Điều gì khiến F&N muốn tăng sở hữu bằng được Vinamilk?
Vinamilk là khoản đầu tư sinh lời ổn định cho F&N Dairy Investments, trong nửa đầu năm nay, Tập đoàn này có được lợi nhuận trước lãi vay và thuế (PBIT) tăng trưởng đến 26%, lên tới 86,8 triệu USD. Thời gian tới, F&N tham vọng tăng sở hữu Vinamilk lên hơn 26%.
Kiên trì gom cổ phiếu Vinamilk sau nhiều lần bất thành
Có lẽ chưa có nhà đầu tư nào kiên trì mua cổ phần Vinamilk như F&N Dairy Investments Pte Ltd (gọi tắt kaf F&N). Theo thống kê của người viết, sau đợt mua thông công hơn 78 triệu cp Vinamik tại buổi chào bán cạnh tranh cuối năm 2016, F&N đã miệt mài đăng ký 15 lần mua thêm cổ phiếu Vinamilk thông qua giao dịch khớp lệnh nhưng không mấy thành công.
Thông tin gần đây nhất từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), F&N chi khoảng 20 tỷ đồng để mua 130.000 cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) từ ngày 2 - 31/5/2018. Sau giao dịch, F&N nắm hơn 251,2 triệu cp Vinamilk, tỷ lệ sở hữu tăng từ 17,3% lên 17,31%. Ngay sau hoàn tất giao dịch này, F&N lại tiếp tục đăng ký mua 14,5 triệu cổ phiếu VNM từ 6/6 - 5/7/2018 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Tỷ lệ vốn dự kiến sau khi hoàn tất là 18,3%.
Đây là một trong nhiều lần không thực hiện mua hết số cổ phần đăng ký mà F&N Dairy Investments đã thực hiện.
Để giải thích cho những lần bất thành, F&N cho biết nguyên nhân là điều kiện thị trường không phù hợp. Và không từ bỏ tham vọng tăng sở hữu "con bò sữa" Vinamilk, sau mỗi lần công bố kết quả giao dịch mua cổ phiếu Vinamilk, tập đoàn này lại ngay lập tức thông báo sẽ tiếp tục mua gom cổ phiếu.
Vinamilk đóng lãi "khủng" cho F&N
Được biết, F&N bắt đầu mua cổ phần của Vinamilk từ năm 2005 và theo sát kế hoạch thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) để có cơ hội tăng sở hữu tại công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất Đông Nam Á này.
Nhưng mãi tới năm 2016, khi Chính phủ dự kiến bán 9% cổ phần với sự giúp đỡ từ vấn từ Morgan Stanley Asia, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và VinaCapital Corporate Finance Vietnam thì F&N mới có cơ hội để “lấn sâu” vào Vinamilk. Và đến cuối năm 2016, tổ chức này đã mua thành công hơn 78 triệu cp Vinamik tại buổi chào bán cạnh tranh, sở hữu từ 10,95% lên 16,35%.
Cũng từ đó, khoản đầu tư vào Vinamilk giúp F&N có một kết quả kinh doanh sáng sủa hơn. Theo báo cáo tài chính 2017 (niên độ 1/10-30/9) của F&N, dù ở thị trường Việt Nam không mang lại phần lớn doanh thu nhưng lại đóng góp tới 47% lợi nhuận trước lãi vay và thuế (PBIT) cho Tập đoàn. Nhờ có nguồn thu nhập từ cổ tức và các sản phẩm sữa cao hơn năm trước phát sinh từ công ty liên kết là Vinamilk nên F&N ghi nhận lợi nhuận trước lãi vay và thuế tăng trưởng 7%, lên tới 204 triệu USD dù doanh thu giảm sút so với năm 2016.
Nguyên nhân là do trong năm tài chính 2017, F&N đánh giá lại khoản đầu tư tại Vinamilk từ đầu tư tài chính sang đầu tư vào công ty liên kết, đem về khoản lợi nhuận khác gần 1,2 tỷ SGD (tương đương 924 triệu USD).
Bước sang 2018, khoản đầu tư tại Vinamilk tiếp tục tăng trưởng, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của F&N. Trong nửa đầu niên độ 2018, mặc dù doanh thu F&N chỉ tăng nhẹ lên 960,2 triệu USD nhưng lợi nhuận trước lãi vay và thuế tăng 26,5% lên 86,8 triệu USD nhờ đóng góp lớn gần 37% lợi nhuận từ Vinamilk (31,8 triệu USD).
F&N Dairy Investments đang kỳ vọng điều gì từ "con bò sữa" Vinamilk?
Theo báo cáo thường niên 2017 của F&N, Chủ tịch HĐQT Charoen Sirivadhanabhakdi nhận định, đầu tư chiến lược vào Vinamilk cho phép Tập đoàn giảm sự phụ thuộc vào các thị trường trọng điểm như Singapore, Malaysia, Thái Lan và tham gia vào sự tăng trưởng năng động của nền kinh tế Việt Nam. Lãnh đạo F&N kỳ vọng sẽ tiếp tục có được mối quan hệ tốt đẹp với ban lãnh đạo Vinamilk vì lợi ích của các cổ đông.
Báo cáo cũng ghi nhận, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng GDP 6% trong vòng 3 năm tới. Tầng lớp trung lưu tăng cao khi với tốc độ thị hóa ngày càng tăng. Để đặt nền tảng thương mại cũng như mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, Tập đoàn thành lập Công ty FNV tại Việt Nam vào tháng 8/2016, phân phối sản phẩm và kinh doanh đồ uống không cồn trong nước.
Kế hoạch đến 2020, F&N Dairy Investments xác định Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam là thị trường mới quan trọng. Theo đó, tập đoàn sử dụng thương hiệu cốt lõi để nắm bắt cơ hội từ những thị trường này. Ngoài mục tiêu tăng trưởng hữu cơ, Tập đoàn cũng tìm kiếm tăng trưởng thông qua chuyển đổi có chọn lọc để tận dụng cơ hội ở thị trường mới nổi.
Năm 2018, để có một vị trí chiến lược lớn hơn tại Vinamilk, F&N dự định tiếp tục tăng thêm khoảng 7,79% lên hơn 26,5% cổ phần của Vinamilk. Tuy nhiên, với nhiều lần đăng ký mua không mấy thành công, F&N sẽ phải kiên trì hơn nữa để có thể hoàn thành "sứ mệnh" này.
Thị phần trong nước của “đại gia sữa” của Việt Nam đã tăng lên 58% tính đến hết năm 2017 (so với con số 55,9% hồi cuối năm 2016). Trong năm 2018, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu 55.500 tỷ đồng, tăng 8,5% so với thực hiện năm 2017. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 12.800 tỷ đồng và 10.752 tỷ đồng, cùng tăng khoảng gần 5% so năm 2017. Hiện tại SCIC cũng chưa có ý định thoái tiếp vốn tại Vinamilk.
Minh Anh / Kinh tế & Tiêu dùng
Nguồn Người đồng hành