10 năm 'mai phục' thị trường viễn thông Myanmar của Viettel
Dù là thị trường nước ngoài mới nhất của Viettel, nhưng Myanmar đã nằm trong tầm ngắm của nhà mạng này từ hơn 10 năm trước.
Chia sẻ về thị trường Myanmar, Viettel nhận định đây chính là thị trường có quá trình xúc tiến đầu tư lâu nhất, có sự tham gia của nhiều nhân sự thuộc nhiều thế hệ của Viettel nhất và ngay chính TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng đã đích thân sang Myanmar không dưới 20 lần.
Các lãnh đạo Viettel đã quyết tâm sẽ gắn bó lâu dài với thị trường này vì 2 lý do chính. Một là, Myanmar và Việt Nam có nhiều nét văn hóa tương đồng như về vị trí, văn hóa và mối quan hệ chính trị vẫn luôn tốt đẹp giữa 2 quốc gia. Lý do thứ 2 là kinh tế quốc gia này còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt, thị trường viễn thông còn rất sơ khai, mạng nhà nước MPT giữ vị trí độc quyền.
Hành trình hơn 10 năm, cạnh tranh với 91 đối thủ
Tiềm năng của thị trường Myanmar có lẽ thể hiện rõ ràng nhất qua việc tại thời điểm nhóm khảo sát đầu tiên sang thị trường này “nằm vùng” đã không khỏi bất ngờ khi một SIM điện thoại tại đây có giá tới 2.000 USD. Kinh tế đóng cửa cùng sự độc quyền của mạng di động nhà nước MPT đã khiến việc sử dụng dịch vụ viễn thông tại Myanmar trở nên xa xỉ, chỉ phục vụ tầng lớp thượng lưu.
Con đường gia nhập thị trường Myanmar của Viettel cũng vì thế mà mịt mù bởi kinh tế nước này không rõ khi nào sẽ mở cửa và nếu mở cửa, liệu có cơ hội nào cho nhà mạng đến từ Việt Nam.
Theo chia sẻ của các cán bộ Viettel đầu tiên hoạt động tại Myanmar, những ngày đầu năm 2013, con đường tìm cơ hội đầu tư ở Myanmar tưởng chừng như mơ hồ, bỗng nhiên le lói lên hi vọng. Ngày 15/1/2013, Viettel nhận được tin Chính phủ Myanmar chính thức công bố mở thầu cấp 2 giấy phép viễn thông quốc tế.
Sau hơn 10 năm tại thị trường, việc Chính phủ Myanmar cấp một lúc 2 giấy phép dường như là cơ hội không thể tốt hơn cho Viettel. Chính nhà mạng cũng cảm nhận được đây là cơ hội cần nắm bắt dù phải đối mặt với rất nhiều đối thủ đáng gờm, những ông lớn trong ngành viễn thông.
Không ngoài dự đoán, thị trường viễn thông Myanmar được ví như “cô gái đẹp” bỗng dưng mở cửa đã thu hút những cái tên lớn của làng viễn thông thế giới. Đã có 91 nhà mạng trên khắp thế giới tham gia đấu thầu, trong đó có những nhà mạng lớn và lâu đời nhất trên thế giới như từ Vodafone, Airtel, Telenor, Digicel… đều có mặt.
Sau vòng sơ loại, Viettel lọt vào nhóm 11 nhà mạng tiềm năng nhất. Tuy nhiên, một tháng sau đó, nhờ những lợi thế nhất định, Telenor và Ooredoo đã trúng thầu. Toàn bộ công sức 10 năm “mai phục” thị trường Myanmar của Viettel tưởng chừng đổ bể. Thế nhưng lãnh đạo nhà mạng quân đội vẫn quyết định tìm kiếm khả năng liên doanh để tham gia thị trường.
Trái ngọt mang tên Mytel
Sau ngày đánh rơi cơ hội đầu tiên gần 1 năm, hi vọng cho Viettel lại lóe lên khi có thông tin công ty cung cấp Internet Yatanarpon (YTP) xin được giấy phép thứ 4 từ chính phủ Myanmar.
Ngay lập tức, Viettel đã tiếp cận đơn vị này để đàm phán phương án liên doanh. Hai bên đã có nhiều buổi làm việc và đích thân lãnh đạo cao nhất của Viettel khi đó đã sang Myanmar để tham gia đàm phán.
Tưởng chừng mọi điều khoản đã ổn thỏa, liên doanh giữa hai bên là khả thi thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, Chính phủ Myanmar đã quyết định hủy việc cấp giấy phép thứ 4 cho YTP.
Hai lần vuột mất cơ hội, lãnh đạo Viettel vẫn giữ nguyên quyết tâm sẽ gia nhập thị trường Myanmar khi có cơ hội tiếp theo. Cơ hội đó đến vào đầu năm 2016.
Chính phủ Myanmar bất ngờ cấp phép để một nhà mạng nước ngoài lập liên doanh viễn thông với các đơn vị của Myanmar và Viettel một lần nữa quyết tâm có được chìa khóa để tham gia thị trường này. Thời hạn chuẩn bị hồ sơ thầu chỉ gần 1 tháng trong khi thông thường là 3 tháng đã khiến cán bộ Viettel Myanmar phải làm gấp 3 công suất.
Hồ sơ thầu được hoàn thiện trước hạn chỉ 1 tiếng đồng hồ và Viettel là đơn vị duy nhất kịp hoàn thiện hồ sơ. Những cái tên lớn như Orange, Singtel và China Telecom đều không kịp chuẩn bị hồ sơ để tham gia.
Và đến ngày 8/9/2016, Tổng giám đốc Viettel Global Nguyễn Thanh Nam đã chính thức đặt bút ký vào Hợp đồng liên doanh giữa Viettel và đối tác Myanmar, là khởi đầu mới mang đầy sự nỗ lực, kỳ vọng của Viettel tại thị trường này.
Trái ngọt của 10 năm “mai phục” đã dần thành hình khi 9/6 tới đây, Viettel sẽ chính thức khai trương mạng viễn thông tại Myanmar với thương hiệu Mytel, trở thành nhà mạng thứ 4 tại quốc gia này.
Đây là thị trường quốc tế thứ 10 và có quy mô dân số lớn nhất mà Viettel từng đầu tư (gần 53 triệu người).
Ngô Minh
Nguồn Zing News