Thị trường dầu ăn: Nội ngoại đua tranh

Các doanh nghiệp trong nước đang tỏ ra lấn lướt trên thị trường dầu ăn.

Trong đó nổi lên một thế lực mới là Công ty CP Tập đoàn Kido đang sở hữu nhiều nhãn hàng trong lĩnh vực này, đủ cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Gia tăng sức mạnh

Hiện nay, mức tiêu thụ dầu ăn của người Việt chưa đầy 10kg/năm, thấp hơn chuẩn WHO khuyến cáo bình quân 13,5kg/năm. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2020, lượng tiêu thụ dầu ăn sẽ tăng lên 16,2 - 17,4kg/người/năm và đến năm 2025 sẽ là 18,6 - 19,9kg/người/năm.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, quy mô thị trường dầu ăn ở Việt Nam ước đạt 30.000 tỷ đồng/năm, và tiếp tục tăng trưởng mỗi năm. Điều này đang hấp dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh vào ngành này.

Kido mới đây đã thâu tóm Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè - liên doanh giữa Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và Sime Darby Plantation - một tập đoàn kinh doanh đa ngành của Malaysia, trong đó kinh doanh nhiều nhất là dầu cọ - nguyên liệu chính để sản xuất dầu ăn. Tên tuổi của Golden Hope Nhà Bè gắn với thương hiệu dầu ăn Marvela. Trước đó, Kido đã giữ vai trò chi phối tại Vocarimex và Công ty CP Dầu thực vật Tường An.

Thị trường dầu ăn: Nội ngoại đua tranh

Ảnh minh họa: Bigstock.

Như vậy, với việc nắm giữ các công ty lớn, Kido đang nổi lên là một thế lực mới trên thị trường dầu ăn. Với kinh nghiệm kinh doanh của ban điều hành Kido, Tường An và Vocarimex đã có những thay đổi đáng kể về chiến lược kinh doanh cũng như doanh thu và lợi nhuận.

Kido đã giúp Vocarimex xác định lại chiến lược kinh doanh. Vì trước đó, các công ty con và các loại dầu ăn của Vocarimex tự sản xuất cùng cạnh tranh thị phần lẫn nhau, dẫn đến tự triệt tiêu các lợi thế, làm giảm lợi nhuận, để cho các đối thủ cạnh tranh bên ngoài hưởng lợi.

Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kido chia sẻ, trước đó, nhiều người nhận thấy những điểm bất ổn trong kinh doanh của Tường An. Đó là doanh thu lớn nhưng biên lợi nhuận lại thấp, hệ thống phân phối chưa vươn đến thị trường miền Bắc, chưa khai thác tốt phân khúc dầu ăn cao cấp.

Sau một năm gia nhập Kido, Tường An đã được tái cấu trúc triệt để, bổ sung nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối, kết quả là đã có những thay đổi lớn trong sản xuất, kinh doanh; kết thúc năm tài chính 2017, lợi nhuận trước thuế tăng 98,2% so với cùng kỳ, đạt 166 tỷ đồng, doanh thu 4.338 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2016.

Sức ép

Tuy nhiên, việc kiếm tiền từ dầu ăn không phải dễ vì quá nhiều sức ép.

Theo Nielsen, quy mô thị trường dầu ăn ở Việt Nam ước đạt 30.000 tỷ đồng/năm, và tiếp tục tăng trưởng mỗi năm.

Bằng chứng là cuối năm 2011, một doanh nghiệp FDI là Tập đoàn Bunge của Mỹ đưa nhà máy dầu đậu nành với vốn đầu tư lên đến 130 triệu USD vào sản xuất, chưa thu được đồng lãi nào và chưa kịp khấu hao vốn đầu tư đã phải đối diện với thuế suất nhập khẩu dầu ăn về 0%. Sau 4 năm chịu đựng, đầu tháng 7/2016, Bunge đã phải bán 45% cổ phần cho Tập đoàn Wilmar của Singapore.

Hay như Công ty Acecook Việt Nam đã dừng bước ở mảng dầu ăn với thương hiệu Đệ Nhất. Nguyên nhân, cạnh tranh ở mảng dầu ăn ngày càng gay gắt, thị trường quá nhiều chủng loại dầu với tính năng, kiểu dáng không mấy khác biệt, khiến phải tốn ra quá nhiều chi phí tiếp thị, bán hàng để giành thị phần, trong khi biên lợi nhuận mỏng, rủi ro lại cao.

Bộ Công Thương đã từng nỗ lực giúp doanh nghiệp dầu ăn Việt Nam tránh cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp cùng ngành của nước ngoài bằng cách tăng thuế nhập khẩu dầu ăn nhằm để doanh nghiệp Việt Nam có thời gian tích lũy nguồn lực, nhưng mức thuế tự vệ đối với dầu nhập khẩu chấm dứt kể từ tháng 5/2017. Điều này dẫn đến hàng ngoại nhập tràn vào, gây sức ép cạnh tranh với các công ty trong nước.

Chưa hết, mấy năm qua, một số doanh nghiệp ngoại, như Tập đoàn Musim Mas (Singapore) - một trong những nhà sản xuất dầu thực vật lớn thế giới, đã xây dựng nhà máy sản xuất dầu ăn tại Việt Nam với vốn đầu tư 71,5 triệu USD, công suất thiết kế 1.500 tấn/ngày.

Thông qua công ty phân phối ICOF Vietnam, Musim Mas đã đem đến cho thị trường Việt Nam những loại dầu ăn cao cấp. Đại diện Singapore đặt niềm tin rất lớn vào sự phát triển thương hiệu tại Việt Nam, vì thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Ông Trần Lệ Nguyên phải thừa nhận thực tế, việc cạnh tranh giữa hàng ngoại nhập và hàng nội địa trong lĩnh vực dầu ăn vẫn rất gay gắt.

Thị trường dầu ăn: Nội ngoại đua tranh

Ảnh minh họa: shutterstock

Cảm nhận rõ sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp nội tìm cách gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh. Vocarimex đang mở rộng vùng nguyên liệu để tránh phụ thuộc nhập khẩu, chuyển hướng sang sản xuất dầu ăn từ dầu lạc, dầu mè, và liên kết với doanh nghiệp cá tra để sản xuất dầu cá.

Với Kido, mục tiêu rất rõ ràng là chiếm lĩnh mảng dầu ăn qua những bước chuẩn bị kỹ lưỡng. Kido đã hợp tác với Felda Global Ventures (FGV) và Tập đoàn Indo-Trans Logistics (ITL). FGV của Malaysia là một trong những tập đoàn trồng và sản xuất dầu cọ lớn trên thế giới, sẽ hỗ trợ công ty liên doanh mới đảm bảo được nguồn cung dầu cọ nguyên liệu. ITL sẽ đóng góp cho liên doanh thông qua dịch vụ logistics, mạng lưới vận tải rộng khắp. Như vậy, Kido sẽ vừa có nguồn nguyên liệu ổn định, vừa có chi phí vận chuyển hợp lý.

Theo ông Nguyên, ngành dầu ăn Việt Nam hiện có hơn 450.000 điểm phân phối nên các đối thủ nước ngoài muốn đưa hàng vào Việt Nam buộc phải dựa vào đây, do đó khó cạnh tranh với những doanh nghiệp đã có mặt từ lâu ở thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu thực vật Tường An chia sẻ, với xu hướng người tiêu dùng hướng đến sản phẩm an toàn cho sức khỏe, Tường An tập trung vào phát triển phân khúc dầu ăn cao cấp. Đồng thời để mở rộng thêm biên lợi nhuận, Tường An phát triển mảng thực phẩm đóng gói gồm nước sốt, nước chấm, gia vị, bởi giá trị thị trường của lĩnh vực này lên đến 200.000 tỷ đồng.

Minh Phương
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn