lớn chi phối tại Tân Tiến với tỷ lệ sở hữu 97,83%. Sau khi thâu tóm được Tân Tiến, hội đồng quản trị người Việt, trong đó có những nhà sáng lập doanh nghiệp này phải ra khỏi các vị trí chủ chốt, nhường cho người Hàn.
Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2016.
Người Nhật cũng không kém khi MeiwaPax Group chi 16,5 triệu USD mua Công ty CP Bao bì Sài Gòn (SAPACO), Oji Holding Corporation mua Công ty TNHH Bao bì United, Sagasiki Vietnam mua Công ty CP In và Bao bì Goldsun.
Đối phó
Sự ồ ạt đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào ngành nhựa Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển là họ tận dụng các ưu đãi đầu tư về đất đai, thuế và giá nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công giá rẻ để tiết kiệm chi phí nhằm đạt được mức giá tốt nhất. Các công ty nhựa nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia về hàng tiêu dùng có mối quan hệ toàn cầu và giờ cùng nhau vào thị trường Việt Nam tiếp tục hợp tác và cùng kiếm lợi nhuận. Việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do cũng đem lại lợi thế không nhỏ cho các doanh nghiệp FDI.
"Việc đổ vốn vào ngành nhựa, doanh nghiệp ngoại còn tận dụng chuỗi giá trị từ đầu vào cho đến đầu ra mà doanh nghiệp Việt Nam và một số doanh nghiệp FDI đã kỳ công xây dựng. Chẳng hạn, người Thái đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hạt nhựa thì đã có sẵn hệ thống nhà máy sản xuất đồ nhựa và mạng lưới phân phối từ các thương vụ M&A các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam", ông Hiển nhìn nhận.
Sức ép này rõ ràng là rất lớn với doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Vẫn theo ông Hiển, trừ một số ít doanh nghiệp lớn đáp ứng được các yếu tố về vốn, công nghệ chuẩn quốc tế, giá thành, năng lực tiếp thị, khả năng xây dựng thị trường thì phần lớn doanh nghiệp nhựa nội luôn trong tình trạng thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao.
Ông Hồ Đức Lam cho biết, sự khó khăn của doanh nghiệp nhựa Việt Nam còn do phải phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu phải nhập khẩu. Ngành nhựa luôn có chi phí sản xuất, kinh doanh tương đối cao dẫn đến giá thành cao nên chỉ cần các yếu tố khách quan như tỷ giá, lãi vay, chính sách thuế nhập khẩu thay đổi đột ngột là lợi nhuận thuần ngay lập tức bị âm.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng đồ nhựa bình quân đầu người sẽ đạt 45kg/năm vào năm 2020, tương đương tỷ lệ tăng trưởng 4%/năm. Ngành bất động sản, xây dựng tiếp tục phục hồi sẽ thúc đẩy phát triển nhựa xây dựng.
Nếu xét về quy mô và công nghệ để gia tăng lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam đã mở rộng sản xuất, phân phối.
Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát đã xây dựng đến 7 nhà máy để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hay như Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á mới đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất profile với 17 dây chuyền và trạm trộn tự động.
Theo Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp nhựa Việt Nam đã nhập công nghệ tiên tiến nhất của thế giới về sản xuất, tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu vào các thị trường khó tính, như châu Âu, Mỹ, Nhật.
Ông Hồ Đức Lam - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Rạng Đông chia sẻ, Rạng Đông xác định sản phẩm mục tiêu, khách hàng mục tiêu để tập trung nguồn lực vào đó. Để tiếp cận khách hàng khó tính, Rạng Đông đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị vào từng công đoạn sản xuất để sản phẩm có độ chuẩn xác cao về kích cỡ, tỷ lệ phế liệu thấp, từ đó hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo ông Dương Quốc Thái - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Sài Gòn, Nhựa Sài Gòn vẫn duy trì được năng lực cạnh tranh nhờ có những khách hàng lớn, ổn định. Nền tảng cho điều này nằm ở máy móc, thiết bị đã được đầu tư đồng bộ, sản xuất thành công một số loại bao bì phức tạp từ công nghệ mới, làm giảm giá thành sản phẩm.
Minh Phương
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn