Sai lầm của Lotte

Đánh giá cao tiềm năng của thị trường bán lẻ nhưng lại không hiểu thói quen mua sắm được cho là nguyên nhân khiến Lotte Mart Việt Nam thua lỗ suốt 11 năm qua.

Cách đây ít ngày, Tập đoàn Lotte Hàn Quốc đã công bố báo cáo tài chính năm 2017, trong đó cho thấy Lotte Việt Nam đã báo lỗ năm thứ 11 liên tiếp dù tăng trưởng doanh thu 12%, đạt trên 5.000 tỷ đồng.

Tính toán sai lầm

Trong văn bản công bố ngày 18/5 vừa qua, Lotte Việt Nam cho biết, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này là gần 800 tỷ đồng, chiếm một nửa vốn chủ sở hữu 1,600 tỷ đồng của doanh nghiệp này tại Việt Nam. Lotte hiện nay đang vận hành 13 trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay, Tập đoàn Hàn Quốc này đã đầu tư gần 9.000 tỷ đồng để xây dựng 13 trung tâm thương mại đó. Theo lý giải của Lotte Việt Nam, mỗi trung tâm thương mại lớn như vậy cần tới 5-8 năm kể từ ngày khai trương mới đạt điểm hòa vốn. Tất nhiên, nhiều trung tâm thương mại của Lotte thì chưa đủ thời gian đó. Trong khi nhiều trung tâm thương mại chưa đạt điểm hòa vốn, Lotte lại tiếp tục mở thêm những trung tâm mới.

Tuy nhiên, đó là một phần nguyên nhân khiến Lotte Việt Nam lỗ liên tiếp 11 năm qua. Đánh giá sai thói quen người tiêu dùng là nguyên nhân lớn hơn dẫn tới khoản thua lỗ đó.

Sai lầm của Lotte

Câu chuyện của Lotte cho thấy mô hình bán lẻ không phải cứ hiện đại là người tiêu dùng Việt Nam sẽ thích. Bởi hiện hơn 90% thị phần bán lẻ tại Việt Nam vẫn thuộc về các kênh truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa.

“Sau thành công của đại siêu thị cao tầng đầu tiên tại TP HCM, chúng tôi đã suy nghĩ rất đơn giản là cứ mở ra nhiều đại siêu thị y như vậy thì sẽ thành công nhưng đã không nghiên cứu kỹ càng sự khác biệt ở từng khu vực khác nhau”, ông Jeong Seong Won, Giám đốc kế hoạch chiến lược, CTCP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, chia sẻ.

Lợi thế của hàng tiện lợi

Trong khi các trung tâm thương mại lớn như Lotte gặp khó khăn trong thu hút khách do thói quen người tiêu dùng chưa thay đổi nhiều, thì các cửa hàng tiện lợi lại được đánh giá là mảng có lợi thế lớn hơn. Ngay cả tập đoàn Aeon của Nhật Bản khi xây dựng các trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam cũng đã nắm cổ phần chi phối hai chuỗi siêu thị nhỏ hơn là Citimart và Fivimart nhằm phục vụ khách không vào trung tâm thương mại lớn.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IDG, Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng hơn 37%, nhanh nhất châu Á, về mô hình cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, với Lotte, tập đoàn này vẫn cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam và phủ nhận thông tin tập đoàn này đang tính tới việc bán lại toàn bộ mảng kinh doanh của mình tại Việt Nam để cắt lỗ. “Lotte chấp nhận lỗ trong ngắn hạn nhằm đạt được mục tiêu dài hạn. Dự kiến đến năm 2020, chúng tôi sẽ bắt đầu có lợi nhuận tại thị trường Việt Nam”, thông báo của tập đoàn này cho biết.

Nhưng để có được lợi nhuận, Lotte sẽ phải thay đổi chiến lược. Thay vì xây dựng theo nhiều tầng theo chiều cao, nay chỉ làm 1-2 tầng, tập trung phát triển trung tâm thương mại theo chiều rộng. Ngay cả việc bố trí bãi giữ xe ngay mặt tiền cho thuận tiện với người tiêu dùng cũng là sự thay nhằm thu hút khách tốt hơn.

Ninh Kiều
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp