CEO Microsoft Satya Nadella và “bài kiểm tra” trị giá 7,5 tỷ USD
Danh tiếng không mấy tốt đẹp của Microsoft với giới phát triển mã nguồn mở trong quá khứ và những thương vụ thất bại của công ty khiến động thái mua lại GitHub vấp phải sự hoài nghi rất lớn.
Khi nhắc đến thương vụ mua lại GitHub giá 7,5 tỷ USD, CEO Microsoft Satya Nadella đã "khẩn thiết" kêu gọi các nhà phát triển hãy "đánh giá chúng tôi bằng những hành động mà chúng tôi đã làm trong những năm qua, những hành động của chúng tôi ngày hôm nay và trong tương lai".
Theo Business Insider, dưới góc nhìn của Microsoft và Nadella, GitHub chính là cái tên phù hợp nhất cho chiến lược hiện tại của họ: Công ty đã đầu tư rất nhiều vào mã nguồn mở trong 4 năm qua, kể từ ngày ông Nadella lên giữ chức CEO. Trên thực tế, Microsoft là tập đoàn có nhiều đóng góp nhất cho các dự án mã nguồn mở trên GitHub, vượt mặt các đối thủ khác như Google hay Facebook. Công ty thậm chí còn sử dụng GitHub trong nội bộ để xây dựng một số sản phẩm của mình.
Tuy rõ ràng Nadella có thành ý và sẵn sàng chứng minh điều đó, không phải ai trong ngành công nghiệp cũng ủng hộ thương vụ này của công ty – không ít người dùng GitHub thậm chí còn từ bỏ nền tảng để chuyển sang các dịch vụ khác như GitLab hay BitBucket trước khi thương vụ chính thức được công bố.
Khi thương vụ được đưa tin trên các mặt báo, nhiều nhà phát triển tỏ ra lo ngại cho số phận của GitHub. Họ vẫn chưa thể quên rằng Microsoft đã dành hàng chục năm để cố gắng đè bẹp Linux và những công nghệ mã nguồn mở khác. Cựu CEO của công ty và là người tiền nhiệm của Satya Nadella, ông Steve Ballmer thậm chí còn từng ví phần mềm mã nguồn mở là "bệnh ung thư", dù sau này quan điểm của ông cũng đã bớt gay gắt hơn.
Microsoft dưới thời ông Nadella đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện hình ảnh của mình, cho thế giới thấy họ đã trở thành một công ty hòa đồng hơn, thân thiện hơn, sẵn sàng hợp tác với những công ty thậm chí từng là đối thủ trong quá khứ. Giờ đây, với thương vụ mua lại lớn thứ 4 trong lịch sử 43 năm của Microsoft, kế hoạch của ông Nadella sẽ được đưa ra thử thách: liệu cộng đồng GitHub nói riêng và mã nguồn mở nói chung có thể tin tưởng Microsoft hay không?
Thật vậy, một số coder lâu năm như ông Jacques Mattheij tỏ ra lo ngại rằng bất chấp những sự cam kết của ông Nadella với mã nguồn mở, Microsoft thực sự không hề thay đổi bản chất của mình và sẽ dùng GitHub làm công cụ để phục vụ những mục đích khác của mình.
"Có thể tôi là một ông già khó tính, có thể vị sếp mới là một người tốt bụng hơn, nhưng Microsoft sẽ vẫn là Microsoft", ông Mattheij viết trên blog của mình.
Những người khác thì lại có những lo ngại khác: Microsoft không phải là một công ty nổi tiếng về khả năng mua bán của mình. Thương vụ với Nokia đã thất bại thảm hại, và nhiều người tin rằng công ty đã đi sai hướng với Skype. Giờ đây, các nhà phát triển sợ rằng GitHub sẽ phải chịu số phận tương tự.
Ngoài ra, GitHub là nơi lưu trữ mã nguồn của hàng triệu phần mềm khác nhau, từ những dự án ngẫu hứng làm vì đam mê của một cá nhân nào đó cho tới những ứng dụng phát triển của Facebook. Để một công ty trị giá 781 tỷ USD sở hữu toàn bộ những phần mềm đó rõ ràng sẽ khó có thể khiến cộng đồng hài lòng.
Giới phát triển phản đối
Để bày tỏ quan điểm của mình về thương vụ của Microsoft, nhiều nhà phát triển đã quyết định chuyển từ GitHub sang các nền tảng đối thủ. GitLab và BitBucket đều đưa ra những số liệu cho thấy một lượng lớn dự án được chuyển từ GitHub sang nền tảng của họ chỉ vài giờ sau khi thương vụ được công bố.
Theo Business Insider, CEO GitLab Sid Sijbrandij cho biết hơn 100.000 dự án đã "nhảy" từ GitHub sang dịch vụ của họ kể từ khi trang Bloomberg đưa tin về thương vụ vào ngày 3/6 vừa qua. Thống kê tải lên (upload) cũng đã tăng gấp 10 lần so với thông thường.
Ông Sijbrandij khẳng định "đối với rất nhiều người, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh". Tuy cả hai công ty đều được xây dựng trên công nghệ mã nguồn mở Git – lý do khiến tên hai công ty nghe giống nhau – GitLab cung cấp cho người dùng một phiên bản mã nguồn mở miễn phí của phần mềm của họ, còn GitHub thì không. Vì vậy, Sijbrandij cho rằng GitHub khá "đạo đức giả": họ ủng hộ mã nguồn mở, nhưng lại không cung cấp nó.
Tuy nhiên, GitLab cũng không phải là không xem trọng GitHub. Tuy ông Sijbrandij tin rằng nền tảng của mình cung cấp cho nhà phát triển bộ công cụ vượt trội hơn, ông cũng thừa nhận rằng Microsoft luôn là một đối thủ mạnh mẽ.
"Tất nhiên, chúng tôi sẽ không đánh giá thấp họ", ông Sijbrandij chia sẻ.
Tin vui cho Mirosoft
Khi Business Insider trò chuyện với CEO GitHub Chris Wanstrath - người sẽ trở thành "Technical Fellow" của Microsoft trong tương lai - anh cho biết những thương vụ thành công như mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD hay mua lại Mojang (công ty làm ra Minecraft) với giá 2,5 tỷ USD cho thấy Microsoft đã biết chọn con đường đúng đắn để đi.
Tin vui cho Microsoft là không ít người tại Thung lũng Silicon cũng có chung quan điểm với Wanstrath. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy những nỗ lực trong suốt 4 năm qua của Microsoft đã bắt đầu có tác dụng.
"Do quyết định này có ảnh hưởng đến ‘cần câu cơm' của chúng tôi – và của cả Microsoft – cũng như tương lai của hệ sinh thái mã nguồn mở, tôi tin rằng Microsoft sẽ không thất bại, và họ sẽ vẫn giữ được GitHub nguyên vẹn như trước", Resi Respati, một nhà phát triển chia sẻ trên blog Practical Dev.
Và đối với Microsoft, có vẻ như công ty hoàn toàn hiểu được họ còn nhiều việc phải làm để có thể chiếm được cảm tình của cộng đồng. Trên thực tế, Microsoft ngay lúc này tuyên bố họ sẵn sàng cam kết không bao giờ ép buộc người dùng GitHub phải sử dụng công nghệ của Microsoft.
"Hoài nghi là điều hoàn toàn dễ hiểu, nhưng chúng tôi đang đi trên con đường đúng đắn", Chris Wanstrath nói thêm.